Biến thể Delta đe dọa phục hồi kinh tế toàn cầu

Khả Hân| 12/08/2021 07:23

Trong khi thế giới thiếu hụt vaccine trầm trọng, nhiều quốc gia lại có những đợt bùng phát dịch Covid-19 từ biến thể của SARS-CoV-2, nhất là biến thể Delta và Delta+ khiến nền kinh tế và thương mại toàn cầu đứng trước nguy cơ suy yếu trở lại.

Biến thể Delta đe dọa phục hồi kinh tế toàn cầu

“Cuộc chiến” mới

Sau giai đoạn phục hồi từ quý II năm ngoái đến nay, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lại đứng trước thách thức suy yếu trở lại, khi các đợt dịch Covid-19 quay lại nước này. Mới đây, hãng Nomura Holdings đã hạ dự báo tăng trưởng quý III của kinh tế Trung Quốc từ 6,4% xuống 5,1% và tăng trưởng 4,4% trong quý IV. Trong cả năm 2021, Nomura dự báo tăng trưởng của Trung Quốc ở mức 8,2%, giảm từ mức 8,9%.

Trong bối cảnh số ca nhiễm biến chủng Delta đã xuất hiện ở 26 thành phố tại Trung Quốc, nước này đã nhanh chóng đóng cửa các điểm du lịch, hủy sự kiện văn hóa và các chuyến bay, trong khi có ít nhất 46 thành phố đã khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, trừ trường hợp thực sự cần thiết. Đợt dịch lần này đã lây lan đến thủ đô Bắc Kinh và trung tâm tài chính Thượng Hải. 

Đợt dịch lần này tạo ra áp lực lên sự phục hồi còn mong manh của ngành bán lẻ Trung Quốc, cùng với sản xuất cũng chịu áp lực suy yếu. Bloomberg Economics ước tính chỉ số quản lý thu mua - đo lường sức khỏe của nền kinh tế, trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020, cho thấy xuất khẩu giảm theo.

Các quốc gia tại Đông Nam Á cũng đang phải lao đao chống chọi với các đợt dịch mới, ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế. Từ đầu tháng 6, Malaysia đã yêu cầu các nhà máy sản xuất hàng chưa thật thiết yếu đóng cửa sau khi phát hiện hàng loạt ổ dịch ở nhiều doanh nghiệp. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các quốc gia như Thái Lan hay Indonesia.

Việc Trung Quốc và các nước Đông Nam Á gặp khó khăn như hiện nay gây sức ép lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá cước vận tải biển tăng vọt, ảnh hưởng lên nhiều nền kinh tế khác. Giới phân tích mới đây cảnh báo Hàn Quốc cũng sẽ đối mặt khó khăn tương tự Trung Quốc trong những tháng tới.

Đáng lưu ý là lộ trình tiêm vaccine tại các nước Đông Nam Á cũng không mấy khả quan. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 40% dân số ở các nền kinh tế phát triển đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa SARS-CoV-2. Tỷ lệ này ở các nền kinh tế mới nổi chỉ là 20%, còn ở các quốc gia Đông Nam Á, tỷ lệ tiêm đủ hai mũi rất thấp, như Thái Lan chỉ 6%, Indonesia và Philippines 8%. Thực trạng này sẽ khiến các nước Đông Nam Á khó sớm nối lại sản xuất, kinh doanh và thương mại.

Quá nhanh, quá nguy hiểm

Trước tình thế ấy, mới đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia phát triển tạm dừng việc tiêm nhắc lại vaccine ngừa Covid-19 cho tới ít nhất cuối tháng 9, để dành vaccine hỗ trợ cho các nước đang có tỷ lệ tiêm thấp, trong bối cảnh khoảng cách về tiêm chủng giữa các nước giàu và các nước nghèo ngày càng rộng. Theo dữ liệu của WHO, vào tháng 5, các nước thu nhập cao tiêm khoảng 50 mũi vaccine/100 dân, nay đã tăng gấp đôi. Trong khi đó, các nước thu nhập thấp hiện tại vẫn chỉ tiêm được 1,5 mũi/100 dân, do thiếu nguồn cung vaccine.

Tuy nhiên, trước sự nguy hiểm của biến thể Delta, đề xuất này dường như đang bị lờ đi. Nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản mới đây càng củng cố nhận định trước đó của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, khi đánh giá Delta có mức độ lây tương đương với virus gây bệnh thủy đậu - một trong những virus có mức độ truyền nhiễm cao nhất, đồng thời lây nhanh hơn virus cúm mùa, virus cúm Tây Ban Nha (gây đại dịch năm 1918) và virus đậu mùa. Ngoài khả năng lây lan gia tăng, độc lực của Delta "có vẻ như mạnh hơn chủng gốc".

Nhóm các nhà khoa học Nhật Bản cũng công bố biến thể Lambda - ghi nhận lần đầu ở Peru và đang lây lan mạnh ở Mỹ Latinh - lây nhiễm mạnh hơn và kháng vaccine cao hơn so với chủng gốc phát hiện ở Vũ Hán. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất hiện nay vẫn là biến thể Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, với khả năng lây lan dễ dàng hơn, qua đó làm tăng số ca mắc SARS-CoV-2 và nhập viện ở những người chưa được tiêm chủng.

tr18b-5798-1628652079.jpg

Thực tế là dù có tốc độ tiêm chủng nhanh giúp phương Tây nhanh chóng phục hồi nền kinh tế trong nửa đầu năm nay, cụ thể là Mỹ - quốc gia đã tiêm chủng cho 49,6% dân số, giúp sản lượng kinh tế tăng trở lại lên trên mức trước đại dịch trong quý II, nhưng thời gian gần đây nền kinh tế số một thế giới cũng phải “đau đầu” với biến chủng Delta, khiến sự phục hồi kinh tế có thể bị gián đoạn. Việc giá dầu những phiên vừa qua giảm chính là phản ánh mối lo ngại đà phục hồi kinh tế toàn cầu có thể bị chững lại.

Số ca nhiễm biến thể Delta ở Mỹ tăng vọt trở lại, nhất là ở nhóm người chưa tiêm vaccine. Giới chức y tế và Chính phủ Mỹ đã gọi làn sóng Covid-19 này là “đại dịch của những người chưa tiêm vaccine”. Những khu vực có số ca nhiễm tăng cao nhất ở Mỹ thời gian qua là những nơi có tỷ lệ dân số tiêm chủng thấp. Gần như tất cả ca nhập viện, tử vong là chưa tiêm vaccine. Dữ liệu của Quỹ Kaiser Family (Mỹ) cho thấy, hơn 90% số ca nhiễm và hơn 95% số ca nhập viện, tử vong tại một nửa số bang của Mỹ gần đây chưa tiêm vaccine. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Biến thể Delta đe dọa phục hồi kinh tế toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO