Dưới đây là những phân tích về những sai lầm trong tư duy khi đi hội nghị và cách khắc phục triệt để điều đó.
Bài viết này đã từng được đăng trên Medium.com. Tác giả là Isaac Naor, một nhà thiết kế, nhà sáng tạo yêu thích việc khởi nghiệp và hướng dẫn người khác. Ông yêu thích học hỏi thông qua việc lên ý tưởng thiết kế và dạy đứa con 3 tuổi của mình về code trước cả khi biết viết. Naor đã có nhiều bài đăng trên Wall Street Journal và Mobile Marketer, chuyên môn hiện tại là mảng công nghệ thực tế ảo.
Hãy bắt đầu từ bước cơ bản: Tại sao chúng ta phải đi dự hội nghị?
Nếu câu trả lời của bạn là "theo yêu cầu của cấp trên" hay "vì được trả tiền để dự" thì cách tiếp cận của bạn là hoàn toàn sai lầm.
Trên thực tế, kể cả sau khi tiếp xúc với hàng trăm người tại những buổi hội nghị như SXSW, WWDC và Google OI, bạn luôn bỏ sót những thứ rất quan trọng.
Nếu bạn gặp gỡ bất kỳ người nào như Larry Page, Sergey Brin hay Elon Musk, bạn sẽ biết được mục đích của họ đến hội nghị là "Để giải phóng tư duy".
Điều đó có ý nghĩa gì?
"Tư duy lý trí" của chúng ta được điều khiển bởi vùng vỏ não trước trán. Nó còn chịu trách nhiệm điều khiển cách cơ thể phản ứng sao cho phù hợp với những mặc định của chính mình từ trước đến nay như: chúng ta là ai, trông như thế nào, và cách chúng ta vận dụng những kinh nghiệm để đối phó với thế giới xung quanh.
"Giải phóng tư duy" có nghĩa là chúng ta sẽ tạm dừng hoạt động của vùng vỏ não trước trán này lại, và cho phép tiềm thức kiểm soát suy nghĩ, kinh nghiệm và cách tương tác với môi trường.
Tại sao điều này lại quan trọng?
Bởi vì chúng ta có thể nhìn nhận và suy nghĩ khác hơn. Tiềm thức hình thành những mối liên kết mà trước đây chúng ta chưa từng ý thức đến, giúp chúng ta nhận định mọi thứ rõ ràng hơn, gạt bỏ những trở ngại bấy lâu mỗi khi chúng ta nhìn nhận sự việc và đưa ra quyết định, từ đó chúng ta có nhiều cơ hội hơn để cải thiện bản thân.
Vậy việc tham dự hội nghị có liên quan gì đến điều này?
Nó sẽ diễn ra theo ba hướng:
1. Điều kỳ diệu của môi trường mới lạ
Hội nghị là môi trường lý tưởng để bạn giải phóng tư duy, bởi ở đó có nhiều sự việc và nhiều tư tưởng đối lập diễn ra liên tục. Bạn sẽ bị thu hút bởi vẻ ngoài và phong cách của một ai đó, bạn buộc phải để ý đến từng cử chỉ của một người và đoán được người đối diện có cảm xúc, thái độ ra sao, sắp nói điều gì với bạn thông qua những cử chỉ cơ thể của họ.
Xuất hiện tại một buổi hội nghị với một tinh thần thoải mái và mong muốn được tham gia vào câu chuyện của mọi người chính là cách để trải nghiệm và có những kinh nghiệm ứng xử. Đồng thời, đó là khoảng thời gian bạn đang thực sự xây dựng những mối quan hệ đầy ý nghĩa.
2. Sự khác biệt
Khi tham gia hội nghị, bạn sẽ có cảm giác như đang ở một thành phố nhỏ bé và đông đúc, một xã hội thu nhỏ của những người có cùng mối quan tâm. Ở môi trường này, bạn sẽ muốn được gặp gỡ và tương tác nhiều hơn. Thử tưởng tượng, tại một hội nghị có tính quốc tế, chỉ thông qua vài câu chuyện, bạn có thể hiểu biết được thêm rất nhiều điều mới lạ bên ngoài đất nước mình sinh sống.
Cơ hội học hỏi từ những người khác một cách ngẫu nhiên thoải mái sẽ gợi cho bạn những cách nghĩ mới mà có thể bạn sẽ không bao giờ nhận ra nếu chỉ làm việc với các đồng nghiệp quen thuộc.
Điều này tạo nên những trải nghiệm trí tuệ tuyệt vời, vì mở rộng tư duy theo cách này sẽ giúp bạn hình thành những quan điểm và cách tiếp cận mới trong công việc.
3. Ý thức cộng đồng là động lực lớn
Con người luôn khao khát và tìm kiếm ý thức cộng đồng. Chúng ta muốn biết những việc mình đang làm là có ích, và được những người khác quan tâm. Cũng vì điều này mà doanh nghiệp thường đặt ra một hệ thống quy tắc về giá trị và niềm tin để tăng năng suất và tính thống nhất trong tập thể nhân viên. Có cơ sở để nói rằng đó là lý do chính cho sự thành công của Zappo, và cũng là động lực của những cuộc cách mạng chính trị.
Xuất hiện tại một nơi có nhiều người cùng chia sẻ những tư tưởng và giá trị chung, bạn cũng có thể tiếp xúc và hưởng lợi từ họ.
3 nguyên tắc để tối ưu hoá lợi ích của việc tham dự những buổi hội nghị
1. Để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên
Tham dự hội nghị, trao đổi, ghi nhận và xử lý tình huống một cách tự nhiên giúp bạn có thêm cơ hội để trải nghiệm và tương tác nhiều nhất có thể. Tư duy này còn giúp bạn tự tin hơn vào vận may của mình, tin rằng bạn đang trải qua những điều tốt đẹp thay vì sự gắng gượng, hay tâm lý "đi cho có".
2. Hãy mạnh dạn làm những thứ mới mẻ
Con người chịu sự chi phối của thói quen, có xu hướng vận dụng kiến thức, kỹ năng đã có trong mọi tình huống. Tuy nhiên, bạn có thể vượt qua chính mình, mở rộng biên độ hiểu biết bằng cách làm một việc gì đó lạ lẫm, bắt chuyện với một người lạ, thử kể một câu chuyện theo một cách khác. Điều này sẽ giúp bạn học hỏi và phát triển. Bằng cách này, sau khi rời hội nghị, bạn sẽ là con người mới hơn lúc bắt đầu.
3. Không lãng phí
Nếu bạn cứ đi lòng vòng một cách vô thức, bạn sẽ không chú ý rằng mình đã lãng phí chính mình đến mức nào. Hãy tìm kiếm cơ hội, kiến thức hay mối quan hệ mới ở những nơi bạn đến, ở những người bạn gặp gỡ.
Những quy tắc ngầm
- Bạn cần tìm kiếm những người xung quanh và tiếp xúc với họ. Nếu bạn gặp một người không nhiệt tình với hội nghị hãy chuyển hướng. Nếu bạn gặp một người sẵn sàng đưa danh thiếp chỉ trong vòng 60 giây tiếp xúc, bạn cũng hãy chuyển hướng. Bởi bạn sẽ không tìm thấy cuộc trò chuyện ý nghĩa từ những đối tượng này.
- Nếu bạn hứng thú với buổi diễn thuyết, hãy chắc chắn rằng bạn là người đầu tiên đặt câu hỏi cho diễn giả. Hãy bày tỏ rằng bạn hiểu và trân trọng những gì họ mang đến. Và bạn đã có mối quan hệ với diễn giả đó.
- Quy tắc vàng là luôn luôn hỏi xem có thể giúp gì cho người khác, và chỉ hỏi khi bạn thật sự sẵn sàng cho điều đó. Một vị cố vấn đã từng nói: "Khi bạn nắm chặt bàn tay của mình lại, bạn không cho ai thứ gì, và cũng không nhận lại thứ gì. Ngược lại, khi bạn mở tay ra để cho đi, đồng thời bạn cũng được nhận lại".
Tóm lại, nếu bạn muốn mở rộng quan hệ như một nhà lãnh đạo, đừng đi hội nghị chỉ vì cấp trên yêu cầu, vì nhàn rỗi, hay vì được trả tiền để đi. Đừng chỉ đi rồi nhận về hàng đống danh thiếp hay vì những món quà miễn phí.
Bạn hãy đi để phát triển, đi để xây dựng những mối quan hệ, vì trí tuệ của chúng ta được tổng hợp từ những người mà chúng ta gặp gỡ. Đi vì chúng ta sẽ không có cơ hội gặp những người mới cùng chí hướng ở bất kỳ một nơi nào khác. Đi để giải phóng tư duy của chính mình. Và đi vì bạn nhận ra rằng việc giải phóng tư duy nhờ những buổi hội nghị sẽ tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mình. Đi vì bạn quan tâm đến mình và mọi người. Nếu không vì những lý do trên, bạn không việc gì phải đi cả.
(Nguồn: CNBC)