Đừng đặt quá nhiều kỳ vọng và để chúng thành gánh nặng đè vai mình. Người trẻ nên sống một cuộc đời đơn giản và có tư duy tích cực trước mọi thứ.
Đó là lời khuyên được các doanh nhân chia sẻ cho hơn 1.000 sinh viên tại các buổi giao lưu với chủ đề Tự tin lập nghiệp ở hai trường Đại học (ĐH) Đồng Tháp (ngày 27/4) và Kinh tế TP.HCM (ngày 6/5). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2017 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.
Sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM hào hứng giao lưu với các diễn giả - doanh nhân |
Làm thuê hay làm chủ đều cần chủ động
Nhiều bạn trẻ ngày nay phân biệt rạch ròi giữa làm chủ và làm thuê, từ đó nảy sinh tâm lý so sánh: "Nên làm chủ hay làm thuê cho người khác?". Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn hai mươi năm lập nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Phát triển kinh doanh Brainmark cho rằng, các doanh nhân thành công và những nhân viên giỏi ở các công ty đều có mục đích sau cùng là mong muốn công ty phát triển, từ đó sự nghiệp riêng của họ mới phát triển vững chắc. Vì vậy, ông khuyên sinh viên nên có tư duy làm thuê với ý thức của người làm chủ và làm chủ với tâm thế một người làm thuê.
Trên thực tế, không chỉ chủ doanh nghiệp mới phải “đau đầu, vắt óc” vì công ty, mà những người làm thuê muốn có sự nghiệp vững vàng cũng phải sẵn sàng dấn thân.
Hơn 400 sinh viên ĐH Đồng Tháp và Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp tham dự buổi giao lưu ngày 27/4 |
Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chi nhánh Đồng Tháp - bà Dương Thị Bích Nga chia sẻ hành trình lập nghiệp của mình như là một minh chứng cho điều đó: Thời điểm theo chồng về Đồng Tháp lập nghiệp, bà không có bất kỳ mối quan hệ nào, chưa kể còn gặp nhiều khó khăn do khác biệt vùng miền. Khi chuyển từ bộ phận tín dụng sang vị trí nhân viên kinh doanh, “tôi phải học thêm nhiều kiến thức chuyên môn, sau đó là bổ sung kiến thức xã hội mới có thể giao tiếp dễ dàng với khách hàng”, bà nhớ lại.
Bà Dương Thị Bích Nga - Giám đốc OCB chi nhánh Đồng Tháp chia sẻ cách xây dựng và nuôi dưỡng mối quan hệ trong công việc |
Để phát triển mạng lưới quan hệ, bà Nga phải tận dụng các mối quan hệ quen biết từ gia đình chồng. Ngoài ra, sự chân thành, tự tin, quan tâm và đồng cảm với khách hàng đã giúp bà trở thành nhân viên kinh doanh xuất sắc khi đó. Trải qua nhiều khó khăn, bà Nga rút ra kết luận: “Mối quan hệ là tài sản quý giá nhất của người làm kinh doanh”.
Đó không phải là kinh nghiệm của riêng bà Nga, câu chuyện của doanh nhân trẻ Lê Tấn Thanh Thịnh - đồng sáng lập, CEO BrandBeats, Managing Director NHP Entertainment - cũng chứng minh tầm quan trọng của mối quan hệ.
Khi còn là sinh viên năm hai, Thanh Thịnh đã đi làm thêm với công việc phát tờ rơi. Thịnh cho biết, “Mục đích của tôi khi đi làm là để tìm hiểu cách làm marketing và làm quen, tạo lập mối quan hệ với những người làm trong lĩnh vực này. Đến bây giờ tôi vẫn còn giữ mối quan hệ tốt với họ”. Khi ứng tuyển vào Tập đoàn Carlsberg Việt Nam, Thanh Thịnh đã thẳng thắn trước nhà tuyển dụng rằng mình chọn công ty chứ không phải chọn mức lương. CEO BrandBeats đã không ngại ngần tham gia mọi khâu trong quy trình công việc tại đó, từ nghiên cứu đến gặp gỡ khách hàng..., rồi thăng tiến lên vị trí Quản lý thương hiệu và Quản lý phát triển sản phẩm.
CEO BrandBeats Lê Tấn Thanh Thịnh kể về câu chuyện tìm ra niềm đam mê của mình và cách thức duy trì niềm đam mê đó |
Kinh nghiệm làm việc gần 5 năm tại Carlsberg mà không đặt nặng vấn đề lương bổng, không xem nó là một áp lực, đã đem lại nhiều kinh nghiệm cũng như những mối quan hệ quý giá, giúp Thịnh khởi nghiệp thuận lợi hơn với công ty chuyên về lĩnh vực âm nhạc quảng cáo.
Tư duy dẫn lối
Tham gia giao lưu tại ĐH Đồng Tháp, những người trẻ cũng đã có cơ hội nhận được một kinh nghiệm bổ ích từ bà Đinh Hà Duy Trinh - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ tin học HPT. Đó là kinh nghiệm đối diện và vượt qua thất bại. Bà Trinh cho biết, sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, bà nhận ra, thất bại là điều không thể tránh khỏi trong kinh doanh. "Điều bạn cần làm sau mỗi thất bại là chấp nhận nó và tiếp tục đứng lên. Quan trọng nhất là đừng đổ lỗi cho nhau vì những sai lầm đó", bà Trinh nói.
Bà Đinh Hà Duy Trinh - Phó chủ tịch HĐQT Công ty HPT đề cao kỹ năng làm việc nhóm đồng thời khuyên sinh viên nên tìm những cộng sự kinh doanh phù hợp với mình |
Cùng nhìn nhận về vấn đề này, ông Quách Tuấn Khanh - Chủ tịch Power UP Group chia sẻ với các sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM một góc nhìn thú vị: "Không có sự thất bại, tất cả chỉ là các bài học. Người trẻ phải vượt qua sự đau đớn về cảm xúc mới có thể nhìn thấy bài học, từ đó phát triển trí tuệ của mình hơn nữa. Bởi mọi bài học về thất bại đều quy về một mối, đó là "cái tôi" của mỗi người. Cuộc đời luôn đầy rủi ro và những điều không chắc chắn, nó là cuộc phiêu lưu của những điều không biết trước. Nhưng dù bạn đối diện với thất bại gì, mọi thứ rồi cũng sẽ ổn, chỉ cần có đủ nhẫn nại. Dù mọi thứ không như mong muốn nhưng điều quan trọng là ta đón nhận điều gì và đón nhận như thế nào".
Sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM đặt câu hỏi với các diễn giả |
Trước băn khoăn của đông đảo sinh viên về việc các nhà tuyển dụng luôn yêu cầu kinh nghiệm làm việc nhưng sinh viên "chưa đi làm thì lấy kinh nghiệm ở đâu?", ông Tân giải đáp bằng câu chuyện lập nghiệp của mình: "Hai mươi mấy năm về trước, vì chưa biết rõ mục tiêu cuộc đời của mình là gì, tôi đã "gửi tạm" ước mơ cho người khác và bắt đầu đi làm thuê. Còn 4 tháng mới tốt nghiệp ra trường, tôi đã vượt qua 58 ứng viên khác, trở thành là một trong hai người được chọn vào làm cho Công ty Thái Tuấn. Khi ấy, tôi là một trong những người đầu tiên đề xuất đưa tên thương hiệu lên sản phẩm trước khi tung ra thị trường. Đó là thành công đầu đời của một người chưa có kinh nghiệm kinh doanh như tôi".
Ông Tân cho rằng, nhiều sinh viên tự đặt mình vào thế yếu nên trở nên tự ti trước nhà tuyển dụng và những ứng viên là người từng đi làm. "Chính tư duy sai lầm mới là thứ khiến sinh viên tự giới hạn năng lực bản thân", ông Tân nói, "Cơ hội luôn rộng mở nếu bạn biết cách thể hiện được bản sắc riêng và phù hợp với nhu cầu tìm kiếm của nhà tuyển dụng".
Năng lượng đến từ đam mê
Giải đáp thắc mắc của sinh viên về bí quyết thành công trong kinh doanh, các doanh nhân khuyên sinh viên trước tiên cần làm tốt nhất những gì đang làm trong hiện tại, ngoài ra nên chịu khó quan sát cuộc sống, có như vậy mới tăng khả năng nhạy bén trong kinh doanh.
Hơn hai mươi năm gắn bó với Công ty HPT giúp bà Trinh nhận ra vai trò to lớn của sức mạnh đồng đội. Bà cho biết, để công việc đạt hiệu quả, mọi người trong nhóm cần thống nhất mục tiêu chung và tuân theo kế hoạch định trước. Bên cạnh đó, đừng để "cái tôi" của mỗi người lấn át mà hãy tôn trọng tính cách của nhau, cùng theo sau người dẫn đầu. "Làm việc nhóm dễ gặp trục trặc nhất khi mọi người tấn công vào "cái tôi" của nhau. Do đó, bạn chỉ nên góp ý theo hướng xây dựng", ông Huỳnh Công Thắng - Giám đốc điều hành VICGO nói.
Một trong những bí quyết quan trọng nhất để lập nghiệp, khởi nghiệp thành công là bắt đầu từ đam mê, đó là nhận định của nhiều doanh nhân - diễn giả tại hai buổi giao lưu với sinh viên. Ông Trần Gia Vĩnh - cổ đông sáng lập chuỗi cà phê PASSIO cho rằng, để chọn lĩnh vực kinh doanh phù hợp và có đủ kinh nghiệm để kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả, người trẻ cần hiểu được tiếng nói trong tâm hồn mình bằng cách đặt câu hỏi "Mình muốn làm gì?", "Đã có sẵn những nguồn lực nào?", chứ đừng bắt đầu chỉ bằng con số 0.
Đồng quan điểm, CEO BrandBeats Thanh Thịnh cho biết mình bắt đầu lập nghiệp từ niềm yêu thích lĩnh vực quảng cáo, marketing. "Từ nhỏ tôi đã thích xem quảng cáo hay trên tivi, nhưng thấy hầu hết mọi người đều chuyển kênh mỗi khi có quảng cáo. Lúc đó, tôi cảm thấy muốn tạo ra những quảng cáo hay để khán giả thích thú khi xem. Thế là lớn lên quyết định chọn theo đuổi lĩnh vực marketing, rồi làm thuê gần 5 năm cho Tập đoàn đa quốc gia Carlsberg để học hỏi, rồi khởi nghiệp với BrandBeats - công ty chuyên về lĩnh vực music marketing đầu tiên tại Việt Nam".
Với bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, niềm đam mê và mục tiêu cuộc đời chính là yếu tố giúp bà luôn tràn đầy năng lượng đến mức khiến nhiều người trẻ phải ghen tỵ. "Mục tiêu của chúng ta thường sẽ thay đổi theo từng giai đoạn nhưng với tôi, niềm đam mê với ngành thực phẩm chưa bao giờ thay đổi, đó là niềm đam mê duy nhất!", bà Lâm chia sẻ.