Bê bối gia đình Bạc Hy Lai: Bài học lớn

LAM HỒNG| 08/08/2012 04:00

Tân Hoa Xã đưa tin, bà Cốc Khai Lai cùng một trợ lý của gia đình chính thức bị khởi tố vì tội đầu độc doanh nhân người Anh Heywood đến chết.

Bê bối gia đình Bạc Hy Lai: Bài học lớn

Tân Hoa Xã đưa tin, bà Cốc Khai Lai cùng một trợ lý của gia đình chính thức bị khởi tố vì tội đầu độc doanh nhân người Anh Heywood đến chết. Động cơ gây án được cho là giữa bà Cốc và ông Heywood có “xung đột lợi ích”, từ đó đe dọa sự an toàn của con trai bà Cốc.

Đọc E-paper

Cốc Khai Lai đã thừa nhận giết người với những bằng chứng được nói là không thể chối cãi. Vụ án sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 9/8 và như vậy, số phận chính trị gia họ Bạc cũng sớm được định đoạt.

Mặc dù có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh nghiêm trọng như vợ, nhưng sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai coi như sụp đổ ngay khi đang có nhiều hy vọng trở thành thành viên thứ 9 trong Ban Thường trực Bộ Chính trị nắm quyền lực cao nhất đất nước 1,4 tỷ dân.

Ông Bạc Hy Lai bị cách chức Bí thư Trùng Khánh hồi tháng 3 và đang bị điều tra riêng rẽ và có thể đối mặt với một phiên tòa khác sau đó. Nếu kết cục này diễn ra thì đây là lần đầu tiên một người trong Bộ Chính trị bị loại trừ kể từ năm 2006 khi Bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ bị thanh trừng vì tội tham nhũng.

Theo Tân Hoa Xã, quyết định truy tố vợ Bạc Hy Lai vì tội giết người là thể hiện quyết tâm của lãnh đạo TQ muốn kết thúc vụ bê bối trước cuộc chuyển giao quyền lực vào cuối năm nay. Giới lãnh đạo TQ coi sự đổ vỡ trong sự nghiệp chính trị của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh là “một bài học lớn” cho Đảng Cộng sản TQ.

Nhận thức rõ bài học lớn này, chính quyền TQ từ lâu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo về những mối họa tiềm tàng do chính giới chức cấp cao gây ra. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo mối họa lớn mà tham nhũng mang lại cho chính quyền: “Chúng ta nên hiểu một cách sâu sắc rằng, tham nhũng là mối đe dọa lớn nhất với đảng cầm quyền. Nếu vấn đề này không được giải quyết đúng đắn, bản chất chế độ có thể thay đổi và cả người dân cũng như chính quyền có thể bị diệt vong”.

Truyền thông TQ mô tả cựu phu nhân Bí thư Thành ủy Trùng Khánh như người giữ tài sản của chồng và đã đút túi nhiều món lợi lớn. Bà lại từng có thời gian sống ở nước ngoài và phá vỡ một nguyên tắc bất thành văn khi cho phép người nước ngoài, như kiến trúc sư Patrick Henri Devillers, tham gia nội bộ gia đình mình.

Để vợ con sống xa hoa và gây tội ác, điều đặc biệt lưu tâm tới trách nhiệm của Bạc Hy Lai là một số quan chức như Bạc Hy Lai tự coi mình là thành phần được đặc quyền với ám ảnh “sinh ra để cai trị”, nên có xu hướng trở thành những “thái tử Đảng” đứng trên luật pháp. Bài học rút ra sau vụ Bạc Hy Lai là các quan chức không nên đánh giá quá cao tầm ảnh hưởng của bản thân đối với đất nước.

Điều này rất dễ dẫn tới thái độ ảo tưởng và tự cho mình quyền được vượt lên trên tất cả mọi phép tắc, kỷ cương và pháp luật. “Không một quan chức nào được phép cho mình cái quyền ngoại lệ trước pháp luật. Việc siết chặt tính kỷ luật trong Đảng không nên bị hạn chế dù vì bất cứ lý do nào”, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh khi coi vụ bê bối của gia đình Bạc Hy Lai là “làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh đất nước và Đảng Cộng sản TQ”.

Không chỉ vậy, gắn kết chặt chẽ mối liên hệ với vụ việc của gia đình ông Bạc Hy Lai, Thủ tướng Ôn kêu gọi Chính phủ tăng cường quản lý các quan chức có vợ hoặc con đang sống ở nước ngoài. Theo ông, Chính phủ phải cấm các nhà lãnh đạo sống.

Theo Bruce Gilley, trợ lý giáo sư ở Đại học Portland, hành vi của Bạc Hy Lai là biểu hiện của những lãnh đạo mới, có xu hướng thoát khỏi những ràng buộc và kỷ luật đảng. Từ bê bối của gia đình một quan chức cấp cao như Bạc Hy Lai, có ý kiến cho rằng TQ hiện “đang phải đối mặt với nguy cơ nên buộc phải cải cách”.

Trong đó, ý kiến tranh cãi lớn nhất tập trung vào vấn đề cải cách thể chế chính trị cũng như việc đặt câu hỏi “cải cách thể chế chính trị là gì?”. Khái niệm cải cách thể chế chính trị chính thống do chính quyền đưa ra ít đề cập đến các nội dung cụ thể. Một số học giả cho rằng, cải cách thể chế hành chính mà TQ đang thúc đẩy chính là bộ phận cấu thành quan trọng của cải cách chính trị.

Tuy nhiên, một số người khác lại cho rằng, vấn đề cốt lõi của cải cách chính trị nằm ở chỗ thay đổi cơ chế hình thành quyền lực. Do đó, cải cách chính trị đồng nghĩa với đẩy mạnh tác dụng của việc bỏ phiếu bầu cử trong đời sống chính trị.

Trong báo cáo đọc tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) đầu năm nay, Thủ tướng Ôn Gia Bảo lại một lần nữa lên tiếng hô hào cho việc cải cách thể chế chính trị, nói rằng phải có những cải cách chính trị “khẩn cấp” ở thượng tầng nhà nước và Đảng Cộng sản để TQ có thể tiếp tục phát triển, đồng thời tránh nguy cơ tái diễn một “thảm họa” kiểu Cách mạng Văn hóa.

Ông Lý Thành, chuyên gia nghiên cứu về giới lãnh đạo TQ tại Học viện Brookings, cho rằng, Đảng Cộng sản TQ phải thực hiện “các thay đổi sâu sắc nếu muốn lấy lại lòng tin của người dân và tiếp tục nắm quyền lãnh đạo”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bê bối gia đình Bạc Hy Lai: Bài học lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO