Vốn ngoại vào bất động sản 2019: Vừa mừng vừa lo

THANH HẢI| 24/01/2019 03:35

Năm 2019, dòng vốn ngoại được coi là niềm hy vọng của thị trường bất động sản trong bối cảnh huy động vốn trong nước ngày càng khó khăn.

Vốn ngoại vào bất động sản 2019: Vừa mừng vừa lo

Vốn ngoại tạo thêm nguồn lực phát triển thị trường bất động sản nhưng tiềm ẩn một số rủi ro

Tuy nhiên, dù các tập đoàn bất động sản quốc tế đang mang đến những tín hiệu tích cực, nhiều chuyên gia cho rằng để phát triển bền vững, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cần phải đón nhận vốn ngoại thận trọng và chuyên nghiệp hơn.

Những mô hình đô thị mới hấp dẫn nhà đầu tư

Theo số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2018, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai trong thu hút vốn nước ngoài (cả cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần), đạt gần 6,62 tỷ USD.

Mới đây, 14 tập đoàn đa quốc gia từ Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ, Anh, Ireland, Đức và Thái Lan đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đồng Nai. Các nhà đầu tư muốn đầu tư một trung tâm vui chơi giải trí phức hợp rộng hơn 200ha (gồm có khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, khách sạn năm sao, khu triển lãm) tại đô thị mới Long Hưng (TP. Biên Hòa) để thu hút khách trong và ngoài nước.

Theo ông Trần Văn Vĩnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, địa phương sẽ tạo điều kiện để các tập đoàn sớm hoàn thành thủ tục đầu tư.

Link bài viết

Trước đó, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô – một dự án bất động sản quy mô lớn cũng vừa được chấp thuận tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD. 

Tại Hà Nội, một dự án bất động sản vốn ngoại cỡ lớn khác cũng mới được cấp phép, đó là dự án Lotte Mall Hà Nội với tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD. Dự án là khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp, bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày.

Một trong những lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Việt Nam là việc lãnh đạo các địa phương, nhất là TP.HCM đang kêu gọi các công ty, tập đoàn trong nước tích cực mở rộng các chương trình hợp tác với nước ngoài trong việc cải thiện và chỉnh trang đô thị theo những mô hình mới như đô thị xanh, đô thị thông minh.

Bà Đỗ Thu Hằng - Phó giám đốc phụ trách bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết, năm 2019 nguồn vốn ngoại hứa hẹn sẽ chảy mạnh hơn vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng cho rằng sắp tới, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Cụ thể, các nhà sản xuất đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và theo chiến lược “Trung Quốc +1”, Việt Nam có cơ hội thu hút thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn đến thành lập nhà máy mới.

Thời gian qua, khi vốn tín dụng từ ngân hàng thu hẹp lại, nhiều doanh nghiệp bất động sản khi triển khai dự án đã đưa ra phương án và kế hoạch rõ ràng hơn trước đây, với mong muốn thu hút được dòng tiền ngoại.

Đại diện một công ty địa ốc cho biết, tình hình kinh doanh mới buộc doanh nghiệp phải hành động như một nhà bán hàng chuyên nghiệp: nỗ lực huy động dòng tiền, quản lý vốn, đưa ra kế hoạch tăng lợi nhuận cụ thể chi tiết, tập trung vào các dự án có giá trị gia tăng cao…

Thận trọng với những dự án mang yếu tố đầu cơ

Bên cạnh những yếu tố tích cực, dòng vốn nước ngoài đổ vào bất động sản Việt Nam cũng đang gây ra một số lo ngại. Đặc biệt là dòng vốn từ Trung Quốc đang đổ vào ngày càng nhiều trong các thương vụ mua bán, chuyển nhượng trên thị trường bất động sản. Dù Trung Quốc chưa thuộc nhóm các quốc gia đầu tư vào bất động sản Việt Nam nhiều nhất nhưng dòng vốn từ nước này vẫn gây nhiều chú ý, nhất là dòng vốn đổ vào TP.HCM và các đô thị vệ tinh.

Tại Bến Cát, Bình Dương, Tập đoàn P.H Group của Đài Bắc đã mua khu công nghiệp Bàu Bàng từ Becamex. Tập đoàn này cũng đang hoàn tất thương vụ mua dự án Khách sạn Future Otis tại Nha Trang. Tương tự, Hongkong Land đã thâu tóm 64% cổ phần dự án nhà ở của Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo người trong ngành, việc nhà đầu tư ngoại, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc đổ vốn vào bất động sản Việt Nam sẽ giúp thị trường có thêm nguồn lực để phát triển. Tuy nhiên nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, tác hại của dòng vốn ngoại lên thị trường là điều có thể nhìn thấy. Và cần hết sức cảnh giác với nguồn vốn từ Trung Quốc bởi đầu tư của họ mang tính đầu cơ, chiếm dụng đất, đặc biệt là các khu đất dọc bờ biển.

(Theo DoanhnhanPlus)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn ngoại vào bất động sản 2019: Vừa mừng vừa lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO