Bất chấp đại dịch, du lịch các nước từng bước hồi sinh

Nguyễn Văn Mỹ (*)| 14/08/2021 09:00

Gần 20 tháng qua, đại dịch Covid-19 đã tàn phá kinh tế thế giới. Du lịch là ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Du lịch quốc tế đóng băng. Du lịch nội địa “thò thụt” theo tình hình dịch bệnh. Giữa tứ bề gian nguy, chưa quốc gia nào tắt hy vọng về sự hồi sinh của ngành du lịch dù dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn.

tr28-7-Vie-t-Nam-4563-1628759295.jpg

Ninh Bình - Việt Nam

Du lịch từng bước mở cửa

Số ca lây nhiễm và tử vong bởi SARS-CoV-2 tăng giảm bất thường nhưng những điểm đến hàng đầu của các cường quốc du lịch thế giới như Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, Ý, Thái Lan... đã từng bước mở cửa. 

Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua kế hoạch “hộ chiếu vaccine” cho 27 thành viên và hiện có hơn một nửa quốc gia đang triển khai. Mạnh dạn nhất là Anh, mở cửa từ ngày 17/5/2021. Mỹ là nước có số ca lây nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, vẫn tự tin mở cửa du lịch từ tháng 6 vừa qua. Khu vực Trung Mỹ và Caribbean như Dominica, Mexico, Costa Rica... châu Phi là Seychelles, Tanzania... đều mở cửa có điều kiện.

tr28-4-Anh-quo-c-1877-1628759295.jpg

Anh Quốc

Dù tình hình dịch bệnh rất tồi tệ, Ấn Độ đã mở cửa di sản thế giới Taj Mahal, Indonesia chuẩn bị mở cửa du lịch Bali, Maldives, Sri Lanka. Singapore chuẩn bị mở cửa vào tháng 9. Tiên phong và có phần mạo hiểm, Thái Lan đột phá, triển khai mô hình “Hộp cát Phuket - hộ chiếu vaccine” từ ngày 1/7/2021 và đạt kết quả ngoài mong đợi. Cùng ngày, UAE chấm dứt việc cách ly với du khách nước ngoài...  

tr28-5-Srilanka-8081-1628759295.jpg

Sri Lanka

Trung Quốc mở cửa du lịch nội địa từ cuối tháng 4/2021. Chỉ riêng 6 ngày nghỉ dịp 1/5 vừa qua, du lịch Trung Quốc đón hơn 250 triệu khách nội địa, tương đương cùng kỳ năm 2019. Trong thời gian này, bình quân mỗi ngày, chỉ riêng China Eastern Airlines đã có hơn 2.700 chuyến bay, cao hơn cùng kỳ năm 2019 (2.650 chuyến).

tr28-3-Trung-Quoc-3765-1628759296.jpg

Trung Quốc

Mở cửa là mạo hiểm?

Dù mạnh dạn đến mấy, chưa nước nào dám mở cửa du lịch hoàn toàn. Nước nào cũng có lộ trình, từng bước với những tiêu chí cụ thể. Dù SARS-CoV-2 và những biến thể của nó, nhất là Delta và Delta Plus (Delta +) cực kỳ nguy hiểm vẫn không ngăn được du lịch các nước dần hồi sinh.

Dám mở cửa, dù là từng phần, trong giai đoạn hiện nay là mạo hiểm, chấp nhận rủi ro, đối mặt với những thử thách từ nhiều phía. Đó là sự mạo hiểm có cân nhắc lợi hại, tính toán thiệt hơn. Cái gì cũng có giá. Không dám mạo hiểm thì không có tỷ phú. Tất cả đều có chung “vũ khí” là vaccine. Những quốc gia dám mở cửa đều chuẩn bị vaccine từ trước, đặc biệt là những vùng thí điểm. Tiêu chí bắt buộc là du khách phải được tiêm đủ hai mũi vaccine theo chuẩn WHO, có kết quả âm tính hoặc đã bình phục sau khi nhiễm bệnh.   

Chứng nhận này có thể là dạng giấy hoặc điện tử, dùng ngôn ngữ bản địa và tiếng Anh, cùng với mã QR và chứng thực của cơ quan chức năng. Chứng nhận ghi rõ thời gian tiêm hoặc xét nghiệm, loại vaccine hoặc loại xét nghiệm. Ở Liên minh châu Âu được gọi là "EU Digital COVID Certificate" (EUDCC). Với những giấy tờ ấy, cùng nơi xuất phát không nằm trong danh sách hạn chế, người nước ngoài có thể nhập cảnh du lịch mà không bị cách ly. 

Một số nước đòi hỏi thêm một vài biểu mẫu, yêu cầu khách cách ly trong thời gian ngắn hoặc thêm một lần xét nghiệm tại nơi đến, tùy thuộc vào nơi khách khởi hành. Thái Lan yêu cầu thêm bảo hiểm du lịch tối thiểu 100.000 USD cho việc chữa trị Covid-19, xác nhận đặt phòng ít nhất 14 đêm và một số giấy tờ khác. 

Người dân vùng du lịch phải được tiêm trên 70%. Dù chưa an toàn tuyệt đối nhưng đó là lá chắn, hạn chế lây lan, giảm thiểu tử vong khi nhiễm bệnh. Từng quốc gia đều chạy đua với thời gian, tận dụng thời cơ, tạo ra những điều kiện cần thiết, sẵn sàng điều chỉnh và nhiều chiêu khuyến mãi, PR để giành thế thượng phong.

tr28-2-Tha-i-Lan-6658-1628759296.jpg

Thái Lan

Pháp bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà và bên ngoài, nhà hàng chỉ sử dụng 50% công suất, khu vực ngoài trời được mở 100% với bàn tối đa 6 người. Thái Lan khuyến cáo du khách thực hiện quy tắc DMHTTA (gồm giãn cách, khẩu trang, rửa tay, đo nhiệt độ, xét nghiệm, cài ứng dụng truy vết). Đa số quốc gia giới hạn các nước được nhập cảnh, trừ Tây Ban Nha, Maldives, Seychelles... 

Nhiều nước châu Âu vận hành bản đồ Covid-19 linh hoạt với các mã màu, thể hiện tình hình dịch bệnh mới nhất từng quốc gia, từng vùng và các biện pháp hạn chế tương ứng. Màu sắc được cập nhật thường xuyên, khách chỉ cần đối chiếu để quyết định. Trên trang web, thông tin, hướng dẫn cụ thể giúp khách có sự chuẩn bị tốt nhất trước chuyến du lịch. 

Chạy đua trải nghiệm và khuyến mãi

Kinh tế bị tổn thất nặng nề, túi tiền bị thâm thủng, chi tiêu cho du lịch hạn chế nên không dễ gì có khách, dù đã mở cửa. Các nước đang cố gắng kéo khách đến bằng nhiều cách, từ tối giản thủ tục đến khuyến mãi, từ sản phẩm mới đến những trải nghiệm độc đáo. Công nghệ số được tận dụng để các nước tiếp tục quảng bá hình ảnh hoặc tạo ra những tour du lịch ảo, giúp điểm đến duy trì thương hiệu, nối kết thông tin với du khách với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Maldives là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện chương trình khách hàng thân thiết, khách du lịch được tích điểm và nhận thưởng dựa trên số lần đến thăm và thời gian lưu trú. Thái Lan tung hàng loạt gói sản phẩm riêng cho khách quốc tế, như "cách ly chơi golf", "cách ly tại du thuyền", "1 USD 1 đêm" tại Phuket. 

Các nước dùng vaccine ngừa SARS-CoV-2 để thu hút khách như Mỹ, một số nước châu Âu, San Marino, Maldives... khuyến mãi bằng cách tiêm chủng miễn phí. Một số khách sạn ở Singapore cam kết chi trả toàn bộ chi phí chữa trị nếu khách mắc Covid-19 trong quá trình lưu trú. Rất nhiều quốc gia triển khai chương trình kích cầu như trợ giá, tặng tiền, tặng phòng nghỉ, tặng dịch vụ... để kéo khách đến và quay trở lại.

Khó khăn vẫn không bỏ cuộc

Sau mấy tháng mở cửa du lịch có điều kiện, nhiều nước đang đối mặt với không ít thách thức. Vấn đề lớn nhất là chưa có sự phối hợp, liên kết đồng bộ giữa các quốc gia, tiềm ẩn những rắc rối khi chính sách bất ngờ thay đổi.

Tại EU, dù EUDCC được thiết kế để áp dụng ở 27 quốc gia thành viên, nhưng tính đến ngày 14/6/2021 mới chỉ có 12 nước chấp nhận sử dụng. Một số quốc gia châu Âu không thuộc EU phải dùng loại chứng nhận riêng. Du khách từ ngoài EU, muốn đi tour châu Âu phải tìm hiểu kỹ, xem có thể đi tới đâu. Khi nhập cảnh, du khách nước ngoài phải cài thêm ứng dụng truy vết của điểm đến. Pháp là AntiCovid, Bỉ là Coronalert, Đức là Corona-Warn-App...

Ngoài khác biệt về loại chứng nhận, các nước còn khác nhau về bản đồ mã màu và những chính sách kiểm dịch tương ứng. Vừa mở cửa các tour du lịch Bồ Đào Nha, Anh buộc du khách trở về phải cách ly. Nhiều du khách Anh bỏ dở kỳ nghỉ, hủy phòng hàng loạt, trước khi lệnh cách ly có hiệu lực. Du khách lẫn chủ nhà thiệt đơn, thiệt kép. Ngày 28/7/2021, Anh bỏ cách ly với khách Mỹ và châu Âu, trừ Pháp.

tr28-1-Mexico-2788-1628759296.jpg

Mexico

Từ ngày 1/7-1/8/2021, Phuket đón trên 12.300 du khách quốc tế, thu về gần 23 triệu USD. Dù được tiêm chủng trên 70% dân số (hơn 300.000/450.000 người) nhưng vẫn có 192 ca nhiễm, chủ yếu từ các tỉnh khác đến, trong đó có 32 khách quốc tế. Ngày 31/7/2021, Thái Lan có 18.912 ca nhiễm và 178 ca tử vong. Bị chỉ trích nặng nề, Phuket đóng cửa với khách nội địa từ ngày 3/8/2021 nhưng vẫn duy trì việc đón khách quốc tế theo chương trình “hộ chiếu vaccine”.

Phòng chống dịch ở Mỹ và châu Âu gặp nhiều khó khăn vì nhiều người dân phản đối việc đeo khẩu trang, chưa nói tới giãn cách. Không ít người từ chối tiêm chủng dù vaccine thừa mứa. Ngược lại, Việt Nam phải chờ đợi, cầu cạnh để được chích ngừa vì vaccine chưa đủ. Người dân gần như tuyệt đối đồng lòng với Nhà nước về các chủ trương chống dịch, chỉ băn khoăn về một số biện pháp.

Số ca lây nhiễm và tử vong ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước đang mở cửa du lịch. Nếu được tiêm chủng đầy đủ, điều chỉnh một số giải pháp để chống dịch hiệu quả hơn, du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia “cuộc chơi” “hộ chiếu vaccine” với thế giới. Giữa muôn trùng khó khăn, nhiều công ty du lịch vẫn đang bám nghề, chuẩn bị thời cơ “bung dịch vụ” như lò xo lâu ngày bị nén. 

Phải chuẩn bị tinh thần để sống chung với đại dịch, không còn sự lựa chọn nào khác. Vấn đề là tăng sức đề kháng bằng chích ngừa, bằng việc cải thiện cuộc sống, từ môi trường đến chế độ dinh dưỡng, từ lao động đến rèn luyện thân thể. 

Mở cửa nhưng phải đảm bảo an toàn, nếu không, lợi bất cập hại. Nếu đợi thật sự an toàn mới mở cửa, không chỉ mất thời cơ mà còn mất nhiều thứ khác. Nhiều nước đã làm được, Việt Nam, tại sao không!

(*) Chủ tịch Lửa Việt Tours

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất chấp đại dịch, du lịch các nước từng bước hồi sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO