Hầu hết người dân thành phố đều ít nhiều có uống phải nước nhiễm bẩn. Người ở các huyện vùng ven như Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh thì gần như phải sử dụng nước nhiễm độc mỗi ngày.
Đọc E-paper
Hậu quả của tình trạng sử dụng nước bẩn là tỷ lệ người mắc các bệnh cấp và mạn tính liên quan đến ô nhiễm nước như tiêu chảy, giun sán, viêm màng kết, thậm chí ung thư… ngày càng tăng. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi hội thảo với chủ đề “Nước bẩn và nguy cơ đối với sức khỏe” được tổ chức tại TP.HCM cuối tháng 8 vừa qua.
Nguy cơ từ nước đá giải khát
Thói quen uống nước đá, nhất là trà đá, nước mía và cà phê không còn xa lạ với người dân tại TP.HCM. Thật không may, thông tin tại buổi hội thảo cho biết nguồn nước đá sử dụng ở các nhà hàng, hàng quán ở TP.HCM có thể nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường ruột, tiêu chảy, đặc biệt là trà đá và nước mía vỉa hè.
Chi cục An toàn Thực phẩm thành phố xác định hơn 50% trong số 22 mẫu kiểm nghiệm lấy từ các cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn thành phố bị nhiễm vi sinh vật Clo, vi khuẩn E.Coli, Coliform… có thể gây bệnh về đường ruột, tiêu chảy cấp, một số có thể gây suy thận, nhiễm khuẩn huyết.
Với các cơ sở sản xuất nước đá chưa xử lý nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất (thủy ngân, chì, asen, kẽm…), nhiều loại có khả năng gây ung thư cho người dùng.
Toàn thành phố hiện có hơn 190 cơ sở sản xuất nước đá, trong đó 49 nơi sử dụng nước máy và 114 cơ sở dùng nước giếng để làm nước đá lạnh. Tuy nhiên, trong số 49 cơ sở sản xuất bằng nước máy thì có 27 điểm không chứng minh được nguồn nước đang sử dụng, còn 114 cơ sở sử dụng nước giếng làm đá lạnh thì đến 64 nơi không thực hiện bất kỳ một xét nghiệm nào theo quy chuẩn sử dụng nguồn nước.
Sau các đợt kiểm tra, Chi cục An toàn Thực phẩm xác định gần 40% cơ sở sản xuất nước đá không công bố hợp quy chuẩn sản phẩm, khoảng 25% nơi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc có giấy chứng nhận nhưng đã hết hiệu lực, khoảng 43% cơ sở sản xuất nước đá không đảm bảo một số quy định về an toàn thực phẩm đối với việc sử dụng nguồn nước, điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất…
>>TP.HCM: Bệnh gia tăng do ô nhiễm nguồn nước
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó chi cục trưởng An toàn Thực phẩm TP.HCM cho rằng, nguồn nước đá không đảm bảo vệ sinh là điều đáng lo ngại hiện nay. Máy làm nước đá không thể nào loại bỏ được các chất lơ lửng hoặc hòa tan trong nước. Do đó, nếu nguồn nước sử dụng làm đá lạnh không đảm bảo đồng nghĩa với việc người dùng sẽ đưa những tạp chất độc hại vào cơ thể.
Nước đá có khâu sản xuất đã không đảm bảo an toàn vệ sinh, khâu phân phối còn “kinh hoàng” hơn. Hẳn nhiều người trong chúng ta đã không còn xa lạ với những anh chàng đi giao đá lẻ trên chiếc xe cũ kỹ, nước đá được bọc sơ sài trong bao nhựa kém vệ sinh, nhiều nơi còn chặt đá cây ngay dưới nền đất bẩn trước khi đem giao.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm thành phố khuyến cáo người dân nên tự sản xuất nước đá từ tủ lạnh tại nhà, khi ra ngoài nên dùng thức uống ướp lạnh thay vì uống trực tiếp nước đá để tránh nguy cơ ngộ độc.
Nước nhiễm bẩn nghiêm trọng ở vùng ven
Hiện nay, người dân sử dụng nước giếng khoan vẫn còn khá phổ biến ở nhiều vùng ven thành phố như: quận 12, Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi. Cuối năm ngoái, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã lấy 1.400 mẫu nước giếng khoan tại các quận huyện nói trên để làm xét nghiệm và kết quả cho thấy nhiều nguồn nước đang bị nhiễm phèn nặng, nhiễm vi sinh từ 7 – 15% và nhiễm vô cơ 10%.
Nguyên nhân ô nhiễm tầng nước ngầm ở các vùng này là do cấu trúc địa chất và tình trạng khai thác bừa bãi, nhiều giếng được khoan gần khu vực ô nhiễm như cống thải, nghĩa trang, hố ga, sát bờ kênh, bãi rác.
Hơn nữa, kỹ thuật khoan giếng nhiều nơi chưa tốt kéo theo việc gia cố, cách ly tầng không bảo đảm, làm cho các chất ô nhiễm từ trên bề mặt theo nước khuếch tán và thẩm thấu xuống tầng nước ngầm.
Theo các chuyên gia về sức khỏe, nước ngầm có độ pH thấp về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nếu không sử dụng trực tiếp cho mục đích ăn uống. Tuy nhiên, tính acid trong nước có khả năng ăn mòn kim loại từ đường ống, vật chứa nước và tích lũy các ion kim loại trong nước dễ phát sinh bệnh tật ở người.
>>Nguồn nước không thiếu nhưng chất lượng đáng báo động
Hàm lượng sắt cao, cùng với ô nhiễm chất hữu cơ, ô nhiễm từ hợp chất chứa nitơ, các vi sinh gây bệnh có trong nước giếng, nếu sử dụng và tiếp xúc lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, gây nên bệnh tả, lỵ, thương hàn, sốt rét, siêu vi khuẩn viêm gan B, siêu vi khuẩn viêm não Nhật Bản, nhiễm giun đỏ…
Nguy hiểm hơn, khi sử dụng nước giếng khoan bị nhiễm asen cho ăn uống có thể mắc bệnh ung thư, thường gặp là ung thư da. Ngoài ra, asen còn gây nhiễm độc hệ thống tuần hoàn khi uống phải nguồn nước có hàm lượng asen 0,1mg/l. Vì vậy, cần phải xử lý nước nhiễm asen trước khi dùng cho sinh hoạt và ăn uống.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo, sử dụng máy lọc nước chưa chắc đã có được nguồn nước an toàn cho gia đình. Hiện nay người tiêu dùng có thể lựa chọn các thiết bị lọc nước vô cùng đa dạng với đủ chủng loại và giá thành, nhiều máy được quảng cáo là có thể loại bỏ các chất độc.
Nhưng trên thực tế, hiện vẫn chưa có một đánh giá chính xác nào về các loại thiết bị lọc nước đang lưu hành trên thị trường. Theo PGS-TS. Trần Hồng Côn - Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ Hóa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì thị trường thiết bị lọc nước là thị trường siêu lợi nhuận, khó tránh khỏi tình trạng có một số thiết bị lọc nước đã thành “hàng thải” tại các nước phát triển nhưng khi vào Việt Nam thì được “tân trang” lại và bán với giá hàng triệu đồng, bất chấp sức khỏe người dùng.
Các chuyên gia này khuyến cáo rằng, trong trường hợp người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan cho ăn uống, sinh hoạt, thì việc cấp thiết cần làm là dùng phương pháp lọc cổ điển như xây bể lọc than, cát, sạn, hoặc nếu có điều kiện thì sử dụng thiết bị lọc nước của các thương hiệu uy tín để loại trừ chất ô nhiễm trong nước, bảo vệ an toàn cho sức khỏe của chính bản thân và gia đình.
>>Ô nhiễm không khí: Người VN quan tâm nhưng “bí” cách giải quyết