Văn hóa - Giải trí - Du lịch

Báo chí và doanh nghiệp đồng hành trên nền tảng văn hóa

Lan Ngọc 26/07/2023 07:33

Báo chí và doanh nghiệp (DN) cần tăng cường đồng hành, hợp tác dựa trên nền tảng văn hóa, đã được nhiều diễn giả đề cập đến tại “Diễn đàn báo chí và DN đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc”, diễn ra ở Hà Nội ngày 25/7/2023.

Sự cần thiết của xây dựng văn hóa

dien-dan-bao-chi-va-doanh-nghiep1-.jpg

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 nhấn mạnh: Phải phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của người dân Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra đến 2030 và tầm nhìn 2045.

Doanh nhân, doanh nghiệp được xác định là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế, còn báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng: Để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần có hai lực lượng quan trọng này, hai lực lượng này cần phát triển văn hóa tương xứng (văn hóa kinh doanh - văn hoá báo chí, truyền thông), gắn kết, đồng hành cùng nhau phát triển dựa trên nền tảng văn hóa. Trong đó, giới doanh nhân, doanh nghiệp phải có trách nhiệm vừa phát triển kinh tế, vừa xây dựng văn hóa kinh doanh; còn giới báo chí, truyền thông có trách nhiệm xây dựng văn hóa báo chí, truyền thông.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: Văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để DN xây dựng và gìn giữ, phát triển thương hiệu. Nói rộng ra, văn hóa chính là nền tảng phát triển của DN, khi nền tảng văn hóa vững thì DN mới có thể phát triển bền vững.

Theo bà Trần Thị Lan Anh - Tổng Thư ký VCCI, văn hóa kinh doanh giúp cho DN xây dựng lòng tin với đối tác và khách hàng, nhờ đó giảm chi phí kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản trị và tăng giá trị thương hiệu, giúp người dân hình thành văn hóa tiêu dùng lành mạnh và tham gia có trách nhiệm vào các quan hệ kinh tế với DN và nhà nước. Giới doanh nhân, DN cần xác định xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh tiến bộ là một nhiệm vụ chiến lược có tính cấp bách, lâu dài, trong đó có việc thực hiện 6 quy tắc về đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố, phát động năm 2022.

Đối với giới báo chí, bên cạnh yếu tố xây dựng nền tảng văn hóa chung của dân tộc là một phần của môi trường kinh doanh quốc gia, có vai trò quan trọng đối với phát triển của DN. Báo chí cũng là lực lượng chủ lực trong xây dựng và phát huy môi trường truyền thông, hình thành quan điểm và dư luận xã hội, có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của DN.

Để thúc đẩy văn hóa báo chí, truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, công bố 6 tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và 6 tiêu chí văn hóa của người làm báo Việt Nam để giới báo chí thực hiện.

Gắn kết và đồng hành thế nào?

dien-dan-bao-chi-va-doanh-nghiep2-.jpg
Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI ký kết chương trình 4 bên phối hợp thúc đẩy văn hóa kinh doanh và văn hóa báo chí - truyền thông tại diễn đàn.

Hiện nay, việc khơi dậy, phát huy văn hóa kinh doanh vẫn chưa được quan tâm tương xứng, văn hóa kinh doanh chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững. Thực tế vẫn tồn tại những cách kinh doanh phi văn hóa, như­ sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế... Vì lợi nhuận, một số nhà kinh doanh đã bất chấp đạo lý, kỷ cương, phủ nhận những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, có những cá nhân còn kinh doanh phi đạo đức, gây tổn hại cho cả xã hội. Một số doanh nhân có tiếng nhưng kinh doanh bất chấp luật pháp, gây tổn thất lớn cho uy tín của giới doanh nhân, DN, hình ảnh quốc gia... đã bị cơ quan chức năng xử lý.

Trong môi trường báo chí, bên cạnh dòng thông tin chủ lưu, tích cực, vẫn tồn tại những thông tin báo chí gây bất lợi, làm tổn hại tới uy tín và thương hiệu của DN. Khi đưa thông tin thiếu khách quan, không trung thực về một vụ việc có liên quan đến DN không chỉ đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của DN mà còn làm tổn hại đến niềm tin của công chúng, của xã hội đối với cộng đồng DN nói chung, mà đằng sau mỗi DN là hàng trăm, hàng nghìn người lao động và gia đình của họ.

Trong khi đó, thực tiễn chứng minh quan hệ giữa báo chí và DN là mối quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Báo chí không chỉ là nhân tố góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, mà còn là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh DN đến với người tiêu dùng, vừa tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới DN, vừa phản ánh tình hình phát triển của DN tới Đảng, Nhà nước. Còn DN vừa là nguồn thông tin, vừa là đối tác, là khách hàng (cung cấp nguồn thu từ hợp tác truyền thông, quảng cáo) quan trọng của báo chí.

Hợp tác giữa báo chí và DN hiện nay chủ yếu vẫn mang tính tự phát, cho nên cần xây dựng văn hóa hợp tác giữa báo chí và DN, kết hợp giữa văn hóa báo chí và văn hóa kinh doanh giúp hai bên cùng có lợi, qua đó cùng đóng góp vào việc thực hiện khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

Để phát huy mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và DN mạnh hơn, hiệu quả và bền vững, đại diện VCCI cho rằng, cả hai bên cần:

- Nâng cao nhận thức chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng, phát huy vai trò xung kích, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh của doanh nhân và sứ mệnh của người làm báo cách mạng.

- Thúc đẩy văn hóa kinh doanh, văn hóa báo chí - truyền thông, vun đắp đạo đức doanh nhân, văn hóa cơ quan báo chí và người làm báo để văn hóa thực sự là nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững của mỗi bên cũng như của đất nước.

- Phát huy hiệu quả hơn vai trò báo chí là cầu nối giữa DN với Đảng và Nhà nước. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, báo chí cũng phải lắng nghe, thấu hiểu, phản ánh tiếng nói của cộng đồng DN tới công chúng, tới Đảng, Nhà nước.

- Báo chí cần trau dồi kiến thức về kinh tế, DN để phát huy vai trò hỗ trợ DN. Ngược lại doanh nhân, DN cần cởi mở với báo chí, công khai, minh bạch thông tin, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, nâng cao năng lực xử lý truyền thông.

- Đồng hành đấu tranh với những sai trái, vi phạm pháp luật, hành vi tiêu cực của DN, doanh nhân cũng như vi phạm của báo chí, trên tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” để góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Báo chí và doanh nghiệp đồng hành trên nền tảng văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO