Bảng giá các loại đất trên địa bàn Tp.HCM được công bố và áp dụng từ 1/1/2010 dự kiến sẽ điều chỉnh không nhiều so với năm 2009 và sẽ giữ mức trần cho phép theo quy định của Chính phủ.
Văn bản trình duyệt Hội đồng Nhân dân thành phố cho thấy, giá đất năm 2010 được giữ tương đối ổn định và bổ sung thêm giá đất của một số tuyến, đoạn đường vừa nâng cấp về cơ sở hạ tầng thuận lợi hơn cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cũng như phù hợp hơn với mặt bằng giá thị trường.
Việc giá đất ở đô thị năm 2010 sẽ không tăng đón nhận sự ủng hộ lớn từ người dân thành phố vì quan ngại bảng giá mới sẽ một lần nữa đẩy giá thị trường lên cao và kéo dài sự đóng băng trong giao dịch bất động sản.
So với năm 2009, bảng giá đất năm 2010 nhìn chung tương đối ổn định, nhiều khu vực có điều chỉnh song tăng hoặc giảm hơn không quá +/-20% so với mức tối đa tức là không cao quá 81 triệu đồng/m2 (như quận 1 quanh các tuyến phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ) và không thấp hơn 1,2 triệu đồng/m2 (như khu dân cư Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ).
Trên tổng số gần 3.000 tuyến đường được quy định trong bảng giá năm tới, Ủy ban Nhân dân Tp.HCM đề xuất giữ nguyên giá đất ở của 2.719 tuyến đường; điều chỉnh và tăng giá đất của 14 tuyến đường tại quận 1, 5, 6, 8, 12 và Bình Tân; bổ sung mới 157 tuyến đường và loại bỏ 6 tuyến đường do điều chỉnh tên hoặc được ghép nối với các tuyến và đoạn đường khác.
Riêng giá đất nông nghiệp vẫn giữ nguyên cách tính của khung giá năm 2009, thấp nhất là 43.200 đồng/m2 và cao nhất là 190.000 đồng/m2 (tùy loại).
Ông Nguyễn Tài Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp. HCM cho biết, việc giữ giá đất ổn định nhằm hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực tới các hoạt động kinh tế-xã hội của thành phố và cũng là để thu hút đầu tư.
Thay vì áp giá đất trên cơ sở 7 mục tiêu đã định theo Luật Đất đai năm 2003, điểm mới của bảng giá đất năm 2010 chỉ áp dụng theo 4 mục tiêu chính là tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất; tính lệ phí trước bạ và tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm phạm pháp luật về đất đai gây thiệt hại cho Nhà nước.
Đặc biệt, bảng giá này sẽ không được áp dụng để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và tiếp tục như cách làm hiện nay là áp dụng giá thị trường.
Ông Nguyễn Văn Phú, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn nhận xét bảng giá đất năm 2010 không nên lấy làm cơ sở để tính bồi thường giá trị đất thu hồi bởi sự chênh lệch quá lớn so với mức giá thị trường và ảnh hưởng tới quyền lợi tái định cư của người dân thành phố.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty bất động sản VinaLand cho biết do phải tự thỏa thuận đền bù đất với dân, nên từ trước tới nay doanh nghiệp không thể sử dụng bảng giá đất do thành phố ban hành mà thường phải bám vào giá thị trường.
Thực tế cho thấy, ổn định mặt bằng giá là mục tiêu chính của bảng giá đất năm 2010, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vẫn ít nhiều để lại ảnh hưởng và hậu quả, cũng như thị trường bất động sản vẫn chưa tỏ rõ dấu hiệu hoàn toàn hồi phục.
Giới kinh doanh địa ốc tại thành phố cho rằng việc duy trì mức giá tương tự năm 2009 hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế, song cần có sự điều chỉnh linh hoạt hơn và nếu giữ mức tối đa +/-20% so với khung giá quy định của Chính phủ chưa hẳn đã kích cầu tiêu thụ.
Đó là chưa kể sự điều chỉnh tỷ lệ thuận về thuế sử dụng đất và thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất nhiều khả năng sẽ tác động lớn tới tâm lý người tiêu dùng và nhà đầu tư.