Bản tin tổng hợp

Bản tin sáng 28/5: Tổng thống Hungary bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam

Nhật Hưng 28/05/2025 06:00

Tin tức nổi bật sáng 28/5: Tổng thống Hungary bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam; Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Việt - Trung ưu tiên thúc đẩy hợp tác đường sắt; Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Tổ chức Trung ương; Chính phủ đề xuất cơ chế đột phá, khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển đường sắt; Quỹ nhà ở quốc gia chỉ hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội cho thuê... và một số tin tức đáng chú ý khác.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Chiều 27/5, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân Brigitte Macron rời Hà Nội, kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25 - 27/5 theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Tổng thống Pháp trong gần một thập kỷ và là dấu mốc quan trọng sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 10/2024.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân kết thúc chuyến thăm Việt Nam- Ảnh 1.
Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân Brigitte Macron. Ảnh: Hữu Hưng

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Macron và các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã có nhiều hoạt động chính trị - ngoại giao quan trọng như hội đàm, gặp gỡ báo chí, chứng kiến lễ ký kết 14 văn kiện hợp tác. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như y tế, giáo dục, văn hóa, và mở rộng sang các lĩnh vực mới như giao thông, hàng không vũ trụ, năng lượng mới.

Tổng thống Macron cũng dự lễ khởi công nhà máy vắc-xin do Sanofi đầu tư, thăm phố cổ Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và giao lưu với sinh viên. Hai nước đã ra Tuyên bố chung, khẳng định quyết tâm làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong thời gian tới.

Tổng thống Hungary bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam

Tối 27/5, Tổng thống Hungary Sulyok Tamas và phu nhân đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 - 29/5 theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ Hungary tới Việt Nam sau 11 năm, diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 - 2025). Quan hệ Việt Nam - Hungary được nâng cấp lên Đối tác toàn diện từ tháng 9/2018.

Tổng thống Hungary Sulyok Tamas và phu nhân tại sân bay Nội Bài ngày 27/5. Ảnh: TTXVN
Tổng thống Hungary Sulyok Tamas và phu nhân tại sân bay Nội Bài ngày 27/5. Ảnh: TTXVN

Hợp tác kinh tế giữa hai nước tiếp tục phát triển tích cực, với kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 932 triệu USD, tăng gần 10% so với năm 2023. Hungary hiện có 21 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 50 triệu USD, xếp thứ 52 trong số 149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Hungary cũng là quốc gia cấp học bổng nhiều nhất cho sinh viên Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu, với khoảng 200 suất hằng năm. Cộng đồng người Việt tại Hungary có khoảng 6.000 người, chủ yếu sinh sống tại thủ đô Budapest.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Việt - Trung ưu tiên thúc đẩy hợp tác đường sắt

Ngày 27/5 tại Malaysia, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường.

base64-17483552849691040472273.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc cụ thể hóa nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và đặc biệt là hợp tác đường sắt. Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm khởi công tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025, đồng thời đề nghị Trung Quốc hỗ trợ tín dụng ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực.

Thủ tướng Lý Cường hoan nghênh các đề xuất của Việt Nam, khẳng định Trung Quốc sẵn sàng phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy hợp tác thực chất, nhất là trong lĩnh vực kết nối đường sắt, thương mại và đầu tư chất lượng cao. Hai bên cũng nhất trí phối hợp duy trì hòa bình khu vực và thúc đẩy đàm phán COC hiệu quả.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Tổ chức Trung ương

Chiều 27/5 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Tổ chức Trung ương về tình hình công tác tổ chức xây dựng Đảng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay và định hướng thời gian tới.

Tổng Bí thư đánh giá cao những kết quả toàn diện mà Ban đã đạt được, đặc biệt là trong cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và chuẩn bị cho Đại hội XIV. Dự kiến sau sắp xếp, hệ thống chính trị sẽ tiết kiệm ngân sách khoảng 190.000 tỉ đồng giai đoạn 2026 - 2030.

tbt-to-lam-lv-ban-to-chuc-174835.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc

Tổng Bí thư yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực hoạch định chủ trương, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, tư duy quản trị hiện đại.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, nhân sự lãnh đạo các cấp phải hội đủ đức, tài, tâm, tầm, sức và nhiệt huyết cách mạng để gánh vác trọng trách lịch sử. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác phòng chống suy thoái, tự diễn biến, thực hành tiết kiệm, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Chính phủ đề xuất cơ chế đột phá, khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển đường sắt

Chiều 27/5, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi). Dự thảo nhằm thể chế hóa chủ trương phát triển hạ tầng đường sắt theo hướng hiện đại, đa phương thức, tạo đột phá về thể chế.

Chính phủ đề xuất loạt cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư vào đường sắt thông qua các hình thức PPP như BT, BOT, BTO... Địa phương được dùng ngân sách hỗ trợ bồi thường, tái định cư và đầu tư một số hạng mục. UBND cấp tỉnh được phép lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị mà không cần thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, nhằm rút ngắn thời gian triển khai.

z61-4439-bo-truong-bo-xay-dung-t.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo cũng chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển công nghiệp đường sắt, yêu cầu nhà thầu nước ngoài chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực Việt Nam.

Cùng với đó là các chính sách quản lý vận tải, kết nối hạ tầng, cắt giảm 33% ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đẩy mạnh phân cấp và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Quốc hội đề nghị cần đánh giá sâu tính khả thi, đột phá và đảm bảo an ninh quốc phòng trong xây dựng luật.

Quỹ nhà ở quốc gia chỉ hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội cho thuê

Tại hội thảo ngày 27/5, Bộ Xây dựng cho biết quỹ nhà ở quốc gia sẽ tập trung duy nhất vào phát triển nhà ở xã hội cho thuê, không hỗ trợ xây nhà để bán.

Theo bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, đây là điều chỉnh quan trọng, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư và Quốc hội nhằm đảm bảo an sinh bền vững.

Bộ Xây dựng: Quỹ nhà ở quốc gia chỉ hỗ trợ phát triển nhà xã hội cho thuê - Ảnh 1.
Bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: B.NGỌC

Quỹ sẽ huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước và đóng góp xã hội, đặc biệt khuyến khích chủ đầu tư thương mại đóng góp bằng sản phẩm hoặc tài chính. Các đối tượng được thụ hưởng gồm công chức, viên chức, người lao động và người trẻ dưới 35 tuổi.

Quỹ hoạt động theo mô hình có thu - có chi, không vì lợi nhuận nhưng đảm bảo bù đắp chi phí. Nhà cho thuê sẽ được sử dụng luân phiên, thu hồi khi người thuê đủ điều kiện mua nhà ở thương mại.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, Việt Nam cần khẩn trương thiết lập quỹ này để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhà ở xã hội. Quỹ nên hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cấp bù lãi suất, và huy động vốn từ nhiều nguồn để phát triển ổn định và lâu dài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất hệ sinh thái tài chính ASEAN - Trung Quốc - Vùng Vịnh

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - GCC - Trung Quốc ngày 27/5 tại Malaysia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất hình thành mạng lưới kết nối tài chính vững mạnh giữa các trung tâm như TP.HCM, Singapore, Thượng Hải, Dubai, nhằm xây dựng hệ sinh thái tài chính liên khu vực thông suốt, tạo bệ phóng cho hợp tác ba bên bứt phá.

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối giữa ASEAN, Trung Quốc và Vùng Vịnh, 3 động lực kinh tế toàn cầu, để kiến tạo không gian hợp tác chiến lược mới. Ông đề nghị ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực đột phá như kinh tế số, chuỗi cung ứng, thương mại, đầu tư và không chính trị hóa khoa học - công nghệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - Trung Quốc ngày 27/5 ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - Trung Quốc ngày 27/5 ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng kêu gọi phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, nông nghiệp bền vững và thực phẩm Halal, đồng thời kiến nghị nghiên cứu khả năng xây dựng Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - GCC - Trung Quốc.

Lãnh đạo các nước nhất trí thúc đẩy hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, giáo dục, du lịch và giao lưu văn hóa, khai thác tiềm năng của khu vực với tổng GDP hơn 24.800 tỷ USD và 2,15 tỷ dân.

Chính phủ đề xuất biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia

Ngày 27/5, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, đề xuất nhiều biện pháp đặc biệt nhằm ứng phó hiệu quả với tình huống khẩn cấp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Dự luật quy định các nhóm biện pháp như sơ tán người và tài sản, hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, tạm dừng hoạt động sản xuất - kinh doanh không thiết yếu. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ được áp dụng cơ chế đặc biệt để bảo vệ các cơ quan trọng yếu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt, khách mời cấp cao và các công trình chiến lược như đài phát thanh, sân bay, trại giam...

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trình Quốc hội dự án Luật chiều 27/5. Ảnh: Phạm Thắng
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trình Quốc hội dự án Luật chiều 27/5. Ảnh: Phạm Thắng

Luật cũng đề xuất kiểm soát phương tiện truyền thông, kiểm duyệt hoặc đình chỉ ấn phẩm gây nguy hại đến an ninh. Đặc biệt, các Đội tuần tra đặc biệt thuộc công an, quân đội và dân quân tự vệ sẽ có quyền khám xét, tạm giữ người và phương tiện gây nguy cơ đe dọa.

Thủ tướng được phép áp dụng biện pháp chưa có trong luật, với điều kiện báo cáo cấp có thẩm quyền ngay sau đó. Quốc hội dự kiến thảo luận dự án luật vào ngày 24/6 tới.

Nghiêm cấm đại lý thu đổi ngoại tệ hoạt động trái phép

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 vừa yêu cầu các đại lý thu đổi ngoại tệ chấp hành nghiêm quy định về quản lý ngoại hối. Theo đó, đại lý chỉ được phép mua ngoại tệ tiền mặt từ cá nhân và bán lại cho tổ chức tín dụng ủy quyền, tuyệt đối không được thực hiện hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép.

Các đại lý phải hoạt động đúng theo hợp đồng ủy quyền đã ký với ngân hàng, tuân thủ đầy đủ quy định về trang thiết bị, cơ sở vật chất và quy trình giao dịch. Địa điểm thu đổi phải công khai bảng tỉ giá, thông tin tổ chức tín dụng ủy quyền, có két sắt, điện thoại, máy fax đầy đủ.

usd.jpg

Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, hành vi mua bán ngoại tệ tự do là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn rủi ro và sẽ bị xử lý nghiêm. Người dân có nhu cầu đổi ngoại tệ cần đến ngân hàng được phép để đảm bảo quyền lợi.

Các đại lý cũng phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, tạo điều kiện cho công tác kiểm tra của cơ quan quản lý và tổ chức tín dụng ủy quyền, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách chống đô la hóa của Chính phủ.

Việt Nam cần gần 4.000 nhân lực cho hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân đến năm 2035", nhằm đáp ứng nhu cầu vận hành hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 dự kiến hoạt động từ năm 2030.

Theo đề án, tổng nhu cầu nhân lực cho hai nhà máy là khoảng 3.900 người, trong đó Ninh Thuận 1 cần khoảng 1.920 người và Ninh Thuận 2 khoảng 1.980 người. Hơn 50% là kỹ sư, cử nhân; phần còn lại có trình độ cao đẳng. Đặc biệt, 670 người sẽ được đào tạo đại học và sau đại học tại nước ngoài.

Xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam: Chuyên gia nói gì?

Nguồn nhân lực ưu tiên là sinh viên tốt nghiệp đúng ngành, có cam kết làm việc lâu dài. Sinh viên năm nhất, năm hai cũng có thể được cử đi đào tạo nếu đáp ứng điều kiện. Ngoài ra, 120 giảng viên sẽ được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để tăng cường năng lực giảng dạy.

Giai đoạn 2031 - 2035, việc đào tạo bổ sung sẽ căn cứ theo nhu cầu thực tế. Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, trong đó có chỉ định thầu hợp đồng chìa khóa trao tay nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng và vận hành nhà máy đúng thời hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản tin sáng 28/5: Tổng thống Hungary bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO