Bản tin tổng hợp

Bản tin sáng 25/7: TP.HCM dự kiến thu ngân sách gần 700.000 tỷ đồng sau sáp nhập; Giá cà phê phục hồi sau nhiều phiên giảm

NH 25/07/2025 06:00

Tin tức nổi bật sáng 25/7: TP.HCM dự kiến thu ngân sách gần 700.000 tỷ đồng sau sáp nhập; HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua 19 Nghị quyết quan trọng; Trung ương Đảng cho ý kiến bổ sung nhân sự quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; TP.HCM đề xuất xây dựng trung tâm tái chế pin xe điện công suất 3.000 tấn/năm; Giá cà phê phục hồi sau nhiều phiên giảm... và một số tin tức đáng chú ý khác.

TP.HCM dự kiến thu ngân sách gần 700.000 tỷ đồng sau sáp nhập

Chiều 24/7, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về dự toán thu ngân sách trên địa bàn sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, tổng thu ngân sách năm 2025 dự kiến đạt 697.395 tỷ đồng, chiếm 32,7% tổng dự toán thu cả nước.

Cụ thể, TP.HCM cũ đóng góp 520.425 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 102.650 tỷ đồng và Bình Dương 74.320 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn thu gồm: thu nội địa 475.457 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 171.850 tỷ đồng và thu từ dầu thô 49.000 tỷ đồng.

Diện mạo TP HCM sau 50 năm thống nhất đất nước

Tính đến hết tháng 6/2025, tổng thu của ba địa phương cũ đạt gần 372.000 tỷ đồng, hoàn thành hơn 55% dự toán năm. Với diện tích hơn 6.700 km² và dân số khoảng 15 triệu người, TP.HCM mới trở thành siêu đô thị lớn nhất cả nước.

Tổng chi ngân sách địa phương sau sáp nhập hơn 282.000 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển hơn 150.000 tỷ đồng. HĐND TP.HCM cũng thông qua điều chỉnh kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 với hơn 14.200 dự án và kế hoạch năm 2025 gồm hơn 6.800 dự án.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Ưu tiên ngân sách, đa dạng nguồn lực chăm lo người có công

Phát biểu tại buổi gặp mặt người có công và nhân chứng lịch sử tiêu biểu nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn sâu sắc của sự kiện, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tăng ngân sách, đa dạng nguồn lực xã hội để chăm lo cho người có công- Ảnh 1.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại chương trình gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu năm 2025

Tổng Bí thư khẳng định những thành tựu to lớn của đất nước hôm nay là kết quả của sự hy sinh, cống hiến bền bỉ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân. Để tri ân những đóng góp to lớn ấy, ông yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, ứng dụng công nghệ vào giám định ADN, đồng thời cải thiện nhà ở và điều kiện sinh hoạt cho người có công.

Tổng Bí thư đề xuất tăng ngân sách, đa dạng hóa nguồn lực xã hội và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác chăm lo người có công, thực hiện hiệu quả Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bằng mọi cách tiếp cận người dân vùng bị chia cắt do thiên tai

Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân người bị nạn do thiên tai, đặc biệt trong vụ chìm tàu tại Quảng Ninh và lũ lụt do bão số 3 gây ra tại Nghệ An. Ông bày tỏ sự cảm thông với những mất mát, thiệt hại của người dân miền núi tỉnh Nghệ An đang chịu ảnh hưởng nặng nề.

Thủ tướng chia sẻ nỗi đau, sự mất mát, thiệt hại tài sản của nhân dân các xã miền núi Nghệ An - Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, không được viện cớ “địa bàn bị chia cắt” để chậm trễ trong chỉ đạo. Ngược lại, chính lúc khó khăn nhất là lúc cán bộ, lực lượng chức năng phải chủ động tiếp cận hiện trường, đưa lương thực, nước uống đến người dân.

Thủ tướng cảnh báo thiên tai ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu, nhấn mạnh vai trò đặc biệt của công tác phòng chống thiên tai trong bảo vệ quốc gia. Ông yêu cầu các đại biểu đánh giá lại công tác ứng phó, rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp hiệu quả hơn cho những tháng cuối năm, đảm bảo an toàn và ổn định đời sống nhân dân.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khảo sát vùng quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Ngày 24/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn cùng đoàn công tác đã kiểm tra thực địa và thăm hỏi người dân tại vùng quy hoạch hai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Vĩnh Hải) và Ninh Thuận 2 (xã Phước Dinh, tỉnh Khánh Hòa).

Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của địa phương trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai và chuẩn bị triển khai dự án. Ông cũng lắng nghe ý kiến người dân, đặc biệt là nguyện vọng về ổn định sinh kế, hỗ trợ đền bù, tái định cư và đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tế.

 Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn kiểm tra địa điểm quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận- Ảnh 1.
Phó thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn dẫn đầu Đoàn công tác kiểm tra thực tế địa điểm quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Ảnh: THIỆN NHÂN

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, tổng diện tích thu hồi cho hai dự án là hơn 1.130 ha, ảnh hưởng đến hơn 5.200 nhân khẩu. Việc kiểm kê đất đai, dân cư và mồ mả đã hoàn tất 100%. Chính phủ đã phân bổ 3.260 tỉ đồng để thực hiện công tác di dân, tái định cư.

Tỉnh Khánh Hòa đã kiện toàn Ban chỉ đạo dự án, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại cơ sở và lắp đặt pano thông tin về dự án điện hạt nhân, nhằm tạo đồng thuận trong Nhân dân.

Trung ương Đảng cho ý kiến bổ sung nhân sự quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Tại Hội nghị Trung ương 12 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cho ý kiến về bổ sung nhân sự quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031. Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 69-NQ/TW về nội dung này.

Hội nghị cũng thông qua định hướng công tác nhân sự Đại hội XIV, bao gồm phân bổ cơ cấu, tiêu chuẩn, số lượng Ủy viên Trung ương, nguyên tắc chọn đại biểu dự Đại hội. Trung ương đồng ý hợp nhất 3 báo cáo lớn: Chính trị, Kinh tế - Xã hội và Xây dựng Đảng để phục vụ soạn thảo văn kiện trình Đại hội.

Cho ý kiến bổ sung nhân sự quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư - Ảnh 1.
Hội nghị Trung ương 12 cho ý kiến về nhân sự bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV nhiệm kỳ 2026 - 2031. Ảnh: Nhật Bắc

Ban Chấp hành Trung ương quyết định thi hành kỷ luật nhiều nguyên lãnh đạo cấp cao và đồng ý để một số cán bộ thôi giữ chức vụ trong Trung ương khóa XIII. Ngoài ra, Trung ương cho ý kiến để Bộ Chính trị trình Quốc hội phê chuẩn nhân sự giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Hội nghị cũng tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, công tác chuẩn bị Đại hội XIV và những vấn đề trọng yếu trong nước, quốc tế. Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực vượt qua khó khăn, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị thăm, tri ân tướng lĩnh công an, quân đội

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), chiều 24/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị dẫn đầu đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đến thăm và tặng quà các tướng lĩnh công an, quân đội có nhiều đóng góp cho đất nước.

Đoàn đã đến thăm Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Huề - Nguyên Cục trưởng Cục Chính trị An ninh (Bộ Công an), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk hiện cư trú tại phường An Khánh, TP.HCM. Ông Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và chúc Thiếu tướng Huỳnh Huề mạnh khỏe, tiếp tục là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ.

z68377646992815c64862b126e2644ac.png
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị trò chuyện, thăm hỏi Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Huề. Ảnh: B.P

Đoàn cũng đến thăm vợ chồng Trung tướng Nguyễn Cộng Hòa - Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và bà Nguyễn Thị Thu - Thương binh. Ông Nghị khẳng định TP.HCM luôn trân trọng công lao các thế hệ đi trước và cam kết tiếp tục đẩy mạnh công tác "đền ơn đáp nghĩa", phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng TP.HCM phát triển toàn diện.

Các tướng lĩnh đều bày tỏ sự tin tưởng vào sự đổi mới, năng động và vai trò đầu tàu của TP.HCM trong giai đoạn mới.

HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua 19 Nghị quyết quan trọng

Tại kỳ họp thứ hai khóa X, HĐND TP.HCM đã biểu quyết thông qua 19 nghị quyết quan trọng, tạo nền tảng pháp lý để cụ thể hóa chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống người dân.

HĐND TP HCM biểu quyết thông qua 19 Nghị quyết rất quan trọng- Ảnh 3.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch HĐND TP.HCM phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: NLĐ

Các nghị quyết bao gồm nhiều nội dung thiết yếu như: cơ chế ưu đãi cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân chia ngân sách năm 2025; sửa đổi Nghị quyết 30/2023/NQ-HĐND về hỗ trợ địa phương trong và ngoài nước.

Ngoài ra, HĐND TP.HCM còn thông qua quy định định mức phân bổ chi thường xuyên, hỗ trợ cho lực lượng nghỉ việc sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy Sở An toàn thực phẩm và cơ chế tài chính cho giáo dục công lập.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND TP.HCM Võ Văn Minh đánh giá cao kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025, song cũng chỉ ra nhiều thách thức như tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, tội phạm công nghệ cao gia tăng, việc triển khai chính quyền cơ sở còn vướng mắc. Ông kêu gọi chính quyền TP.HCM tiếp tục hành động quyết liệt, đồng bộ để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Kiến nghị thành lập đội quản lý trật tự đô thị tại phường, xã, đặc khu

Tại kỳ họp thứ hai HĐND TP.HCM khóa X diễn ra ngày 24/7, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nhung kiến nghị cần sớm có cơ chế thành lập đội quản lý trật tự đô thị tại cấp phường, xã và đặc khu, trong bối cảnh mô hình chính quyền hai cấp được triển khai, các đội quản lý trật tự đô thị cấp quận, huyện đã chấm dứt hoạt động từ ngày 1/7/2025.

Bà Nhung cho rằng việc thiếu lực lượng chuyên trách đã gây khó khăn trong kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, nhất là tại những địa bàn đô thị hóa nhanh như phường Tân Uyên, nơi có hơn 81.000 dân và nhiều khu công nghiệp, dự án nhà ở.

hinhna-17533471944071261114982.png
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nhung phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: HỮU HẠNH

Đồng tình với ý kiến trên, lãnh đạo Sở Nội vụ và Sở Xây dựng TP.HCM cho biết việc phân cấp quản lý cho phường, xã là phù hợp nhưng thiếu lực lượng chuyên môn khiến công tác kiểm tra còn nhiều bất cập. Do lực lượng thanh tra xây dựng đã giải thể, TP.HCM hiện chỉ tạm thời bố trí lực lượng phối hợp.

Hai sở đang phối hợp tham mưu UBND TP.HCM xây dựng cơ chế cho phép địa phương tổ chức lực lượng phù hợp, đảm bảo kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm về trật tự đô thị và xây dựng.

TP.HCM đề xuất xây dựng trung tâm tái chế pin xe điện công suất 3.000 tấn/năm

TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng trung tâm tái chế pin xe điện với công suất khoảng 3.000 tấn/năm, có khả năng thu hồi đến 95% kim loại quý như niken, coban, mangan từ pin đã qua sử dụng. Đề xuất này nằm trong khuôn khổ đề án chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện, được công bố tại buổi họp báo ngày 24/7 do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chủ trì.

dsc_9904.png
Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thông tin tại họp báo

Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế, cho biết Việt Nam hiện đã có nhà máy sản xuất pin tại Hà Tĩnh, hợp tác với tập đoàn tái chế pin hàng đầu thế giới Li-Cycle. Trong tương lai gần, nếu chưa thể xây dựng trung tâm tại Việt Nam, công nghệ tái chế sẽ được triển khai qua hệ thống của Li-Cycle tại Đông Nam Á.

Đề án cũng đề xuất TP.HCM hỗ trợ cơ chế tài chính như vay ưu đãi, sử dụng Quỹ bảo vệ môi trường nếu trung tâm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Song song đó, TP.HCM cần xây dựng lộ trình thu gom và xử lý pin đã qua sử dụng minh bạch, đồng bộ, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường lâu dài.

Giá cà phê phục hồi sau nhiều phiên giảm

Sau chuỗi phiên giảm liên tiếp, giá cà phê trong nước và thế giới đã bật tăng trở lại trong vài ngày qua. Tại các tỉnh Tây Nguyên, giá cà phê nhân xô hiện dao động từ 95.000 - 97.000 đồng/kg, tăng 500 - 700 đồng so với hôm trước và cao hơn 6.000 - 7.000 đồng/kg so với tuần trước. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh 135.000 đồng/kg ghi nhận đầu tháng 3/2025.

Giá cà phê hôm nay 13/7: Trong nước ổn định, thế giới giảm sâu hơn 100 USD/tấn

Trên thị trường thế giới, giá cà phê giao dịch giằng co. Robusta kỳ hạn tháng 9/2025 trên sàn London tăng nhẹ 0,33% lên 3.300 USD/tấn, trong khi hợp đồng tháng 11/2025 giảm nhẹ còn 3.259 USD/tấn. Trên sàn New York, giá Arabica tăng mạnh với kỳ hạn tháng 9 và tháng 11/2025 lần lượt tăng 1,69% và 1,77%.

Theo các chuyên gia, đà tăng hiện nay chủ yếu do yếu tố đầu cơ tài chính. Về dài hạn, giá cà phê có thể giảm khi nguồn cung toàn cầu phục hồi nhờ thời tiết thuận lợi tại các nước sản xuất lớn như Việt Nam và Brazil. Thêm vào đó, khả năng Mỹ áp thuế cà phê nhập khẩu từ Brazil cũng đang tạo áp lực lên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản tin sáng 25/7: TP.HCM dự kiến thu ngân sách gần 700.000 tỷ đồng sau sáp nhập; Giá cà phê phục hồi sau nhiều phiên giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO