Khoảng 10% bệnh nhân Covid hồi phục có triệu chứng Long Covid hay còn gọi là hội chứng Covid kéo dài, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần |
Một thống kê từ Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association, APA, tổ chức khoa học và chuyên nghiệp lớn nhất của các nhà tâm lý học tại Hoa Kỳ và Canada) cho biết khoảng 10% bệnh nhân Covid hồi phục có triệu chứng Long Covid, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần.
Các nhà tâm lý học đang nỗ lực giúp những bệnh nhân bị Long Covid định hình lại các mối quan hệ, công việc và tương lai của họ.
Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia
Alejandra Sarmiento - chuyên gia trị liệu tâm lý tại The Soke, một phòng khám sức khỏe tâm thần ở London chia sẻ: “Những bệnh nhân Covid hồi phục có thể tiếp tục bị Long Covid trong vài tuần, vài tháng hoặc có thể vài năm, cho dù lúc bị nhiễm Covid họ chưa từng phải nhập viện. Hội chứng đó là mất vị giác, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức và mệt mỏi. Khi không phục hồi trong khoảng thời gian dự định, họ có thể thất vọng, bối rối và sợ hãi. Những cảm giác lo lắng này càng trầm trọng hơn khi thể chất họ kiệt quệ”.
Sarmiento khuyên: “Nếu Long Covid ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bạn hay người thân bạn đang giúp đỡ, hãy tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia hoặc nói chuyện với bác sĩ mà bạn quen biết để tìm kiếm nơi trị liệu phù hợp. Bên cạnh đó, bản thân bệnh nhân cũng phải tìm cách nói chuyện với người thân, bạn bè để giúp giảm căng thẳng và biết rằng mình không đơn độc”.
"Hậu quả của đại dịch này - về thể chất, tình cảm, tinh thần và tài chính, có thể ảnh hưởng lâu dài lên bệnh nhân, đội ngũ y tế và người chăm sóc và chúng tôi không biết ngày “hết hạn” - Sarmiento nhận định.
Bà cho hay không chỉ bệnh nhân Long Covid gặp khó khăn mà người thân chăm sóc họ cũng có thể gặp khó khăn. Nếu là người chăm sóc, bạn cũng nên dành thời gian cho bản thân, không làm gì quá sức và nên nói chuyện với ai đó về cảm giác của bạn.
"Hậu quả của đại dịch này - về thể chất, tình cảm, tinh thần và tài chính, có thể ảnh hưởng lâu dài lên bệnh nhân, đội ngũ y tế và người chăm sóc và chúng tôi không biết ngày “hết hạn” |
Can thiệp càng sớm càng tốt
Abigail S. Hardin - GS. tâm thần học và khoa học hành vi tại Trung tâm Y tế trường Đại học Rush ở Chicago chia sẻ: “Không có phương pháp điều trị ma thuật, không có phẫu thuật, không có viên thuốc nào có thể giảm bớt tất cả những triệu chứng Long Covid ngay lập tức. Nhưng can thiệp sớm, từ việc đưa ra lời khuyên thiết thực cho bệnh nhân cách chống lại tình trạng “sương mù não” (brain fog) đến điều hướng những thay đổi trong mối quan hệ và vượt qua cảm giác hụt hẫng vì không thể làm việc - có thể tạo ra sự khác biệt trong việc giúp bệnh nhân mau trở lại cuộc sống bình thường”.
Theo Hardin và các bác sĩ lâm sàng đã làm việc với những bệnh nhân bị Long Covid, các nhà tâm lý học và bác sĩ cần làm việc cùng nhau để giúp họ.
Trên thực tế, theo một nghiên cứu mới, một số triệu chứng sức khỏe tâm thần mà bệnh nhân đang gặp phải có thể là do trải nghiệm bệnh tật chứ không phải do bản thân virus. Vì thế, khoảng một nửa số bệnh nhân của Hardin cho biết họ đã đến gặp các bác sĩ và nhận được thông điệp, dù cố ý hay vô ý, rằng tất cả những triệu chứng Long Covid đều là sự tưởng tượng và không có thật.
Sự phủ nhận này của một số người trong hệ thống y tế đã dẫn đến việc nhiều người bị Long Covid lảng tránh chăm sóc. Tương tự như vậy, nhiều bệnh nhân có gia đình và bạn bè không biết những nghiên cứu mới về Long Covid thường bày tỏ sự nghi ngờ hoặc ngạc nhiên về mức độ nghiêm trọng và dai dẳng của các triệu chứng.
Điều quan trọng đối với các bác sĩ và nhà tâm lý học là phải thừa nhận và xác nhận các triệu chứng của bệnh nhân và đừng bắt họ phải chứng minh họ đang đau khổ. Các chuyên gia trị liệu phải tin bệnh nhân, vì Long Covid là tình trạng có thật.
Tập trung vào hiện tại và giải quyết điều lo lắng nhất của bệnh nhân
APA khuyên khi nói chuyện với những bệnh nhân bị Long Covid, các nhà trị liệu hãy bắt đầu hỏi về mối quan tâm nổi trội nhất của họ, điều gì ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống của họ? Chẳng hạn, nếu họ nói rằng đang lo lắng nhất về mối quan hệ nào đó, các nhà tâm lý học nên ưu tiên giúp họ giải quyết trước vấn đề của mối quan hệ đó.
TS. Megan Hosey, GS. tâm lý học phục hồi chức năng và tâm lý thần kinh tại BV Johns Hopkins (Hoa Kỳ) gợi ý các bác sĩ tâm lý nên hỏi bệnh nhân những câu hỏi bao quát này: "Bạn hy vọng sẽ làm được gì?" và "Nếu bạn không bị bệnh, bạn sẽ làm gì hôm nay?". Câu trả lời sẽ giúp bệnh nhân xác định các mục tiêu cụ thể và bắt đầu trở lại cuộc sống, dù họ đang phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.
Hosey nói: “Tôi không thể hứa với bệnh nhân rằng họ sẽ sống mà không có sự mệt mỏi hoặc tổn thương đối với các triệu chứng Long Covid, nhưng tôi có thể hứa, nếu chúng ta thích nghi và tìm cách giải quyết ngay một số vấn đề, bệnh nhân có thể sống tốt hơn".
Tập hít thở bằng bụng là một liệu pháp tăng cường thể tích nạp oxy của phổi |
Những bệnh nhân mệt mỏi có thể cần được giúp đỡ để vạch ra kế hoạch về số lượng công việc mà họ có thể hoàn thành trong ngày hôm đó, bên cạnh những việc mà họ có thể yêu cầu người thân hoặc đồng nghiệp giúp sức.
Các nhà trị liệu cũng nên giúp bệnh nhân giải quyết vấn đề như: họ không thể làm việc nhiều như trước đây hoặc hoàn toàn không thể, giúp họ thoát khỏi tư tưởng giá trị bản thân và sự độc lập đang sụt giảm. Bệnh nhân cần được giúp đỡ để chiến đấu với cảm giác vô vọng, ý nghĩ tự làm hại bản thân và tự tử, với nỗi sợ Covid có thể ảnh hưởng đến phần còn lại của cuộc đời họ. Bác sĩ tâm lý có thể giúp họ kiểm soát sự lo lắng về những triệu chứng của họ trong tương lai bằng cách hướng dẫn họ tập trung vào hiện tại.
TS. Maija Broox Bruzas - nhà tâm lý học, thành viên của Hiệp hội sức khỏe tâm thần tiểu bang Colorado (Hoa Kỳ) tư vấn: “Liệu pháp chánh niệm - thiền và các bài tập thở - có thể là cách để bệnh nhân tăng cường nhận thức và chấp nhận trải nghiệm cũng như thay đổi cảm xúc của họ đối với các triệu chứng thể chất. Thậm chí, liệu pháp chánh niệm có thể giúp kiểm soát sự hoảng sợ đối với các triệu chứng như khó thở”.
Bà nói thêm: “Chúng ta không thể kiểm soát được những gì trong tương lai mà chỉ có thể kiểm soát hành vi và suy nghĩ của bệnh nhân trong hiện tại”.
"Liệu pháp chánh niệm - thiền và các bài tập thở - có thể giúp kiểm soát sự hoảng sợ đối với các triệu chứng như khó thở” |
Tăng cường sự hỗ trợ từ gia đình và tạo nhóm chăm sóc
Trong và sau khi bị nhiễm Covid-19, bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc kết nối lại với gia đình hoặc các mối quan hệ thân thiết. Nhiều người trong số này bị kỳ thị vì xét nghiệm dương tính hoặc có thể đã bỏ lỡ sự chia buồn với ai đó trong thời gian họ bị cách ly hoặc nhập viện. Bệnh nhân Covid hồi phục cũng có thể đang tranh đấu với cảm giác tội lỗi do lây nhiễm cho người khác.
Long Covid cũng có thể làm gia tăng các vấn đề hiện có trong gia đình. Các nhà tâm lý học khuyên người thân nên giúp bệnh nhân bảo vệ các mối quan hệ của họ trong gia đình và giữ cho việc chăm sóc không làm mất đi vai trò của họ với tư cách là vợ/chồng, con cái, cha mẹ và anh chị em.
Các nhà tâm lý khuyến khích bệnh nhân sử dụng liệu pháp từ các nhóm hỗ trợ bệnh nhân trải qua các triệu chứng Covid kéo dài, cũng như hỗ trợ gia đình và người chăm sóc của họ càng sớm càng tốt. TS. Mauricio J. Castaldelli-Maia, bác sĩ thuộc khoa dịch tễ trường Y tế Công cộng Mailman, Đại học Columbia nhấn mạnh: “Can thiệp sức khỏe tâm lý sớm bằng các phương pháp trị liệu từ các nhóm hỗ trợ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần xảy đến với những bệnh nhân bị hội chứng Covid kéo dài".
Lời khuyên từ CDC Hoa Kỳ Để kiềm chế cảm xúc và đối phó với căng thẳng, các bệnh nhân Covid hồi phục nên ngừng xem, đọc hoặc nghe những tin tức bao gồm cả mạng xã hội nói về đại dịch Covid-19. Thay vào đó, tập trung chăm sóc cơ thể: tập hít thở sâu và thiền, tập thể dục đều đặn, chú trọng dinh dưỡng, ngủ đủ và tránh rượu, tránh chất kích thích. Bên cạnh đó, hãy làm việc các công việc yêu thích mà trước kia không có thời gian hoặc muốn mà chưa từng thử. Đừng quên kết nối nhiều với người khác, đặc biệt người mà bạn cảm thấy tin tưởng. Nếu là người chăm sóc bệnh nhân Covid hồi phục, hãy dành thời gian lắng nghe họ hoặc trực tiếp hỏi họ cần gì. Một số người có thể muốn có ai đó lắng nghe trải nghiệm của họ thường xuyên, một số khác có thể cần thêm sự hỗ trợ thể chất như giúp việc nhà hoặc nấu ăn. Sẽ có những lúc bạn chưa thể hỗ trợ ai đó đúng theo cách mà họ cần, hãy chấp nhận rằng chuyện đó hoàn toàn bình thường, chỉ cần trực tiếp nói rõ với họ những gì có thể và không thể làm. Nếu là chủ doanh nghiệp, nên hỗ trợ nhân viên đang bị di chứng hậu Covid bằng cách đưa ra các chính sách nghỉ phép và lịch làm việc linh hoạt, đồng thời giúp họ tiếp cập các chương trình hỗ trợ chăm sóc thể chất và tinh thần. |