Đề xuất tăng thuế đánh vào các khách du lịch kết hợp lao động (backpacker) tại Úc đã khiến phần đông du khách quay lưng lại với nước này, bất chấp các biện pháp cứu vãn từ chính phủ.
Lực lượng "cứu hộ”
Mùa hè ở Úc kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, đây là thời điểm các vườn cây ăn quả bước vào mùa thu hoạch và cũng là mùa kiếm bộn tiền của các backpacker. Chia sẻ trên The Guardian, Helene Chaphuif - một backpacker người Pháp đang trú tại tiểu bang New South Wales cho biết cô và các bạn đang đợi ngày thu hoạch cherry.
"Chúng tôi có thể kiếm 250 AUD mỗi ngày nhờ hái cherry từ 5g30 sáng đến 2 giờ chiều. Quả cherry nhỏ, dễ hái hơn táo, cam, đào nên công việc này không mấy nặng nhọc, chưa kể thù lao khá cao". Chaphuif là một trong nhiều backpacker đang làm việc tại các vùng nông thôn Úc.
Nông nghiệp hiện là một trong năm trụ cột của nền kinh tế Úc. Theo số liệu từ Cục Nông nghiệp, Tài nguyên kinh tế và Khoa học nước này, mỗi năm ngành nông nghiệp thu về 41 tỷ AUD, chiếm 13% kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là ngành sử dụng nhiều lao động nhất nước Úc, và phần đông trong số đó là các backpacker. Liên đoàn Nông dân Quốc gia Úc (NFF) ước tính số backpacker trẻ chiếm 25% lực lượng lao động thời vụ tại đây.
Tim Reid - một trong những nhà cung cấp và xuất khẩu cherry lớn nhất nước Úc có trang trại đặt tại Tasmania nói với Reuters hồi tháng 2/2016: "Vào mùa thu hoạch, 70% lao động của chúng tôi là backpacker. Không có họ, công việc sẽ bị đình trệ”. Ông cho biết dù công ty có chính sách tuyển dụng người lao động bản xứ nhưng "chúng tôi không có đủ người, đặc biệt vào giai đoạn cao điểm".
Thống kê của Chính phủ Úc cho thấy, trong năm 2015, lực lượng lao động chính thức trong lĩnh vực nông nghiệp là 420.000 người, chiếm 4% lực lượng lao động cả nước.
Hồi đầu tháng 5, Bộ trưởng Bộ Ngân khố Scott Morrison nói trên SBS rằng backpacker là một phần quan trọng trong nền công nghiệp du lịch Úc trị giá 43,4 tỷ AUD. Họ còn là nguồn lao động chính, đặc biệt trong ngành nông nghiệp, làm vườn, du lịch và khách sạn. Tuy nhiên, quan điểm này của Morrison được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ backpacker tại Úc đang sụt giảm nghiêm trọng kể từ năm 2014.
Nỗ lực cứu vãn
Đài ABC dẫn số liệu của Bộ Di trú và Bảo vệ biên giới Úc (DIBP) cho biết số backpacker đến nước này đã giảm liên tục trong 2 năm gần đây, với số visa được cấp ít hơn trong năm 2014 - 2015 so với 2012 - 2013 là hơn 34.000.
Nguyên nhân bắt nguồn từ một đề xuất của chính quyền cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott hồi tháng 5/2015: áp mức thuế 32,5% đối với mọi khoản thu nhập của backpacker, thay vì chỉ đóng thuế nếu mức thu nhập vượt ngưỡng 18.200 AUD/năm như hiện tại.
Dự luật được đưa ra khi Úc đang đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách lên đến 40 tỷ AUD và kế hoạch tăng thuế trên ước tính thu về 540 triệu AUD cho chính phủ trong 3 năm tới.
Joanne Johnson - giám đốc điều hành một cơ quan tuyển dụng tại Úc nói trên The Guardian: "Năm 2015, rất nhiều backpacker Pháp phản ứng với đề xuất tăng thuế trên. Bây giờ họ đang khuyên bạn bè đến New Zealand, Canada làm việc thay vì tới Úc".
Một báo cáo mới đây của NFF cho biết các chủ trang trại Úc đang vật lộn với vấn đề thiếu nhân công: "Nếu không có người thu hoạch, trái cây trồng ra sẽ chỉ đơn giản rụng xuống và chờ thối". Trong một lần ghé thăm khu vực trồng xoài ở vùng lãnh thổ Bắc Úc hồi năm ngoái, Chủ tịch NFF Brent Finlay cho biết nông dân ở đây phải bỏ 15% sản lượng xoài vì không đủ người hái. Họ từng lên kế hoạch mở rộng diện tích đất canh tác và trồng thêm 40.000 cây giống nhưng cuối cùng đành gác kế hoạch này lại đợi đến khi tình hình lao động khả quan hơn.
Ngoài nông nghiệp, các ngành công nghiệp khác của Úc vốn dựa vào nguồn lao động backpacker cũng đang gặp khó trước tình trạng sụt giảm nhân công. Margy Osmon - Giám đốc điều hành Du lịch và Diễn đàn Giao thông Úc từng lên tiếng kêu gọi giới cầm quyền sớm đưa ra các biện pháp khuyến khích du khách nước ngoài ghé thăm Úc nhiều hơn.
The Guardian nhận định, ngành du lịch Úc sẽ chịu tác động không nhỏ nếu du khách trẻ dành ít thời gian ở lại Úc. Ước tính 12% trong tổng số 4,3 tỷ AUD hằng năm của du khách dùng cho chi tiêu, đi lại.
Trước sự chỉ trích mạnh mẽ từ các công ty du lịch, chính trị gia, đặc biệt là nông dân Úc, Thủ tướng Malcolm Turnbull hồi tháng 7 đã quyết định tạm hoãn dự luật tăng thuế trên, đồng thời giảm mức thuế xuống còn 19% đối với mỗi AUD backpacker kiếm được cho đến mức 37.000 AUD. Khoản thuế này được cho biết sẽ sử dụng vào quỹ hưu trí của người dân Úc.
"Giống như mọi người dân sinh sống trên quốc gia này, backpacker cần phải đóng thuế thu nhập bình đẳng như những người khác", SBS dẫn lời phát ngôn viên của chính phủ.
Ngay sau đó, vào tháng 10/2016, Chính phủ Úc chi thêm 10 triệu AUD từ ngân sách cho chiến dịch quảng bá du lịch trong nỗ lực thu hút các backpacker trẻ quay trở lại. Đồng thời chính phủ sẽ nới lỏng các điều kiện làm việc như tăng giới hạn tuổi cho backpacker tới Úc lên 35 tuổi, cho phép một du khách làm việc cho cùng một người thuê trong một năm, miễn là họ thay đổi địa điểm làm việc sau sáu tháng.
"Những thay đổi này sẽ giúp các backpacker tiết kiệm chi phí đồng thời có thêm tiền để chi tiêu ngay trên nước Úc", SBS dẫn lời Bộ trưởng Ngân khố Morrison. Dù vậy, theo lo lắng của nhiều nông dân, mức thuế 19% vẫn là rào cản lớn khiến các backpacker quay lưng với nước Úc.
>Người lao động nhập cư châu Âu gửi về quê nhà số tiền khổng lồ
>Ông Donald Trump chỉ bài xích người nhập cư trái phép
> 42 người nhập cư giàu nhất nước Mỹ