Theo thống kê, cộng đồng kinh tế tư nhân hiện có hơn 700.000 doanh nghiệp, chiếm trên 51% lực lượng lao động cả nước, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 30% ngân sách nhà nước. Việt Nam đang ở ngưỡng cửa gia nhập nhiều hiệp định tự do thương mại khu vực cũng như hiệp định thương mại song phương khác, đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân.
Tại phiên hiến kế của ViEF 2019, ông Võ Minh Nhựt - Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam đã tham vấn các đề xuất nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh các rào cản thương mại và CPTPP. Cụ thể, NS BlueScope Việt Nam đề xuất ba nhóm giải pháp chính, trong đó, doanh nghiệp cần tự chủ hơn trong việc xây dựng năng lực cạnh tranh, chủ động tìm kiếm đối tác; đầu tư hoặc hợp tác phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm để tăng tính sáng tạo cũng như giá trị gia tăng cho sản phẩm và nâng cao các chuẩn mực của doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, môi trường, quyền lợi lao động và minh bạch trong chính sách.
Ông Võ Minh Nhựt cũng nêu ra các kiến nghị, trong đó, đề nghị Chính phủ tăng cường công tác truyền thông, phổ cập và xây dựng cổng thông tin toàn diện, chi tiết về các thị trường và thuế ngành hàng theo lộ trình CPTPP đồng thời chỉnh sửa hệ thống luật pháp và tăng cường việc thực thi nhằm tuân thủ yêu cầu của CPTPP và tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Điều quan trọng không kém là tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tự xây dựng chuỗi cung ứng có trách nhiệm.
Ông Võ Minh Nhựt - Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam đã tham vấn các đề xuất nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh các rào cản thương mại và CPTPP |
“Các thị trường trong CPTPP chưa phải là thị trường nhập khẩu thép lớn từ Việt Nam. Đa số các sản phẩm thép có mức thuế suất thấp hoặc bằng 0. Tuy nhiên, các quốc gia bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các rào cản về thuế chống bán phá giá, thuế phòng vệ thương mại, thuế chống lẩn tránh và thuế chống gian lận, hàng rào kỹ thuật hoặc vì lý do an ninh quốc phòng và các rào cản này nằm ngoài biểu thuế của CPTPP”, ông Võ Minh Nhựt nêu ý kiến.
Riêng về doanh nghiệp, để tăng cường lợi thế cạnh tranh, NS BlueScope Việt Nam không ngừng nghiên cứu và cho ra đời các công nghệ và sản phẩm tiên tiến trong ngành thép thông qua các Trung tâm R&D của Tập đoàn cũng như hợp tác với các đối tác giàu kinh nghiệm chuyên môn khác, từ đó phá vỡ rào cản về giá thành xuất khẩu.
Hiện nay, NS BlueScope Việt Nam tự hào là thương hiệu thép đầu tiên ra mắt dòng sản phẩm mạ nhôm kẽm tại thị trường Việt Nam năm 2005, và trong năm 2019, hãng sẽ tiếp tục vai trò tiên phong đổi mới với dòng sản phẩm tôn Zincalume và Colorbond sở hữu công nghệ Activate đầu tiên và duy nhất trên thị trường, có thể thách thức các điều kiện môi trường khắc nghiệt nhất như môi trường biển và môi trường công nghiệp ô nhiễm.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh từ sản phẩm, NS BlueScope Việt Nam còn chú trọng xây dựng những giá trị cốt lõi phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc cũng như những tiêu chuẩn khắt khe của CPTPP thông qua 5 trụ cột chính là an toàn, sức khỏe cho nhân viên, khách hàng, cổ đông; giảm tối đa khí thải gây hiệu ứng nhà kính với 3 triệu kg khí thải CO2 đã được cắt giảm, tương đương với lượng khí thải của 1.200 xe ôtô trong 1 năm. Công ty cũng nâng cao tỷ lệ lao động và lãnh đạo nữ trong doanh nghiệp song song với việc minh bạch và phòng chống tiếp tay với tham nhũng.