Tám Sài Gòn 66

TÁM SÀI GÒN| 07/10/2012 05:33

Mấy tháng nay, dù các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thi nhau giảm giá nhưng vẫn không xua được không khí ảm đạm của thị trường...

Tám Sài Gòn 66

Buổi sáng trời mưa tầm tã, Tám Sài Gòn ngồi trong ngôi biệt thự có hồ bơi trước nhà, trên bàn là tô phở tỏa hương thơm đặc trưng và ly cà phê sánh màu đen sữa, vừa phì phà thuốc lá vừa thưởng thức nhạc du dương phát ra từ dàn loa của máy nghe nhạc hi-tech...

Đột nhiên tiếng sét đánh “ầm” một cái, Tám tui giật mình. Ôi, hóa ra mình vừa ở trong mơ. Qua giây phút ngơ ngác, Tám tui tiếc hùi hụi…

Không tiếc sao được khi thực tế Tám Sài Gòn tui đang ở trong căn nhà cũ kỹ chật hẹp, với đồng lương ba cọc ba đồng của mình, lo cái ăn cái mặc và chuyện học hành cho con cái cũng đủ mệt rồi, tiền để sửa và nâng cấp nhà thôi còn chưa có, huống hồ gì xây mới…

Mà ngẫm ra, trong xã hội chắc không ít người ở hoàn cảnh như mình. Bởi vậy, mấy tháng nay, dù các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thi nhau giảm giá nhưng vẫn không xua được không khí ảm đạm của thị trường, vì giá nhà tại Việt Nam đã tăng hơn 10 lần so với tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người, và khoảng cách này ngày một xa hơn.

Lý giải về thực trạng này, có người cho rằng giá nhà ở được đẩy lên cao chủ yếu là do hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo tin đồn diễn ra phổ biến.

Đa số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không có thực lực về tài chính, vốn liếng chỉ là đi vay mượn, cho nên để vừa có tiền trả vốn và lãi vay, vừa có lời, đã phải bằng mọi cách tạo giá trị ảo cho sản phẩm, làm cho số người có nhu cầu thực sự về nhà ở rất đông nhưng không thể tiếp cận được.

Nay, cho dù tình trạng đầu cơ làm giá bất động sản không còn, nhưng giá vẫn cao vì chủ đầu tư còn phải gánh nợ ngân hàng và các khoản đóng góp bắt buộc khác.

Cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến giá bất động sản tăng cao là do quản lý bất động sản không minh bạch, không hiệu quả. Chẳng hạn như, thời gian xây dựng kéo dài, thủ tục phức tạp, nhất là tệ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai còn nhiều và quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất còn yếu kém...

Bởi vậy giá nhà đất ở Hà Nội, TP.HCM thuộc hàng “top cao” nhất của thế giới, người có thu nhập cỡ 5-10 triệu đồng/tháng có dành dụm chưa cả đời cũng chắc mua được nhà.

Đáng nói nhất là trong lúc đại bộ phận người lao động không có nhà ở, vậy mà ở TP.HCM, Hà Nội và một số nơi khác đang có rất nhiều công trình bất động sản xây dựng xong bỏ hoang; nhiều tòa cao ốc, biệt thự trở thành nhà ma...

Thật là một sự lãng phí lớn mà xã hội gánh chịu! Phải chăng đó là hậu quả của sự phát triển thị trường bất động sản không tuân theo quy luật cung cầu.

Thôi thì tới nước này, Tám Sài Gòn tui cũng như những người thu nhập thấp chỉ còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước - trích một phần từ tiền thu thuế sử dụng đất, đấu giá đất và các nguồn khác để phát triển nhà ở xã hội dành cho người nghèo, như Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167.

Thủ tướng đã nói rằng, “Làm nhà ở đô thị với giá 3-4 triệu đồng/m2? Nếu làm được thì mừng quá! Như vậy, căn hộ khoảng 50m2 chỉ có 150-200 triệu đồng. Với mức giá này, chắc nhiều người hạnh phúc lắm!”.

Phải, hạnh phúc lắm, nếu chủ trương đó được hiện thực hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tám Sài Gòn 66
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO