APEC 2017 - tương lai chung cho 21 nền kinh tế

LÊ DUY| 06/11/2017 07:42

Sáng 6/11, Tuần lễ cấp cao APEC 2017 chính thức khai mạc với sự kiện đầu tiên là Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp APEC (CSOM), được tổ chức tại resort Furama ở TP. Đà Nẵng. Đây là hội nghị lần thứ 25 của diễn đàn hợp tác kinh tế này.

APEC 2017 - tương lai chung cho 21 nền kinh tế

Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Economic Cooperation - APEC) là một cơ chế hợp tác kinh tế của các nền kinh tế thành viên thuộc khu vực Vành đai Thái Bình Dương, với mục tiêu hướng tới phát triển kinh tế bền vững và thúc đẩy thịnh vượng chung trong khu vực.

Tính từ khi thành lập (năm 1989) đến nay, qua 4 lần mở rộng và kết nạp thành viên, có 21 nền kinh tế tham gia APEC. Năm 2017, tuần lễ cấp cao của APEC diễn ra từ ngày 6 - 11/11 tại TP. Đà Nẵng (Việt Nam) với chủ đề: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện này sau lần đầu làm chủ nhà vào năm 2006.

>>APEC 2017 tìm giải pháp hỗ trợ tài chính cho các SME

Lịch sử hình thành

Ý tưởng về APEC được đề cập công khai bởi Thủ tướng Australia Bob Hawke, trong một bài diễn văn tại Hàn Quốc vào tháng 1/1989. Trong cuốn sách “Sự phát triển của PECC: 25 năm đầu tiên” (The Evolution of PECC: The First 25 Years), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), đã chỉ ra những nhu cầu mà APEC sẽ đáp ứng vào thời điểm bấy giờ: Đáp ứng quan hệ ngày càng gắn bó giữa các nước, cân bằng vị thế với những khối thương mại khác trên thế giới, giảm bớt nỗi lo Nhật Bản thống lĩnh thị trường châu Á - Thái Bình Dương cũng như tạo đầu ra mới cho sản phẩm nông nghiệp và nguyên liệu ngoài thị trường châu Âu khi ấy.

Với lịch sử hình thành và phát triển gần 30 năm, APEC đã trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách tích cực và là một trong những diễn đàn quan trọng bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo số liệu từ website chính thức, APEC đại diện cho 2,8 tỷ người trên thế giới cũng như nắm giữ 59% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 49% thương mại toàn cầu trong năm 2015.

Nhờ nỗ lực từ các thành viên, GDP thực trên toàn APEC đã nâng từ 19 nghìn tỷ USD trong năm 1989 lên 42 nghìn tỷ vào năm 2015. Đồng thời, thu nhập bình quân của người dân châu Á - Thái Bình Dương cũng được cải thiện đến 74%, giúp hàng triệu người thoát cảnh nghèo túng và góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng tầng lớp trung lưu chỉ trong vòng 20 năm.

Sự thịnh vượng của APEC còn xuất phát từ vai trò to lớn của diễn đàn này trong việc giảm bớt rào cản thương mại, tinh giản thủ tục hải quan để dọn đường cho hàng hóa qua biên giới, thống nhất tiêu chuẩn và quy định giữa các nền kinh tế cũng như khiến toàn bộ khu vực xích lại gần nhau hơn.

Mức thuế trung bình đã giảm từ 17% trong năm 1989 xuống còn 5,2% vào năm 2012. Cũng trong thời gian đó, tổng thương mại của khu vực APEC đã tăng gấp 7 lần so, với 2/3 lượng giao dịch diễn ra giữa những nền kinh tế thành viên.

>>3 doanh nhân nổi tiếng thế giới sẽ có mặt tại APEC 2017

Thành tựu đạt được

Với mục tiêu thúc đẩy quá trình hội nhập của các nền kinh tế và khuyến khích thương mại trong khu vực, APEC đã đạt được những thành tựu đáng kể thông qua nhiều sáng kiến.

Năm 1994, đại diện các nền kinh tế đã cam kết hoàn thành “Mục tiêu Bogor” hướng tới tự do và mở cửa thương mại trong năm 2020 thông qua giảm rào cản mua bán thuộc khu vực, thúc đẩy tự do giao thương hàng hóa, dịch vụ và nguồn vốn giữa các thành viên. Với “Kế hoạch Hành động tạo thuận lợi cho Thương mại APEC” (APEC’s Trade Facilitation Action Plan), chi phí hàng hóa qua biên giới đã giảm mạnh, tiết kiệm cho cả khu vực 58,7 tỷ đô la Mỹ.

“Kế hoạch Đơn giản hóa hoạt động kinh doanh” (Ease of Doing Business Action Plan) vào năm 2009 cũng giúp đẩy mạnh tốc độ thành lập, xin cấp phép, giảm chi phí và dọn đường cho các hoạt động kinh doanh được diễn ra dễ dàng hơn. Hiện tại, APEC đứng đầu thế giới ở hạng mục cấp giấy phép xây dựng nhanh nhất khi thời gian cần thiết để xây phân xưởng hay văn phòng mới chỉ là 134 ngày so với 169 ngày vào 5 năm trước. Lượng thủ tục cần thiết để bắt đầu một doanh nghiệp cũng được cắt giảm tới 20,2% từ năm 2009.

Kể từ khi “Tiểu ban APEC về Hải quan và Thủ tục” (SCCP) đưa ra sáng kiến “Single Window” vào năm 2007, các thành viên đã trực tuyến hóa quy trình xuất nhập khẩu để đẩy nhanh tốc độ hàng hóa qua biên giới. Hệ thống ảo mang tên “Single Window” giúp kết nối tất cả những cơ quan chính phủ có liên quan trong quá trình xuất nhập khẩu và cho phép các công ty gửi tài liệu chỉ một lần từ bất cứ đâu.

Ngoài ra, APEC cũng khuyến khích các thành viên phát triển công nghệ sạch và năng lượng tái tạo qua việc giảm thuế cho những mặt hàng thân thiện với môi trường. Được biết, danh sách 54 mặt hàng năng lượng tái tạo được giảm thuế của APEC, từ pin mặt trời cho đến tua-bin gió, đạt tới 600 tỷ USD. Thêm vào đó, diễn đàn cũng giúp hoạch định và xây dựng các thành phố tiết kiệm năng lượng kiểu mẫu trên toàn châu Á - Thái Bình Dương.

Một thành công nữa của APEC phải kể đến là việc thành lập “Trung tâm Đổi mới SME” (APEC SME Innovation Center) nằm tại Hàn Quốc trong năm 2005 nhằm cải thiện mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua tư vấn kinh doanh trực tiếp. Thêm vào đó là việc xây dựng “Mạng lưới Tăng tốc Khởi nghiệp” (APEC Start-up Accelerator Network) vào năm 2013 để kích thích kinh doanh và sáng tạo bằng cách kết nối startup công nghệ với các cố vấn cũng như nhà đầu tư. Năm 2014, mạng lưới này đã tài trợ cho 6 startup tham gia và giành được giải thưởng cũng như vốn đầu tư mạo hiểm trong 2 cuộc thi “Intel Global Challenge” và “Diễn đàn Doanh nghiệp mới” của Siemens tại Silicon Valley, Hoa Kỳ.

APEC và Việt Nam

Đối với Việt Nam, đăng cai tổ chức APEC 2017 không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược và mong muốn nỗ lực mở rộng, làm sâu sắc hơn hợp tác của diễn đàn mà còn giúp nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Nhằm thể hiện chủ đề Năm APEC 2017 và tiếp nối các ưu tiên của Peru, chủ nhà APEC 2016, Việt Nam đã lựa chọn 4 ưu tiên:

1. Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm
2. Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng
3. Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số
4. Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Trong bài phát biểu về vai trò chủ nhà APEC, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nói: “Việc nước ta đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về tương lai châu Á - Thái Bình Dương.

“Với các hoạt động phong phú, đa dạng của APEC được tổ chức trên phạm vi cả nước, chúng ta sẽ có thêm cơ hội quý báu để nâng cao năng lực hội nhập của các địa phương và doanh nghiệp, góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền”.

Còn Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, khi trả lời phỏng vấn đã nhấn mạnh rằng việc tham gia APEC góp phần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương của Việt Nam, góp phần củng cố môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển. Đến nay, trong tổng số 25 đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam, có 13 đối tác là thành viên APEC.

Cùng với đó, việc tham gia APEC góp phần nâng cao nội lực của đất nước, thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam với các đối tác APEC. APEC hiện chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 79% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Với sự tham gia của khoảng 10.000 đại biểu quốc tế, tuần lễ cấp cao của hội nghị là cơ hội vàng để TP. Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung quảng bá hình ảnh của đất nước với các doanh nghiệp và tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng như các ngành kinh tế khác.

>>VN – hơn một thập niên đóng góp tích cực vào APEC

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
APEC 2017 - tương lai chung cho 21 nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO