Ông Võ Hữu Hiển - Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại |
* Trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp, ông nhận xét thế nào về áp lực nợ công?
- Áp lực nợ công đã giảm rất nhiều, từ 63,7% năm 2016 xuống còn khoảng 55% GDP cuối năm 2019. Đây chính là dư địa tài khóa giúp nền kinh tế chống chọi được với những cú sốc như đại dịch Covid-19 mà không gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách. Chúng tôi dự kiến nợ công có thể lên khoảng 57- 58% GDP cuối năm 2020. Như vậy, việc bồi đắp hiệu quả dư địa tài khóa đã tích lũy trong những năm đầu giai đoạn đã đảm bảo các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2020 trong giới hạn an toàn được Quốc hội cho phép là 65% GDP.
* Bộ Tài chính tính toán thế nào về các khoản nợ đến hạn của Chính phủ?
- Đến nay, gánh nặng nợ so với GDP đã giảm so với những năm đầu giai đoạn 2016-2020. Nhưng xu hướng giảm nợ công cũng phản ánh tiến độ giải ngân chậm vốn đầu tư công, trong đó có vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Việc này làm hạn chế đóng góp cho tăng trưởng từ nguồn vốn vay, ngân sách vẫn phải chịu chi phí cam kết đối với các khoản vay đã ký kết mà chưa giải ngân. Trong khi đó, áp lực trả nợ đang ngày càng lớn. Đến nay, Việt Nam đã ký kết trên 85 tỷ USD vốn ODA, vốn ưu đãi, với điều kiện vay tương đối thuận lợi, thời gian đáo hạn bình quân 13,8 năm, lãi suất bình quân gia quyền 1,35%.
Năm 2020, khả năng thu ngân sách nhà nước không đạt mục tiêu đặt ra sẽ gây áp lực lên chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ so với thu ngân sách nhà nước trong những năm gần đây, tiến rất sát ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016-2020. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2019 ước khoảng gần 18%, cao hơn khá nhiều so với mức 15,8% cuối năm 2016. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ tập trung cao vào những năm đầu và cuối giai đoạn 2021-2025, có những năm có thể vượt ngưỡng 25%.
* Nếu tăng tỷ lệ nợ công thêm từ 2-3% GDP, theo ông sẽ tác động thế nào đến khả năng trả nợ?
- Tăng vay vốn thêm 2-3% GDP, theo tính toán của chúng tôi, khả năng các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép. Kế hoạch vay của Chính phủ năm 2020 là 501 nghìn tỷ đồng, trong đó vay trong nước 394 nghìn tỷ đồng và vay nước ngoài 107 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, phương án vay bổ sung 2-3% GDP trong năm 2020, tương ứng với 180-240 nghìn tỷ đồng - trên cơ sở GDP đánh giá lại - so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cũng sẽ là thách thức không nhỏ. Thứ nhất, tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài từ đầu năm đến nay còn rất chậm, việc thực hiện 100% kế hoạch vốn trong năm đã được Quốc hội, Chính phủ giao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn.
Hiện còn trên 10 tỷ USD các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã ký kết, cần ưu tiên giải ngân ngay trong năm này cũng như giai đoạn tới theo đúng cam kết với các nhà tài trợ. Việc huy động vốn vay nước ngoài cho những dự án mới đòi hỏi thời gian chuẩn bị dài, có thể lên tới vài ba năm, do nhiều thủ tục phải thực hiện trước khi có thể hoàn thành đàm phán, ký kết và giải ngân. Nếu huy động vốn vay nước ngoài để hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách có thể triển khai nhanh hơn, nhưng thông thường các khoản vay này có quy mô nhỏ và kèm theo ràng buộc chính sách.
Thứ hai, khả năng hấp thụ vốn của thị trường trái phiếu Chính phủ còn hạn chế. Việc phát hành thêm khối lượng vốn lớn sẽ dẫn đến nguy cơ gây áp lực gia tăng chi phí vay vốn của Chính phủ, hoặc dẫn đến rủi ro tái cấp vốn trong những năm sau trong trường hợp phải phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn để đáp ứng nhu cầu vay tăng cao.
Việc huy động các nguồn vay mới, bao gồm cả các khoản hỗ trợ khắc phục đại dịch cần được thẩm định, lựa chọn kỹ về tính hiệu quả, so sánh chi phí - lợi ích để đảm bảo khả năng trả nợ trong trung, dài hạn trước khi quyết định vay. Trường hợp Quốc hội phê duyệt điều chỉnh tăng tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm 2020, cần tính đến việc huy động từ các quỹ dự trữ tài chính trong nước, từ ngân quỹ nhà nước, cũng có thể phải tính đến phương án phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế. Đồng thời, cũng cần đa dạng hóa các nguồn lực khác như tranh thủ nguồn viện trợ, đầu tư trực tiếp nước ngoài để giảm áp lực lên nợ công.
* Như ông nói, có thể phải nâng trần nợ công cho giai đoạn tới?
- Trong năm 2021, Quốc hội sẽ xem xét, phê duyệt các chỉ tiêu an toàn nợ công trong giai đoạn 2021-2025, việc tính toán, đề xuất trần nợ công để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt trong giai đoạn tới sẽ được cân nhắc kỹ để đảm bảo mục tiêu giữ vững an ninh tài chính quốc gia, bền vững nợ.
* Cảm ơn ông!