Thông tin tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 - năm 2022 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua những thách thức" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ tổ chức ngày 17/12/2022 cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 có thể đạt 8-8,2%, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Trong 11 tháng năm 2022, số liệu thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả nước đạt gần 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2021, xuất nhập khẩu hàng hóa đã cán mốc 700 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu khoảng 10,6 tỷ USD, chỉ số công nghiệp tăng 8,6%, thành lập 137.000 doanh nghiệp và khoảng 57.000 doanh nghiệp sau thời gian tạm ngừng đã quay lại hoạt động, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến cả năm 2022 hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2022 cao, song tính chung hai năm 2021 và 2022, GDP bình quân chỉ tăng khoảng 5,2%, do chịu nhiều tác động từ biến động địa - chính trị, kinh tế toàn cầu suy giảm, đại dịch Covid-19, cũng như những hạn chế nội tại của nền kinh tế. Do đó, cần có các giải pháp tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức cao. Một trong những giải pháp được xác định là các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, hiệu quả chưa cao. Nhìn lại 5 năm vừa qua, giải ngân vốn đầu tư công khá bấp bênh, năm 2017 đạt 73%, năm 2018 giảm xuống 66%, năm 2020 tăng lên khoảng 82%, 11 tháng năm 2022 mới chỉ đạt khoảng 58%. Nhiều khoản vốn đầu tư phải đi vay, giải ngân chậm đã làm tăng chi phí cơ hội và làm lãng phí nguồn lực của đất nước.
Thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến các dự án đầu tư công còn bất cập vẫn là nguyên nhân chính cản trở giải ngân vốn đầu tư công. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp được khoảng 20 vấn đề cản trở vốn đầu tư công trong năm 2022, thuộc ba nhóm nội dung chính đó là thể chế, chính sách, pháp luật; tổ chức triển khai thực hiện; những khó khăn liên quan đến những vấn đề đặc thù trong năm 2022. Trong nhóm thứ ba, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra có tới 39 vấn đề liên quan đến 7 lĩnh vực, bao gồm đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản.
Chỉ còn ít ngày nữa sẽ kết thúc niên độ ngân sách năm 2022, các bộ, ngành trung ương và địa phương nếu không thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ giao, thì rất khó cải thiện tỷ lệ giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư công ở mức cao trong năm 2022.
Theo kế hoạch đã được Quốc hội thông qua, vốn đầu tư công năm 2023 sẽ được bổ sung thêm 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với năm 2022, với tổng khối lượng vốn khoảng trên 700.000 tỷ đồng. Quốc hội đã yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là rất lớn.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện pháp luật liên quan đến các dự án đầu tư công, sửa đổi ngay các quy định vướng mắc, bất cập phát hiện trong năm 2022, đồng thời khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công của năm 2023 cho các dự án cần đầu tư trước ngày 31/12/2022 để triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả ngay từ những ngày đầu tháng đầu của năm 2023.
Ông Trần Quốc Phương cho rằng, trong đầu tư công, cần phân rõ, xác định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện, kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả giải ngân, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm.f
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, cùng một thể chế, chính sách, pháp luật, có những địa phương, bộ, ngành giải ngân đầu tư công khá tốt, nhưng một số bộ, ngành, địa phương thì chậm. Điều đó cho thấy, ngoài tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật, thì khâu tổ chức triển khai cần đề cao trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc... của người đứng đầu. Bởi thực tiễn đã cho thấy, ở đâu người đứng đầu quan tâm, sâu sáft, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, thì ở nơi đó giải ngân vốn đầu tư công cao hơn, hiệu quả hơn.
Qua 11 tháng năm 2022, một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao là Thanh tra Chính phủ (đạt 100% vốn kế hoạch), Ngân hàng Nhà nước (đạt 84%), tỉnh Quảng Ngãi (83%), Tiền Giang (82%), Bình Định (81%)... Đến nay vẫn còn 12 bộ, 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn 30%. |