Tại dự thảo phương án giá điện mặt trời sau ngày 30/6/2019 đang được Bộ Công Thương hoàn thiện, Bộ đã đưa ra phương án giá mua điện với điện mặt trời trên mái nhà do các cá nhân, tổ chức lắp đặt một mức giá 9,35 cent (tương đương 2.086 đồng/kWh). Mức giá này được đề nghị áp dụng cho đến hết năm 2021.
Lý do đề xuất áp dụng một giá cho các dự án điện mặt trời mái nhà trong ba năm tới, Bộ Công Thương cho rằng, các dự án đầu tư hình thức này mất ít thời gian thi công, không cần phát triển hệ thống truyền tải, tiết kiệm đất. Ba năm qua đã có hơn 4.000 khách hàng lắp điện mặt trời áp mái, tổng công suất 45MW.
Tại phương án giá điện mặt trời sau ngày 30/6/2019, Bộ Công Thương cũng bổ sung phương án chia hai vùng giá, bên cạnh phương án chia bốn vùng như dự thảo ban đầu của Bộ vào tháng 5/2019.
Theo cách chia hai vùng, giá điện mặt trời mái nhà cao nhất tại vùng một là 8,38 cent/kWh (khoảng 1.916 đồng); thấp nhất 7,09 cent (tương đương 1.758 đồng) với dự án điện mặt trời mặt đất. Tương tự, các mức giá tại vùng hai (6 tỉnh có bức xạ tốt như Bình Thuận, Ninh Thuận...) lần lượt là 7,89 cent (khoảng 1.803 đồng) và 6,67 cent (1.525 đồng) mỗi kWh.
Dù bổ sung thêm phương án chia giá mua điện mặt trời thành hai vùng như nói ở trên, nhưng Bộ Công Thương vẫn kiến nghị Chính phủ giữ nguyên phương án chia bốn vùng phát triển điện mặt trời với các mức giá tương ứng loại hình đầu tư (điện mặt trời mặt đất, áp mái, nổi...). Cụ thể là vùng 1 (vùng ít tiềm năng nhất, tập trung ở các tỉnh phía bắc) có mức giá cao nhất (2.102 đồng/kWh); vùng 2 (1.809 đồng/kWh); vùng 3 (1.620 đồng/kWh). Đặc biệt, vùng 4 vốn là vùng có tiềm năng cao nhất (Ninh Thuận, Bình Thuận... ) có mức giá thấp nhất là 1.525 đồng/kWh (mức giá này thấp hơn nhiều con số 2.086 đồng/kWh mà các dự án vận hành trước tháng 7/2019 được hưởng).
Lý do được Bộ Công Thương đưa ra là, việc phân thành hai vùng sẽ không đủ khuyến khích trong thu hút đầu tư phát triển điện mặt trời tại các tỉnh miền Bắc và Trung. Bộ Công Thương cho rằng các dự án điện mặt trời vẫn tập trung nhiều ở các khu vực tiềm năng bức xạ tốt (Bình Thuận, Ninh Thuận... ), nên có nguy cơ quá tải lưới truyền tải. "Các dự án điện mặt trời chỉ tập trung tại một vùng nên khả năng vận hành điều độ hệ thống sẽ khó khăn hơn", Bộ Công Thương cho biết.
Số liệu mới nhất cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến ngày 31/5/2019, đã có 50 nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 2.481,4MW với sản lượng đã phát trong tháng 5 là 185,33 triệu kWh.
Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, chỉ trong 3 tháng 4-5- 6/2019, dự kiến có tới 88 nhà máy điện mặt trời đóng điện hòa lưới nếu đủ điều kiện vận hành theo quy định. Đây là một kỷ lục trong lịch sử ngành điện lực Việt Nam. Đến nay, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã chuẩn bị các phương án thi công đấu nối và thử nghiệm các nhà máy điện mặt trời; chuẩn bị nguồn dự phòng riêng cho miền Trung và miền Nam tùy theo khả năng của các dự án năng lượng tái tạo; có chế độ vận hành phù hợp các đường dây 500kV, giám sát chất lượng điện năng... đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện.