Sẽ không ăn thịt bò?

ANH NGUYỄN| 18/09/2009 01:17

Có thể món thịt bò sẽ không có trong bàn tiệc sau cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi thời tiết, khí hậu diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York vào ngày 22/9 tới đây.

Sẽ không ăn thịt bò?

Có thể món thịt bò sẽ không có trong bàn tiệc sau cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi thời tiết, khí hậu diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York vào ngày 22/9 tới đây. Và có thể thịt bò lại càng vắng mặt ở một cuộc họp quan trọng khác cùng chủ đề sẽ diễn ra tại Copenhagen vào tháng 12/2009.

Vì ngoài các nhà máy công nghiệp, công cụ vận chuyển, nhà ở... ra thì bò cũng là một tác nhân gây biến đổi khí hậu địa cầu. Loài nhai lại này xả ra một lượng lớn khí methane tỏa nhiệt nhiều hơn cả khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính đáng sợ. Theo các nhà khoa học, trung bình mỗi năm một con bò dòng Holstein sản xuất 180kg methane chứa lượng nhiệt 25 lần cao hơn carbon dioxide.

Từ năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu thuộc Liên Hiệp Quốc kêu gọi cư dân địa cầu mỗi tuần có một ngày không ăn thịt bò. Từ đó, đã có ngày “thứ Hai không thịt” được áp dụng ở một số nước. Paul McCartney, cựu thành viên The Beatles lâu nay là một “tín đồ” của trường phái ăn rau đã nổi tiếng hơn với phát biểu “Bất cứ ai muốn cứu hành tinh địa cầu thì chỉ cần thôi ăn thịt”.
Nhưng từ năm 1960, sản lượng thịt toàn cầu đã tăng gấp bốn lần, đạt hơn 280 triệu tấn/năm. Và dù cho người dân ở các nước phát triển không ăn thịt bò đi nữa thì sản lượng thịt thế giới vẫn tiếp tục gia tăng, vì người dân ở các nước đang phát triển và mới trỗi dậy có điều kiện tiêu thụ nhiều thịt đỏ hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng tàn phá môi trường, vì để có được một ký lô thịt, người ta cần một diện tích đất bảy lần nhiều hơn sản xuất một ký thịt gà và 15 lần nhiều hơn sản xuất một ký thịt heo.

Hiện nay Mỹ, Brazil, Nhật và Trung Quốc là bốn nước tiêu thụ nhiều thịt bò nhất thế giới. Úc, Brazil, Argentina, Canada là bốn nước xuất khẩu nhiều thịt bò nhất. Chăn nuôi bò cũng đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế các nước Uruguay, Nicaragua, Nga và Mexico. Và thịt bò là nguồn dinh dưỡng quan trọng, khoái khẩu của người dân ở nhiều nước trên thế giới.

Để có đất chuyên canh thức ăn cần thiết vỗ béo cho đàn bò lấy thịt xuất khẩu mà Brazil đã phát quang những khoảng xanh rộng lớn của rừng già Amazon với hệ quả Brazil hiện là nước xả khí thải lớn hàng thứ tư thế giới. Người Brazil ngày nay tiêu thụ 89kg thịt đỏ và gia cầm/năm, tức gần ba lần nhiều hơn cách nay 15 năm. Người Trung Quốc bây giờ ăn lượng thịt 2,5 lần nhiều hơn cách nay gần 20 năm. Lượng thịt bò tiêu thụ ở Ấn Độ đã tăng 36% trong thập niên qua và lượng thịt tiêu thụ ở các nước nghèo cũng tăng hơn 5% mỗi năm.
Để trở thành cư dân địa cầu góp phần giảm thiểu khí nóng gây biến đổi khí hậu, có lẽ mọi người nên bắt chước người Ấn Độ theo đạo Hindu (Ấn giáo) lâu nay không ăn thịt bò. Hoặc chí ít thì kiêng ăn thịt bò như nhiều tín hữu Kytô giáo La Mã vẫn mỗi năm mỗi làm trong 40 ngày mùa chay.

Vì còn lâu lắm các nghiên cứu khoa học trực tiếp can thiệp vào chuỗi di truyền DNA của loài động vật nhai lại này để chúng tiêu hóa tốt hơn và qua đó giảm ít khí methane hơn mới có kết quả mong đợi. Để có lý do giảm sở thích thưởng thức món bò bít tết ăn với khoai chiên, có lẽ mọi người cần nhớ lại kết quả cuộc nghiên cứu khoa học năm 2007 tiến hành bởi Quỹ Nghiên cứu ung thư Thế giới: mỗi tuần chỉ nên ăn dưới 500g thịt đỏ vì thịt đỏ và thịt qua xử lý là nguyên nhân gây ung thư ruột.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sẽ không ăn thịt bò?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO