Chè sen nhãn lồng: Đặc sản tiến vua

Nguyễn Hưng| 25/07/2021 03:00

Chè long nhãn hạt sen ở đâu cũng có. Nhưng chè long nhãn hạt sen từ nhãn lồng Hưng Yên vẫn nức tiếng hơn cả, là đặc sản tiến vua một thời.

Chè sen nhãn lồng: Đặc sản tiến vua

Ở chùa Hiến (thành phố Hưng Yên) có cây nhãn cổ thụ, dân trong vùng gọi là cây nhãn tổ. Tương truyền rằng, xưa kia có vị quan đi tuần ngang qua vào đúng mùa nhãn chín, ngài ăn thử thấy hương thơm, vị ngọt khiến mê mẩn tâm hồn. Biết đây là sản vật quý, ngài liền đem tiến vua. Tin đồn nhãn lồng Hưng Yên từ đó bay xa khắp kinh thành.

Từ đó, cứ vào đầu Thu, người dân lại đem nhãn tiến vua, nên nhãn lồng Hưng Yên còn được gọi là nhãn tiến vua. Vào thế kỷ XVI-XVII, sản vật quý giá ấy còn theo chân các thương lái đến xứ sở Nhật Bản với số lượng lớn. 

Hưng Yên đang bắt đầu vụ nhãn mới. Thời tiết thuận lợi nhãn được mùa. Tháng 7, 8 đang là mùa nhãn chín rộ, tháng 9 là mùa nhãn muộn. Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, vỏ màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước. Bóc lớp vỏ mỏng láng, để lộ lớp cùi dày trắng ngà. Đưa vào miệng nếm có vị ngọt thơm, giòn dai. Bên trong là hạt nhỏ đen nháy. Mùi hương của nhãn lồng Hưng Yên cũng rất đặc trưng,  nhẹ nhàng, tinh khiết, dịu mát. Đến Hưng Yên mùa này, đi trên đường ai cũng có thể chạm tay vào những chùm nhãn bóng mịn, nặng trĩu. Hưng Yên như một vương quốc nhãn lồng với hàng nghìn cây trĩu quả. Từng trái nhãn, vị nhãn đều đậm đà hương vị khó quên, không thể trộn lẫn với bất cứ nơi đâu...

Theo sách y học, nhãn có rất nhiều công dụng và từ quả nhãn có thể chế được nhiều món ăn bổ dưỡng. Một trong số đó là chè hạt sen long nhãn. Đây là món giải nhiệt rất tốt. Hạt sen được biết đến với công dụng an thần và hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ. Trong khi đó, nhãn rất tốt cho hệ thần kinh. Vì thế, khi kết hợp hai loại quả này càng làm tăng công dụng của chúng. Cùng xuống bếp học nấu chè sen nhãn lồng thanh mát cho mọi người thưởng thức.

ol-sen-6037-1625925597.jpg

Nhãn lồng bóc bỏ vỏ, sau đó dùng mũi nhọn của dao để tách hạt nhãn sao cho không làm rách miệng nhãn, để còn có thể cho hạt sen vào giữa được. Hạt sen tươi tách tim sen ra khỏi hạt để không bị đắng rồi rửa sạch và để ráo.  Đậu xanh ngâm trong nước ấm khoảng 10 phút để loại bỏ những hạt đậu hỏng nổi lên trên. Sau đó, vớt hết phần đậu còn lại ra và để cho ráo nước.

Cho đậu xanh vào 800ml nước và đun sôi trong 10 phút, sau đó cho hạt sen vào đun tiếp khoảng 25 phút nữa (nếu dùng hạt sen khô để nấu thì cho cả hai vào nấu cùng một lúc). Khi thấy đậu xanh và hạt sen đều đã mềm, cho đường vào rồi tiếp tục đun sôi khoảng 10 phút nữa để đường ngấm vào hạt sen. Nhấc nồi xuống và vớt hạt sen ra để nguội rồi cho hạt sen vào trong phần cùi nhãn đã được tách hạt. Phần hạt sen còn thừa lại thả vào nồi. Thả cùi nhãn đã lồng hạt sen vào nồi và đun khoảng 3 phút là được. Có thể cho thêm một chút bột thơm vani hoặc hoa nhài khô vào nước chè để tăng thêm độ hấp dẫn.

Chè sen nhãn lồng trong suốt, gợi cảm giác thuần khiết. Khi múc từng muỗng chè phải ăn thật chậm rãi mới thấy được hương vị ngon lành của món chè một thời chỉ được tiến vào cung cho vua thưởng thức. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chè sen nhãn lồng: Đặc sản tiến vua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO