Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành từ đầu năm 2016, khi đó, nhiều dòng thuế sẽ được lùi về 0%, sự dịch chuyển lao động thuận lợi hơn, giao thương, đầu tư từ các quốc gia trong khu vực vào Việt Nam sẽ càng tăng.
Ngày 22/11, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc thành lập Cộng đồng ASEAN, với sự chứng kiến của lãnh đạo các nước đối tác, đối thoại của ASEAN và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột chính gồm Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội sẽ giúp khu vực hội nhập sâu rộng hơn, cạnh tranh hiệu quả hơn và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN.
Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 tháng của năm 2015, trong nhóm 10 quốc gia dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, thì khu vực ASEAN có sự góp mặt của Malaysia với vị trí thứ 2 (tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 2,53 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn FDI đăng ký) và Singapore đứng thứ 8 với 144 dự án cấp mới lẫn tăng thêm vốn đầu tư (999,7 triệu USD).
Lũy kế đến tháng 10/2015, trong tổng số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Singapore đang đứng thứ 3 với 1.469 cơ sở và tổng vốn đăng ký 33,9 tỷ USD, Malaysia xếp thứ 7 (510 cơ sở và vốn đạt 13,35 tỷ USD) và Thái Lan ở vị trí thứ 10 (406 cơ sở và vốn 7 tỷ USD).
Bên cạnh ba quốc gia này, Việt Nam cũng đã thu hút các nhà đầu tư đến từ 4 quốc gia khác trong khu vực là Brunei, Philippines, Lào và Campuchia.
Như vậy, tính đến nay, các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN đã có 2.659 cơ sở đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 56,4 tỷ USD, chiếm gần 14% về số lượng cơ sở và 20,7% vốn đầu tư trên tổng số 19.448 cơ sở đầu tư và 271,7 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.
Xét về lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN tham gia vào nhiều lĩnh vực, từ điện, nước, bất động sản (nhà ở, khu công nghiệp), F&B (thức uống và thực phẩm), sản xuất nói chung.
Điển hình như trong 10 tháng năm 2015, Nhà máy Điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD do Công ty Janakuasa Sdn - Bhd (Malaysia) tại Trà Vinh đã giúp tỉnh này vươn lên vị trí thứ 3 (sau Bắc Ninh và TP.HCM) về thu hút FDI. Trong khi các nhà đầu tư từ Singapore lại tiếp tục giải ngân vốn vào bất động sản.
Về vấn đề này, Savills Việt Nam nhìn nhận, quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và AEC, trong đó, Việt Nam và Singapore là thành viên, tạo điều kiện cho các cơ hội đầu tư song phương.
Điển hình như Tập đoàn Sembcorp, Singapore (thuộc Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore - VSIP), sau khi triển khai thành công giai đoạn I KCN VSIP Quảng Ngãi (năm 2013), tháng 8 vừa rồi, nhà đầu tư này đã tiếp tục triển khai giai đoạn II, nhằm đón đầu dòng đầu tư ngoại do tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tính đến nay, cùng với VSIP Quảng Ngãi, Công ty Liên doanh VSIP đã triển khai 6 dự án khác tại Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Nghệ An với tổng diện tích quỹ đất đang quy hoạch và phát triển lên đến 6.000ha.
Ngoài Sembcorp, các nhà đầu tư Singapore khác như Mapletree, Famed Banyan Tree,... cũng đã công bố các khoản đầu tư mới vào KCN, văn phòng và căn hộ trong thời gian tới.
Nói về dòng vốn đầu tư từ các nước ASEAN vào Việt Nam, giám đốc điều hành một doanh nghiệp dệt may trong nước cho rằng, nguồn nguyên phụ liệu dệt may từ khu vực ASEAN khá dồi dào, khi AEC hình thành, thuế (nhập khẩu máy móc...), thủ tục hành chính trong khối sẽ dễ dàng hơn với doanh nghiệp (vì hình thành thị trường chung) cho nên các nhà đầu tư trong khối sẽ tiếp tục dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ và đặc biệt là đón đầu cơ hội về lợi thế thương mại khi TPP có hiệu lực thi hành.
>Chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN
>ASEAN - Thành công đang bị trì hoãn
>Tổng thống Obama đề nghị các nước ASEAN tham gia TPP