5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2022

HT| 01/06/2022 06:00

Loạt chính sách liên quan đến việc cấp hộ chiếu, hóa đơn điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp, công tác cán bộ... sẽ bắt đầu được áp dụng kể từ tháng 6.

5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2022

Cấp hộ chiếu qua mạng

Theo thông tin từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông (không gắn chip điện tử) trực tuyến cho công dân trên cổng dịch vụ công của Bộ Công an sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/6/2022. Trước đó, dịch vụ này đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội từ ngày 15/5/2022.

Người dân có thể đăng nhập vào cổng dịch vụ công của Bộ Công an để đăng ký hồ sơ, thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hộ chiếu qua bưu điện hoặc đến nhận trực tiếp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khi có kết quả. Đồng thời, chính sách giảm lệ phí làm hộ chiếu cũng được áp dụng đến hết ngày 30/6/2022.

Áp dụng hóa đơn điện tử

Từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Hiện nay, 63 tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Tổng cục Thuế cho biết, kế hoạch triển khai đến ngày 10/5/2022 hoàn thành tối thiểu 50%; đến ngày 31/5/2022 hoàn thành 90% và hết ngày 30/6/2022 toàn ngành sẽ đạt 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Việc áp dụng hóa đơn điện tử cung cấp nhiều lợi ích như giúp người sử dụng hóa đơn và người nhận hóa đơn tiết kiệm chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính; giảm thiểu rủi ro trong quá trình sử dụng, tránh thất thoát, cháy hỏng hóa đơn; giúp doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng số hóa, cơ quan nhà nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số… Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 19/10/2020 thì vẫn được tiếp tục sử dụng hóa đơn đó đến hết ngày 30/6/2022.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

Theo Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT (có hiệu lực từ ngày 25/6/2022) hướng dẫn Nghị định 80/2021/NĐ-CP, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các hoạt động sau:

- Học viên của doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài được hỗ trợ bao gồm: Học phí, tài liệu, ăn, ở, đi lại (bao gồm vé máy bay).

- Doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử sẽ được hỗ trợ:

+ Đối với sàn thương mại điện tử trong nước: Phí thanh toán, phí cố định và phí dịch vụ người bán phải trả cho sàn thương mại điện tử.

+ Đối với sàn thương mại điện tử quốc tế: Phí tài khoản người bán, phí giới thiệu, phí hoàn thiện đơn hàng, phí lưu kho, chi phí đăng ký mã vạch sản phẩm, chi phí thiết kế và chụp ảnh sản phẩm, chi phí quảng cáo trên sàn thương mại điện tử.

- Doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ phí, lệ phí tham gia cuộc thi; ăn, ở tại nước sở tại; đi lại (bao gồm vé máy bay); vận chuyển tài liệu, sản phẩm, trang thiết bị phục vụ tham gia cuộc thi.

Cắt giảm chứng chỉ không cần thiết

Nhằm cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng không phù hợp đối với viên chức ngành y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-BYT sửa đổi quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế. Thông tư 03/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 10/6/2022, sửa đổi quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế. Trong đó, bỏ điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.

Việc bỏ chứng chỉ áp dụng cho viên chức là bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ làm việc trong các cơ sở y tế công lập; viên chức y tế công cộng làm việc trong các cơ sở y tế công lập; viên chức điều dưỡng, viên chức hộ sinh, viên chức kỹ thuật y làm việc trong các cơ sở y tế công lập; viên chức dược làm việc trong các cơ sở y tế công lập; viên chức dinh dưỡng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức dân số làm việc trong các đơn vị sự nghiệp dân số, y tế công lập. Thông tư 03/2022/TT-BYT chỉ yêu cầu các viên chức chuyên ngành y tế có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số khi công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu. 

Tăng thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác cán bộ

Có hiệu lực từ ngày 1/6/2022, Thông tư số 3/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ đã điều chỉnh lại quy định về thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương. Theo đó, công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương sẽ phải chuyển đổi vị công tác trong thời hạn từ đủ 3-5 năm. Hiện nay thời hạn này đang được áp dụng theo Quyết định 05/2008/QĐ-BNV với thời gian quy định là đủ 3 năm (tức đủ 36 tháng).

Bên cạnh đó, Thông tư số 3/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ cũng liệt kê cụ thể 8 vị trí công tác tổ chức cán bộ phải thực hiện định kỳ chuyển đổi bao gồm: thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức; thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế; thẩm định các đề án thành lập mới, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, tổ chức phi chính phủ, hội nghề nghiệp; thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính các cấp; thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật; phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo; quản lý, thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO