5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2020

HT| 01/11/2020 02:00

Dưới đây là một loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2020 liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập…

5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2020

Phạt đến 200 triệu đồng vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Nghị định số 117/2020 ban hành ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính  trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11/2020. Nghị định quy định, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về dân số là 30 triệu đồng đối với cá nhân và 60 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế là 75 triệu đồng đối với cá nhân và 150 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Lôi kéo người khác uống rượu, bia bị phạt đến 1 triệu

Đây cũng là nội dung tại Nghị định 117/2020 của Chính phủ về các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và có hiệu lực từ ngày 15/11/2020. Trong đó, Nghị định 117 quy định phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng với một trong các hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia; uống rượu, bia tại địa điểm cấm uống rượu, bia.

Ngoài ra, Nghị định 117 cũng quy định cá nhân có thể bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng nếu uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia; bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi…

Học sinh cấp 2-3 được dùng điện thoại trong giờ học

Thông tư 32/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung học phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực từ ngày 1/11/2020. Thay vì cấm tuyệt đối như trước đây, điều lệ này quy định học sinh cấp 2, cấp 3 được phép sử dụng điện thoại trong giờ để phục vụ cho việc học tập và phải được giáo viên cho phép. Ngoài ra, giáo viên cũng không còn cấm bị sử dụng điện thoại khi đang giảng dạy trên lớp.

Cũng theo Thông tư 32, giáo viên sẽ không được phép xuyên tạc nội dung dạy học, giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, sai với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước. Đáng chú ý, giáo viên, nhân viên giáo dục không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tài sản.

Việc đánh giá học sinh phải chú trọng đánh giá quá trình học tập của học sinh; đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau nhưng không so sánh học sinh này với học sinh khác và không gây áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Giáo viên mầm non được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng

Từ ngày 1/11/2020, Nghị định 105/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non chính thức có hiệu lực. Nghị định quy định, giáo viên mầm non tại các trường dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng.

Điều kiện để được hỗ trợ bao gồm: có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non; có hợp đồng lao động với người đại diện trường; trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân tại khu công nghiệp.

Cũng theo Nghị định 105/2020, chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được phê duyệt ở các trường mầm non công lập sẽ được hưởng chế độ như viên chức (hạng IV) đến hết năm 2021.

Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định 106 ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 15/11/2020. Theo đó, Nghị định áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an), cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chính phủ yêu cầu chậm nhất đến hết ngày 30/6/2021, bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO