Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, kinh tế thành phố trong năm 2021 diễn ra giữa lúc đà tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu bị đe dọa do tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, các chuỗi cung ứng và các liên kết sản xuất bị gián đoạn do ách tắc giao thông cùng với tình trạng thiếu hụt lao động; giá năng lượng, giá nguyên vật liệu tăng gây áp lực lớn đến lạm phát.
Cục Thống kê TP.HCM công bố tình hình kinh tế - xã hội thành phố ghi nhận cả năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước đạt xấp xỉ 1,299 triệu tỉ đồng (theo giá hiện hành), giảm 6,78% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là mức giảm sâu nhất trong lịch sử. Trong khi CPI bình quân năm 2021 tăng 2,36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo UBND TP.HCM, kinh tế thành phố phục hồi rõ nét nhất khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Qua gần hai tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, tình hình dịch bệnh tại thành phố cơ bản được kiểm soát. Đặc biệt, tình hình kinh tế - xã hội bắt đầu khởi sắc trở lại với nhiều điểm sáng, như tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 381.531 tỷ đồng, vượt gần 4,6% dự toán, tăng gần 3% so với cùng kỳ.
Số dự án có vốn nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư tuy giảm hơn 1/3 số lượng dự án, nhưng tăng 7,7% về quy mô vốn; số lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư giảm về số lượt (giảm 28,8%) nhưng vốn điều chỉnh tăng gấp đôi. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh có khả năng chuyển đổi số kịp thời, phù hợp với trạng thái “bình thường mới” vẫn giữ nhịp tăng trưởng ổn định như: thông tin và truyền thông tăng 6,08%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,16%, dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 3,8%, giáo dục và đào tạo tăng 3,12%, y tế và cứu trợ xã hội tăng 28,68%.
Để thành phố trở lại vị trí, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước, TP.HCM cần tập trung giải quyết tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh. Không chủ quan, lơ là; cách ly có chọn lọc, linh hoạt, thích ứng với trạng thái bình thường mới; nâng cao năng lực xét nghiệm tại các cửa khẩu sân bay, bến cảng cùng với năng lực điều trị bệnh Covid-19, năng lực tiêm chủng tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Xác định việc tiêm ngừa sớm, đầy đủ cho người dân là điều kiện để hồi phục kinh tế.
Thứ hai, huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị. Thực hiện các chính sách giảm, giãn thuế; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để duy trì hoạt động của doanh nghiệp nhằm tạo việc làm và thu nhập tối thiểu cho người lao động.
Thứ ba, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trước mắt, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả các hoạt động hành chính của cơ quan Nhà nước, nhất là những nơi thực hiện dịch vụ hành chính công - xem đây là nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân, từ đó thay đổi tư duy quản lý, phương pháp quản trị điều hành trong toàn xã hội. Tranh thủ thời cơ đẩy nhanh việc số hóa dữ liệu ở tất cả cơ quan, nhất là dữ liệu dân cư, dữ liệu doanh nghiệp. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, tài chính, giáo dục, y tế…