Từng làm việc tại hơn 70 quốc gia với những doanh nghiệp lớn như Citigroup, World Bank, Paolo Gallo hiện là cố vấn cấp cao cho Chủ tịch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ông cũng là cây bút cộng tác với những trang tin nổi tiếng như Forbes, Havard Business Review tại Ý... về các chủ đề liên quan đến phát triển cá nhân và văn hóa tổ chức.
Trước khi đạt đến thành công như hiện tại, Paolo Gallo đã từng trải qua giai đoạn khủng hoảng, đánh mất cả sự nghiệp và đời sống riêng. Khi đó, ba câu hỏi của cha ông đã trở thành "chiếc la bàn" định hướng cho ông đi tiếp. Trong bài viết chia sẻ trên trang tin của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Paolo Gallo chia sẻ ba câu hỏi đã thay đổi cuộc đời này.
Ba câu hỏi lớn trong đời
Cha tôi đã tuyên bố với hai chị em sinh đôi chúng tôi rằng ông ấy chắc chắn sẽ có mặt vào ngày đầu tiên chúng tôi đến trường. Khi ấy, cha đang làm việc tại Sao Paulo, Brazil và chỉ trở về Milan (Ý) hai lần mỗi năm, vào tháng 8 và Giáng Sinh.
Vào buổi sáng quan trọng ấy, chúng tôi thức dậy và cha không có ở nhà. Chúng tôi đã bị hụt hẫng. Tuy nhiên, sự thất vọng đã không ngăn được cơn hào hứng trong ngày đầu đi học của hai chị em. Vậy là ngày đầu tiên trôi qua. Khi bước ra khỏi lớp sau tiếng chuông kết thúc tiết học cuối cùng, hai chị em thấy cha đã đứng đợi ở cổng trường.
Tôi nhớ mình đã phấn khích tột độ khi nhìn thấy ông. Hai chị em đã lao đến và nhảy vào vòng tay của ông. Trên đường về nhà, chúng tôi "bỏ bom" ông với hàng loạt câu chuyện về: những điều đã làm ở trường, tên của những người bạn cùng lớp, về giáo viên và tấm bảng đen với đầy phấn viết đủ màu...
Câu chuyện vẫn tiếp tục rôm rả đến khi cả nhà dùng xong bữa trưa. Ăn trưa xong, cha gọi tôi lại và nhìn vào mắt tôi, rồi ông nói: "Paolo, bắt đầu từ ngày mai, đừng nói về những điều con đã làm, mà hãy tự hỏi con đã học được điều gì, con đã giúp được ai khác không và con có đang yêu thích việc đang làm không. Ngoài ba điều ấy ra, những thứ còn lại đều không quan trọng con ạ".
Ông đặt tay lên vai, nhìn vào mắt tôi lần nữa như thể tôi là một người lớn. Vài giờ đồng hồ sau, ông bắt máy bay trở về lại Brazil. Ông đã giữ lời hứa. Ba ngày bay để có 6 giờ ở cạnh chúng tôi.
Paolo Gallo hiện giữ nhiệm vụ Giám đốc Phát triển Nguồn nhân lực tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới |
Những lời cha nói vào ngày 1/10/1969 đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi. Đây là cách tôi đưa những câu hỏi ấy vào cuộc sống sự nghiệp của mình
Câu hỏi 1: Tôi có đang học điều gì mới không?
200 năm trước, tuổi thọ của con người vào mức 40 tuổi. Từ đó, mỗi năm số tuổi trung bình của con người lại tăng lên 2 năm. Đến năm 2060, vòng đời của con người sẽ có thể chạm mốc 100 tuổi. Tuổi thọ kéo dài sẽ tác động thế nào đến cuộc sống của mỗi người và xã hội?
Lựa chọn của tôi là chuyển từ một cuộc đời được mặc định ngầm với 3 giai đoạn "tốt nghiệp, làm việc, nghỉ hưu" sang một cuộc đời không ngừng học hỏi. Bạn có thực sự tin rằng những kỹ năng và kiến thức hiện có sẽ đủ để bạn làm việc chuyên môn đến cuối đời không? Phần lớn, chúng ta đều muốn học hỏi không ngừng. Nhưng đó vẫn chỉ là ý muốn. Làm sao để chúng ta thực sự học hỏi suốt cuộc đời? Đây là những điều gợi ý cho bạn.
Hãy tò mò
Nếu nghĩ đến Leonardo da Vinci, từ nào sẽ bật ra trong đầu bạn? Họa sĩ? Nhà khoa học? Nhà phát minh? Kiến trúc sư? Từ nào cũng đúng cả. Ông là một đại diện tiêu biểu của con người thời Phục hưng. Ông tham gia vào tất cả các ngành học có thể, và tránh để một chuyên môn duy nhất giới hạn khả năng suy nghĩ và tìm hiểu thế giới phức tạp xung quanh chúng ta. Hãy tò mò là chìa khóa đầu tiên để con người tiếp tục tiến lên.
Lần cuối cùng bạn làm một điều gì đó lần đầu tiên là khi nào?
Học hỏi không chỉ diễn ra trong trường đại học, trung học hay trong các khóa học chuyên môn của công ty. Những điều chúng ta làm trong thời gian rảnh cũng mang đến phát triển nhiều kỹ năng cần thiết cho bản thân.
Ví dụ: bạn đang hướng dẫn cho một đội bóng nghiệp dư? Đó là cơ hội để bạn học cách quản lý nhóm. Bạn đang dạy thêm cho sinh viên? Đó là cơ hội để học cách khuyến khích người khác. Bạn đang kinh doanh một sản phẩm nào đó, có thể chỉ đơn giản là vài món hàng trên mạng hoặc nhận làm thêm ngoài giờ? Bạn đang có cơ hội tiếp thu thêm tâm lý của khách hàng. Bạn hướng dẫn khách tham gia bảo tàng hoặc giới thiệu cảnh quan thành phố? Đây là cơ hội tốt để bạn thực hành kỹ năng thu hút sự chú ý của đám đông...
Nói cách khác, những công việc ngoài giờ vẫn có thể phát triển những kỹ năng nền tảng để phát triển sự nghiệp.
Học từ người khác
Hãy cùng phân tích một điểm đơn giản sau: mọi người bạn gặp trong đời đều biết về một chuyên môn nào đó sâu hơn bạn. Vì vậy, chúng ta có thể học từ tất cả mọi người, và phần lớn những giáo viên giỏi nhất thế giới, đó chính là trẻ em.
Tôi có một bài học rất thú vị với con gái 4 tuổi tên Sadika của mình. Hôm đó tôi đang làm việc thì cô bé đến và ôm hôn tôi. "Không phải bây giờ, con yêu à. Cha đang phải làm việc", tôi nói với con. Con nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên rồi nói: "Cha ơi, đừng bao giờ từ chối một nụ hôn từ người yêu quý mình chứ!"
Tái định nghĩa sự thất bại
Hãy cùng chơi một trò chơi đơn giản sau: cùng nhau định nghĩa lại từ Thất Bại nhé. Tôi đề xuất đó là "Những lần thử nghiệm để học hỏi". Tôi có một vấn đề nghiêm trọng trong chuyện chấp nhận mặt trái của thành công là thất bại.
Ngược lại, tôi tin rằng một yếu tố chính của thành công là thấy bại, mở ra cơ hội cho mình học hỏi. Trong suốt quá trình chúng ta học từ cuộc sống, chúng ta đã thu thập nhiều thất bại đưa đến thành công.
Chúng ta đều phải học lấy từ sai lầm của mình. Hãy nghĩ về khi chúng ta học cách bước đi, hoặc giúp bọn trẻ có thể bước đi khi chúng đã đứng vững trên mặt đất. Chúng ta, về cơ bản, được tạo ra bằng cách vực mình dậy sau mỗi vấp ngã. Mỗi lần đứng dậy chúng ta lại vững vàng hơn. Như Nelson Mandela từng nói: "Tôi chưa bao giờ thua. Tôi chỉ có thắng hoặc là học tiếp".
Câu hỏi thứ hai: Tôi có đang giúp được ai khác không?
Tôi gặp Sabine Choucair, đến từ Lebanon, tại một hội nghị của những CEO, chủ tịch, tổng giám đốc...Trong hội nghị đó, chức vụ của cô là làm hề. Cùng với một nhóm những người tuyệt vời, cô dành vài tuần ở Lesbos, một hòn đảo nhỏ của Hy Lạp, để chào đón những người tị nạn. Tất cả những gì cô muốn làm chỉ đơn giản là trao cho họ một vài khoảnh khắc vui vẻ ngắn ngủi và một chút hơi ấm tình người. Điều này liên quan gì đến thành công, bạn đang nghĩ vậy phải không.
Vậy thì theo bạn, trong ba người này, ai sẽ là người thành công nhất: người trao đi, người nhận lấy và người trao đổi? Người nhận sẽ luôn muốn có điều gì đó từ bạn. Trong khi người trao đổi cũng sẽ cần một phần từ bạn. Chỉ có người cho đi mới trao cho bạn thời gian, năng lượng, kiến thức, phản hồi hoặc lời khuyên của họ. Trong cuộc sống, bạn thuộc về nhóm người nào?
Trong ba nhóm người ấy, người trao đi sẽ chỉ thành công khi hiểu được sự khác nhau giữa hài lòng người khác và giúp đỡ người khác. Kết luận này được nhà tâm lý học Adam Grant đưa ra trong quyển "Give and Take" (tạm dịch: Cho và Nhận).
Phần thưởng lớn nhất với những người trao đi, chính là mối quan hệ. Không ai thành công mà thiếu sự hỗ trợ từ những người khác cả. Bạn hãy nhớ rằng xây dựng mối quan hệ không chỉ đơn thuần là nhấc máy gọi cho ai đó khi bạn cần họ. Bạn phải đầu tư thời gian, năng lượng và cả sự tôn trọng cho mối quan hệ đó. Đây không chỉ là sự giúp đỡ đơn thuần mà gốc rễ là ý thức nuôi dưỡng những mối quan hệ ý nghĩa.
Câu hỏi thứ ba: Tôi có yêu công việc đang làm không?
Tôi nhận ra ý nghĩa thực sự trong lời khuyên này của cha khi đọc được một câu của Mark Twain, rằng:
“Hai ngày quan trọng nhất cuộc đời bạn chính là ngày bạn ra đời và ngày bạn biết vì sao bạn chào đời."
Câu hỏi thứ ba đi xa hơn chuyện tìm kiếm điều mình yêu thích. Đó là tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Vì sao bạn lại ở đây và làm tất cả những công việc này? Bạn đang đại diện cho điều gì?
Ngày quan trọng thứ hai của đời tôi diễn ra sau ngày tốt nghiệp. Khi đó, tôi chuyển từ một ngân hàng đầu tư sang làm việc cho Ngân hàng Thế giới. Trong 6 tháng đầu tiên ở Ngân hàng Thế giới, tôi đã nghĩ rằng đây là sai lầm lớn nhất đời mình. Tôi đã từ bỏ mọi khoảng thưởng, cổ phiếu riêng lẫn một chiếc xe công vụ "ngon lành". Ngày rời khỏi Washington, người yêu cũng chia tay khi tôi đang chuẩn bị lên máy bay. Những tháng ngày sau đó vô cùng khốn khổ với tôi.
Cho đến năm 1996, tôi có dịp đến thăm một ngôi làng ở West Cameroon. Người tài xế tên George đã đưa tôi đi tham quan một dự án nông nghiệp. Sau chặng đường băng qua những con đường xấu, phủ đầy bụi, anh ấy đã dừng lại trước một chiếc giếng. Anh kể trước khi chiếc giếng này được xây nên, mẹ của anh đã phải đi bộ 6 km mỗi ngày để xách nước về nhà trong một chiếc xô nhỏ.
Về sau Ngân hàng Thế giới cùng Liên Hiệp Quốc đã xây nên chiếc giếng này, cách làng của anh chỉ vài trăm mét. Vậy là cuộc đời anh thay đổi. George kể rồi cảm ơn tôi, dù tôi chẳng liên quan gì với chiếc giếng ấy. Sau đó, anh đưa tôi về làng và gặp mẹ của anh. Chúng tôi đã có một cuộc gặp đáng nhớ. Mẹ anh là một người phụ nữ có cốt cách vô cùng tinh tế. Tôi nhận ra ngay tại ngôi làng bị bỏ quên đó, tôi đã có ngày quan trọng thứ hai trong đời mình.
Ngày hôm ấy đã đưa tôi về với câu hỏi của cha tôi 48 năm trước. Con có đang yêu thích công việc đang làm, đang giúp đỡ một ai đó và học được thêm điều gì mới không? Cha đã cho tôi ba món quà lớn trong đời. Và giờ tôi tặng lại bạn chiếc la bàn ấy.
Ngay cả khi bạn sẽ quên đi 3 câu hỏi này thì xin hãy chỉ nhớ một điều đơn giản, rằng, đừng bao giờ từ chối một nụ hôn từ người thương mình.
(Nguồn: WEF)