Hội nghị thu hút gần 2.350 đơn vị tham gia; trong đó có 588 doanh nghiệp trưng bày 449 gian hàng, giới thiệu hơn 2.000 sản phẩm thuộc đa dạng ngành hàng nông sản, đặc sản địa phương, thực phẩm, rau củ, quả; thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng... 1.458 doanh nghiệp cung ứng, 883 doanh nghiệp thu mua, gồm 42 đơn vị phân phối hiện đại, 100 doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu, 140 nhà hàng đạt chuẩn du lịch, 120 khách sạn chuẩn 3 sao trở lên, 167 doanh nghiệp suất ăn công nghiệp, 314 bếp ăn tập thể trên 500 suất ăn/ngày.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết, qua 7 lần tổ chức, Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh thành không chỉ dừng lại ở khâu kết nối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu mà đã trở thành một kênh liên kết giữa các thành phần kinh tế hợp tác xúc tiến thương mại, đầu tư, tổ chức phân phối hàng hóa theo hình thức chuyên nghiệp. Ông đánh giá: “Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm nay có hàng hóa đa dạng, mẫu mã phong phú, chất lượng được nâng cao hơn, số doanh nghiệp tham gia cũng đông đảo hơn. Chương trình đã làm nên thương hiệu của ngành Công Thương Thành phố”.
Hội nghị năm nay giới thiệu trực tiếp đến nhà thu mua, người tiêu dùng TP.HCM. Bên cạnh hàng nông sản an toàn, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm chế biến, Hội nghị còn giới thiệu nhiều đặc sản vùng miền trên cả nước như nhãn xuồng cơm vàng, sữa ong chúa, trà lá sen…
Nông sản sạch luôn được người tiêu dùng quan tâm |
Hội nghị sẽ tiếp tục là nơi giao lưu giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối, góp phần định hướng hoạt động sản xuất chuyển dịch từ “sản xuất cái mình có” sang “sản xuất cái người tiêu dùng cần”. Hội thảo “Tiềm năng kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền, thực phẩm an toàn tại hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch”, ngành Công Thương Thành phố mong muốn nâng cao ý thức người sản xuất, lấy chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu; đây là yêu cầu cấp bách không chỉ của người tiêu dùng thành phố, mà còn của người tiêu dùng cả nước; đồng thời nâng cao trách nhiệm của các đơn vị khách sạn, nhà hàng trong việc phục vụ các món ăn, thức uống cho khách hàng phải đảm bảo nguồn nguyên liệu tốt nhất.
Hội nghị nhà cung ứng, các nhà phân phối và nhà cung ứng sẽ tiếp xúc trực tiếp, trao đổi trực tiếp, chuyên sâu về những vấn đề cụ thể, chi tiết. Hội nghị năm nay còn có một số đối tác nước ngoài và đầu mối xuất khẩu để xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng ra thị trường các nước như Úc, Thái Lan.
Dự kiến có khoảng 500 hợp đồng hợp tác sẽ được ký kết cung - cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất, các nhà phân phối, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết
Trong 4 ngày tới, hoạt động kết nối cung cầu vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trực tuyến trên website của Hội nghị. Ban tổ chức kỳ vọng, doanh nghiệp tận dụng thêm được nhiều cơ hội kết nối ký kết hợp tác và mở rộng quan hệ giao thương với đối tác trong và ngoài nước. Doanh nghiệp "bắt tay" đưa hàng Việt lan tỏa.
Tham dự Hội nghị, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành và mong muốn chương trình này không chỉ là kênh kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ tốt cho nhu cầu mua sắm của người dân mà còn góp phần bình ổn thị trường, chống lạm phát đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các thành phần kinh tế hợp tác sản xuất kinh doanh hiệu quả.