Xuất khẩu vào các thị trường FTA – Doanh nghiệp cần chủ động hơn

Ý Nhi| 19/11/2022 05:43

Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo đà cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng hiệu quả hơn nhưng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần chủ động bắt nhịp thị trường, tận dụng và khai thác nhiều hơn những lợi ích từ Hiệp định.

Xuất khẩu vào các thị trường FTA – Doanh nghiệp cần chủ động hơn

Tại hội thảo "Xuất khẩu vào các thị trường FTA: Giải bài toán phát triển bền vững" do Báo Công Thương tổ chức ngày 18/11 tại TP.HCM, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tham gia ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thời gian qua đã tạo đà cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng hiệu quả hơn. 

Theo Bộ Công Thương, tính đến nay Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do, trong đó 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA);  Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có phạm vi rộng lớn hơn, ngoài các cam kết về thương mại, dịch vụ và đầu tư, còn bao gồm cả các thể chế, pháp lý. Các FTA thực thi đã và đang tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Cụ thể, sau hơn 2 năm thực thi EVFTA xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã ghi nhận kết quả khả quan. Trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 31,4 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức.

Phân tích về mặt khó khăn, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Âu - Mỹ cho biết, khi tham gia các FTA, DN  thường gặp các khó khăn về việc đảm bảo môi trường/khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững khi sản xuất, một số thị trường thì gia tăng thêm hàng rào về mặt kỹ thuật và hành chính đối với cả các mặt hàng từ nông nghiệp đến công nghiệp. Ví dụ tại thị trường EU, dệt may là một trong những nhóm sản phẩm chủ lực bị tác động đáng kể nhất khi phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn khi EU đã công bố chiến lược dệt may tuần hoàn.

-7176-1668847374.jpg

Đánh giá của Bộ Công Thương cũng cho rằng, dù đã thu về những kết quả ấn tượng, nhưng những cam kết và quy định tại các FTA, nhất là FTA thế hệ mới tương đối mới và phức tạp nên nhiều DN Việt Nam còn lúng túng, chưa tận dụng tối ưu được các ưu đãi. Đặc biệt, năm 2022, sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, khi các nền kinh tế và hoạt động thương mại giữa các nước trên thế giới  bình thường hóa trở lại, nhiều nước bắt đầu đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn với hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

Cụ thể, với ngành thủy sản, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã chia sẻ những kết quả mà thủy sản đã đạt được sau 3 năm CPTPP có hiệu lực, đồng thời nêu những khó khăn mà DN thủy sản sẽ phải đối diện trong thời gian tới và đề xuất những giải pháp giúp DN  vượt qua.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM chia sẻ, lợi ích về mở rộng thị trường thông qua các FTA. Tuy nhiên để được ưu đãi, các DN cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn phức tạp và khắt khe. DN cần tăng tính chủ động như tìm hiểu cơ hội, cam kết trong các FTA để đáp ứng tốt nhất quy định về quy tắc xuất xứ. Đặc biệt, để tăng tính cạnh tranh cho thực phẩm chế biến, DN cần cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới, áp dụng thay đổi công nghệ chế biến, bảo quản. Tập trung liên kết doanh nghiệp với DN  để đẩy mạnh chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và xuất khẩu, tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, kể từ năm thứ 3 thực thi EVFTA, biên độ ưu đãi, mức ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng sẽ cao hơn 2 năm đầu, đủ để tạo động lực xuất khẩu mạnh hơn. Tuy nhiên, thách thức cũng không giảm bớt bởi các điều kiện về tiêu chuẩn sẽ ngày càng được nâng cao. Các nhóm hàng hóa có tần suất kiểm tra kỹ thuật nhiều nhất khi nhập khẩu vào EU là rau quả, thực phẩm chế biến, dệt may, đồ da, hóa chất, giày dép, sản phẩm nhựa… Đây cũng là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch của EU thường xuyên được điều chỉnh và thay đổi. Do vậy, các nhà sản xuất và công ty xuất khẩu sản phẩm sang EU cần lưu ý phải kiểm tra, cập nhật văn bản pháp luật liên quan của EU, thường xuyên rà soát các thông báo về thay đổi quy định của EU.

“DN phải đầu tư cả về chiều sâu và chiều rộng, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và toàn bộ quy trình sản xuất, chứ không chỉ ở chặng cuối mới có thể vượt qua thách thức về các biện pháp kỹ thuật. Ngoài các tiêu chuẩn, doanh nghiệp cần cập nhật xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững bởi người tiêu dùng EU nói riêng và thế giới nói chung đều ưa chuộng sử dụng hàng hóa đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội…Các mặt hàng đa năng và thuận tiện cho vận chuyển phù hợp với thương mại điện tử cũng sẽ dễ tiếp cận khách hàng hơn”, ông Jean-Jacques Bouflet khuyến nghị.

Chia sẻ về cơ hội và thách thức đối với ngành hàng rau quả, ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Đối với công tác xuất khẩu rau quả, hiện Việt Nam đang ghi nhận một số lợi thế từ các FTA thế hệ mới. Các doanh nghiệp điển hình như khối EU đã hướng tới thị trường Việt nam nhiều hơn. Theo tôi, việc xuất khẩu rau quả khi vào các thị trường FTA thì vấn đề thuế quan chỉ là một phần. Hiện vấn đề mà chúng ta đang vướng đó chính là các hàng rào kỹ thuật. Để có thể tham gia sâu hơn vào sân chơi này, các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ khiêm khắc các quy tắc của từng thị trường tại nước đó.

Với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM cũng đánh giá về tác động của các FTA đặc biệt là các FTA thế hệ mới với ngành gỗ; chỉ ra thách thức về các qui định phi thuế quan liên quan đến phát triển bền vững cho ngành này. Đặc biệt, ông Phương khuyến nghị cho DN giải pháp cần thực hiện trước hàng loạt các qui định như: VPA/FLEGT, CITES và hướng tới là ESG, CO2 từ các thị trường nhập khẩu nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng, tạo sự đột phá cho xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu vào các thị trường FTA – Doanh nghiệp cần chủ động hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO