Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc: Dự báo sôi động qua cửa khẩu Cốc Nam tỉnh Lạng Sơn

Lan Ngọc| 09/07/2023 04:00

Một triển vọng đang mở ra cho thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Cốc Nam (thuộc tỉnh Lạng Sơn) sôi động thời gian tới khi Trung Quốc có thể sẽ lựa chọn cặp cửa khẩu Lũng Nghịu (thuộc thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây) - Cốc Nam (Lạng Sơn) là cửa khẩu chuyên nhập khẩu thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc: Dự báo sôi động qua cửa khẩu Cốc Nam tỉnh Lạng Sơn

Thông tin về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm qua các cửa khẩu trên địa bàn, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc đã thay đổi chính sách phòng, chống dịch Covid-19 nên hoạt động xuất nhập khẩu đã thuận lợi hơn, các ngành chức năng tại Lạng Sơn cũng đã tăng cường nâng cao năng lực thông quan để thúc đẩy xuất nhập khẩu, nhờ vậy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2.285 triệu USD, tăng 101% so với cùng kỳ 2022; trong đó, xuất khẩu đạt 1.280 triệu USD, tăng 322,4% so với cùng kỳ 2022, đạt 98,5% so với kế hoạch năm, nhập khẩu ước đạt khoảng 1.005 triệu USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ 2022.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua Lạng Sơn cho thấy, chủ yếu vẫn diễn ra sôi động tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Tân Thanh, một số mặt hàng đi qua cửa khẩu Chi Ma, còn tại cửa khẩu phụ Cốc Nam nhịp độ giao thương vẫn diễn ra khá trầm lắng, nhiều thời điểm và khoảng thời gian từ đầu năm đến nay tại Cốc Nam không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu.  

Chia sẻ thông tin với Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, ông Trần Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cốc Nam (Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Từ tháng 1/2023, tại cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) - Lũng Nghịu (Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc) phía Trung Quốc đã chính thức dỡ bỏ việc tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu, nới lỏng các biện pháp kiểm dịch đối với người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh theo chủ trương mở cửa kinh tế của họ sau khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát; hải quan và các lực lượng chức năng quản lý cửa khẩu tại Cốc Nam phía Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp cũng mới thực hiện 1.508 tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu, với tổng giá trị kim ngạch đạt khoảng 64,9 triệu USD. 

-5920-1688841613.jpg

Khu vực làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu Cốc Nam vắng vẻ ngày 7/7/2023

So với thời điểm trước đại dịch Covid-19, giao thương qua cửa khẩu Cốc Nam rất sôi động, nhộn nhịp, kim ngạch xuất nhập khẩu và số thu ngân sách nhà nước có những thời điểm chỉ thua kém quy mô của cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (kim ngạch đạt vài trăm triệu USD, số thu ngân sách hàng trăm tỷ đồng), thì con số kim ngạch xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 đi qua cặp cửa khẩu Cốc Nam - Lũng Nghịu là còn rất khiêm tốn. 

Xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Cốc Nam 6 tháng đầu năm 2023 chủ yếu là các mặt hàng như mít, xoài, quả tươi, hoa hồi khô, tinh bột sắn. Tuy nhiên, kể từ tháng 5 thì hàng nông sản xuất khẩu qua Cốc Nam đã giảm mạnh, sang tháng 6/2023 gần như không phát sinh trao đổi hàng hóa xuất khẩu. Thời điểm hiện tại, xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cốc Nam gần như không hoạt động. 

Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu Cốc Nam trong 6 tháng đầu năm cũng chỉ có 2 tờ khai thực hiện nhập khẩu mặt hàng tiêu dùng, quần áo và phụ kiện may mặc; 3 tờ khai nhập khẩu (mở tờ khai tại hải quan Cốc Nam, nhưng nhập khẩu thông qua Cảng Hải Phòng) là các thiết thiết bị, phụ tùng để phục vụ sản xuất xi măng trong nước. Tổng kim ngạch nhập khẩu qua Cốc Nam 6 tháng đầu năm ước tính chỉ vào khoảng 1,8 triệu USD.

Giao thương trầm lắng, nên số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa do Chi cục Hải quan cửa khẩu Cốc Nam thực hiện (hàng xuất khẩu không phát sinh nguồn thu từ thuế, thuế thu chủ yếu từ hàng nhập khẩu) trong 6 tháng đầu năm 2023, cũng mới chỉ đạt khoảng trên 4,9 tỷ đồng, mới đạt 6,15% so với kế hoạch được giao.

Nguyên nhân giao thương qua cửa khẩu Cốc Nam còn trầm lắng khi đã được mở thông quan trở lại, theo lãnh đạo Chi cục Hải quan Cốc Nam, là do hạ tầng giao thông là vùng núi đá nên hàng hóa vận chuyển, lưu giữ tại các kho bãi của phía Trung Quốc còn gặp khó khăn, vẫn phải trung chuyển bằng ô tô sang các bến bãi ở Cốc Nam nên phát sinh chi phí bốc dỡ cao hơn, mất nhiều thời gian hơn tại các cửa khẩu khác như Hữu Nghị, Tân Thanh hay Chi Ma nên có thể các doanh nghiệp vẫn chưa đẩy mạnh hoạt động qua cửa khẩu Cốc Nam. Hoạt động xuất nhập cảnh của cá nhân qua cặp cửa khẩu Cốc Nam - Lũng Nghịu bằng giấy thông hành cũng vẫn chưa được thực hiện khiến cho việc giao dịch trực tiếp giữa các doanh nghiệp hai bên còn bị nhiều hạn chế. 

-4834-1688841613.jpg

Lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Cốc Nam thông quan ngày 5/7/2023

Một nguyên nhân khác, theo bà Hoàng Lan - đại diện công ty xuất nhập khẩu Hà Trang (tỉnh Lạng Sơn), do thông quan hàng hóa tại Cốc Nam - Lũng Nghịu các cơ quan chức năng phía Trung Quốc thực hiện vẫn chưa liên tục, họ nghỉ làm việc vào những ngày cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật), trong khi các mặt hàng xuất khẩu như thủy sản, hoa quả tươi sống cần thông quan nhanh, nếu chậm trễ sẽ bị ảnh hưởng tới chất lượng, phát sinh tăng chi phí vận chuyển, lưu kho, bảo quản… nên các doanh nghiệp chưa muốn xuất khẩu qua cửa khẩu Cốc Nam, mà lựa chọn đi qua các cửa khẩu khác nhanh hơn ( cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh).

Tuy nhiên, một tin vui đang mở ra về triển vọng giao thương qua cửa khẩu Cốc Nam đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới, đó là Cục Thương mại Bằng Tường, thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cho biết: Từ ngày 26/5/2023, Trung tâm Giám sát hàng hóa ở cửa khẩu Lũng Nghịu thị Bằng Tường, đã được phía Trung Quốc chọn là địa điểm giám sát các mặt hàng thủy sản nhập khẩu và có thể cặp cửa khẩu Lũng Nghịu (Bằng Tường) - Cốc Nam (Lạng Sơn) tới đây sẽ được chọn là cửa khẩu chuyên dụng để thực hiện nhập khẩu các mặt hàng thủy sản. 

Để thu hút thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc qua Cốc Nam - Lũng Nghịu, tăng cường giao thương, tăng thu nhập và sự phát triển thịnh vượng của cư dân biên giới hai bên thuộc thị Bằng Tường, Quảng Tây và tỉnh Lạng Sơn, phía Trung Quốc đã đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn phối hợp tổ chức thông quan cho lô hàng thủy sản đầu tiên trong năm 2023 nhập khẩu vào Trung Quốc đi qua cửa khẩu Cốc Nam - Lũng Nghịu, ngày 5/7 vừa qua, lô hàng đã được hai bên thông quan thuận lợi, phía Trung Quốc rất quan tâm truyền thông về việc này nhằm thúc đẩy giao thương thủy hải sản.

Theo bà Hoàng Lan - Công ty xuất nhập khẩu Hà Trang cho biết, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc rất lớn, công ty đã xuất khẩu mặt hàng này qua cửa khẩu ở Móng Cái, Quảng Ninh, tuy nhiên tuyến đường vận chuyển xa, chi phí tăng. Để thuận lợi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, công ty Hà Trang đã đề xuất và làm thủ tục với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc cho xuất khẩu thủy sản qua cửa khẩu Cốc Nam. Lô hàng mới được cơ quan chức năng hai bên phối hợp thông quan là 5 tấn cá mè, do công ty Hà Trang cung cấp cho đối tác ở Bằng Tường nhập khẩu chuyển về Nam Ninh tiêu thụ. Bà Lan cho biết, thời gian tới công ty Hà Trang sẽ tiếp tục xuất khẩu thủy sản qua cửa khẩu Cốc Nam. Nếu có sự đồng thuận của các cơ quan chức năng hai bên tạo thuận lợi thương mại đối với mặt hàng này, thì tới đây cửa khẩu Cốc Nam sẽ thông quan thêm nhiều mặt hàng thủy sản khác ngoài cá như tôm, cua, ếch, ba ba…

Tuy nhiên, có một vấn đề các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc cần phải lưu ý, theo đại diện của công ty Hà Trang, đó là trao đổi hàng hóa với Trung Quốc hiện nay đã không còn được chấp nhận dễ dãi theo kiểu đi chợ bán hàng như trước đây, mà phải đáp ứng các quy định về truy xuất nguồn gốc vùng trồng (với nông sản), truy xuất được vùng nuôi (với thủy sản), đảm bảo chất lượng, tuân thủ tốt các quy định về kiểm dịch và các quy định khác có liên quan đến tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc: Dự báo sôi động qua cửa khẩu Cốc Nam tỉnh Lạng Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO