VASEP cho biết, Covid-19 từng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu thủy sản, nhất là trong quý III. Tuy nhiên, nhờ Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" mà ngành này có cú lội ngược dòng ngoạn mục trong những tháng cuối năm.
Xuất khẩu thủy sản năm qua tăng 6% so với năm 2020, được đánh giá là kết quả vượt mong đợi. Trước đó, ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 8,8 tỷ USD. Cụ thể, sau khi tăng mạnh 23% trong tháng 11, xuất khẩu thủy sản tháng 12 tiếp tục tăng 29%, đạt trên 940 triệu USD. Trong tháng cuối năm, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực đều tăng mạnh 6-110%.
Năm qua, Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23% kim ngạch, với trên 2 tỷ USD, tăng 26% so với năm trước đó. Riêng tháng 12/2021, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 176 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ 2020.
Thị trường EU chiếm 12% tổng kim ngạch, với trên 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020. Trong khi xuất khẩu sang các nước thuộc khối hiệp định CPTPP thu về khoảng 2,2 tỷ USD, gần tương đương năm 2020.
Xét về mặt hàng, nhờ tăng đột phá trong tháng 12, với mức tăng trưởng khoảng 80%, xuất khẩu cá tra cả năm 2021 về đích vượt xa dự đoán, với trên 1,6 tỷ USD, tăng 10%. Xuất khẩu tôm năm qua cũng đạt 3,88 tỷ USD, tăng 4%. Xuất khẩu cá ngừ đạt 757 triệu USD; mực, bạch tuộc đạt trên 600 triệu USD. Các chuyên gia nhận định, tôm vẫn là sản phẩm hàng đầu của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm tới.
Năm 2021, thủy sản là một trong 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thuộc nhóm nông - lâm - thủy sản, cùng với gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, cao su, rau quả và gạo. Trong đó, thủy sản chiếm tỷ trọng 18,3% của nhóm ngành này (8,9 tỷ USD so với toàn nhóm 48,6 tỷ USD). Còn nếu so với tổng kim ngạch xuất khẩu năm qua của cả nước là 336 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ trọng 2,6%.