Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016, tình hình nuôi thủy sản nói chung, nuôi tôm và cá tra nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh, giá cả bấp bênh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và bà con nông dân trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ nên nuôi thủy sản vẫn đạt kết quả khả quan.
Đáng chú ý, nếu năm 2015 kim ngạch xuất khẩu tôm giảm tới 25% so với năm 2014 đã gây ảnh hưởng lớn đến mục tiêu 7 tỷ USD xuất khẩu thủy sản thì năm 2016, mục tiêu này đạt được nhờ sự hồi phục của xuất khẩu tôm (chiếm trên 3 tỷ USD).
Nguồn cung tôm thế giới đang thiếu nên sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành nuôi, xuất khẩu tôm ở nước ta khai thác.
Nói về thị trường xuất khẩu tôm năm 2016 và nguồn cung thị trường thế giới đối với mặt hàng này trong năm 2017 và những năm tiếp theo, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (thuộc top doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 738 triệu USD/năm) cho biết, tôm sú dù rất được giá nhưng đang ngày càng khan hiếm trên thị trường thế giới. Đây sẽ là cơ hội để ngành tôm Việt Nam tạo cú hích lớn, giữ vững “ngôi vương” là nhà cung ứng hàng đầu thế giới.
Đánh giá sơ bộ ngành tôm thế giới năm 2016, phía Minh Phú chia sẻ, hiện tại sản lượng tôm xuất khẩu toàn cầu trên 5,5 triệu tấn, kim ngạch13,5 tỷ USD, trong đó, lượng tôm sú chiếm khoảng 20% (2,7 tỷ USD), 80% là tôm thẻ chân trắng và các loại tôm khác. Tỷ lệ này đang bị đảo ngược so với mấy năm trước, bởi do dịch bệnh khiến người nuôi không chuộng con tôm sú bằng tôm thẻ chân trắng.
Theo ông Lê Văn Quang, thị trường tôm sú luôn có lượng khách nhất định, dù giá cao họ vẫn chọn mua. Nếu mức giá chênh lệch giữa tôm sú và tôm thẻ chân trắng khoảng 1USD/kg (giá tôm sú cao hơn tôm thẻ) thì tỷ lệ tiêu thụ tôm sú sẽ được nâng lên thành 30 - 40% thay vì 20% như trước đó.
Điều đáng lưu ý là hiện nay thị trường xuất khẩu tôm sú trên thế giới chỉ còn khoảng 20%. Mức này sẽ không thay đổi dù giá có tăng cao. Tình hình nuôi tôm sú đang sụt giảm, đơn cử như tại Indonesia, tỷ lệ nuôi tôm sú trước đây khoảng 40% thì nay chỉ còn một nửa, Ấn Độ trước đây nuôi tôm sú chiếm khoảng 40% nay còn khoảng 15%, Thái Lan chỉ còn lại 3%, hay các quốc gia ở khu vực Nam Mỹ gần như không còn nuôi tôm sú, thay vào đó chọn nuôi tôm thẻ chân trắng.
Ông Quang nhìn nhận, dù chỉ đạt khoảng 20% nhưng nguồn cầu của con tôm sú đang rất lớn, nên năm 2016, giá tôm sú cùng kích cỡ vẫn có giá cao hơn tôm thẻ chân trắng khoảng 5USD/kg. Vì thế Minh Phú đang tập trung phát triển con tôm sú nhằm cung ứng cho các tập đoàn chuyên kinh doanh về nhà hàng tại Nhật, Mỹ, từng bước nâng tỷ lệ cung ứng tôm sú lên 50% thay vì 40% như trước đây.
Theo Minh Phú, hiện nay chi phí nuôi tôm sú ngang bằng với mức chi phí nuôi tôm thẻ chân trắng. Thành công này phần lớn là do con tôm giống tốt hơn, ít bệnh hơn. Đây sẽ là cơ hội để ngành tôm Việt Nam khai thác thị trường thế giới.
>>Australia cấm nhập khẩu tôm xanh, tôm nguyên liệu từ châu Á