Mặc dù là trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng thanh long còn gặp nhiều lận đận khi cứ vào vụ trái thì rớt giá, doanh nghiệp (DN) thì thua lỗ.
Thống kê 6 tháng đầu năm của Cục Xúc tiến Thương mại (Vietrade) cũng cho thấy, nhiều dấu hiệu lạc quan về tình hình xuất khẩu trái cây Việt Nam, trong đó có thanh long. Nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng này là do việc đồng loạt mở cửa nhập khẩu trái cây Việt Nam của một số thị trường mới như Hàn Quốc và New Zealand...
Phần lớn thanh long Việt Nam xuất khẩu dưới dạng trái tươi - Ảnh: Quý Hòa |
Hiện nay, Bình Thuận đang là tỉnh giữ vị trí đầu bảng trong cả nước về nguồn cung thanh long, tập trung phần lớn ở hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Tính riêng lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch, trong năm 2010, tỉnh Bình Thuận đã xuất khẩu được hơn 30.200 tấn với giá trị kim ngạch là 17,758 triệu USD.
Con số này tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2009, với giá trị kim ngạch đạt mức 11,8 triệu USD. Vượt qua Tiền Giang (2.500ha), Long An (khoảng 1.400ha) với những điểm số về diện tích hết sức chênh lệch (hơn 13.400ha), cho thấy tiềm năng khá dồi dào của Bình Thuận.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của UBND tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo tỉnh vẫn còn nhiều quan ngại với tốc độ tăng trưởng khá nhanh về diện tích trồng thanh long ở địa phương.
Bởi vì, tăng diện tích cây trồng sẽ đồng nghĩa với việc tăng nguồn cung trái. Điều này có thể thúc đẩy tính cạnh tranh về giá, chất lượng... ngày càng gay gắt, đó là chưa kể đến sự cạnh tranh của thanh long với nhiều loại trái cây vùng nhiệt đới khác.
Thực tế cho thấy, các hộ trồng thanh long theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của VietGAP tại Việt Nam chưa nhiều. Cụ thể, ngay tại tỉnh Bình Thuận cũng chỉ mới có khoảng 25% thực hiện theo hướng này trên tổng diện tích vùng.
Bài học trước mắt đã có điển hình của thanh long Châu Thành, tỉnh Long An. Dù một thời được mệnh danh là “nữ hoàng” nhưng trong quá trình phát triển, thanh long Châu Thành đã dần bị “phế ngôi” do canh tác kỹ thuật cũng như cách phát triển thị trường còn kém.
Theo ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, hiện nay, giá thanh long đang giảm mạnh từ 7.000 - 8.000 đồng/kg xuống còn khoảng 2.500 - 3.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, không thể gọi việc rớt giá này là hiện tượng biến động giá, mà phải chấp nhận theo quy luật. Bởi vì, không chỉ có thanh long, thời điểm này nhiều loại trái cây khác cũng đang bắt đầu vào vụ như vải thiều (miền Bắc), chôm chôm (miền Đông Nam bộ).
Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, cũng cho biết:
“Thực tế, chẳng có loại trái cây nào có lợi thế phát triển như trái thanh long. Song, việc tăng, giảm giá còn phụ thuộc vào mùa vụ”. Mặt khác, thanh long đã rớt giá mạnh khi phía Trung Quốc (TQ) không thu mua thanh long như những năm trước.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hương, Giám đốc Công ty TNHH TM Thanh Bình, chuyên bán thanh long sang TQ, cho biết:
“Trong 10 ngày qua, công ty tôi lỗ khoảng 1 tỷ đồng sau khi xuất khẩu sang TQ 70 tấn thanh long. Không những sức mua chậm mà còn gặp khó khăn về chi phí vận chuyển, các container phải nằm chờ rất tốn kém”.
Theo số liệu thống kê, thanh long Việt Nam hiện đã có mặt trên khoảng 35 nước trên thế giới. Đặc biệt, tại châu Á, thanh long Việt Nam chiếm lĩnh gần như toàn thị trường TQ. Và ở thị trường EU, thanh long cũng chiếm gần 40% thị phần. Loại trái này cũng đang chinh phục những thị trường khó tính khác như Nhật, Mỹ... |
Ngay thời điểm này, giá thanh long có phần giảm hơn so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, đây là thời điểm mùa vụ (không phải xông đèn), nên mức giá này cũng không làm người nông dân bị lỗ.
Trái lại, ở thời điểm nghịch mùa, giá thanh long cao gấp 3 - 4 lần sẽ bù đắp được doanh thu trong năm.
“Nhưng chi phí vận chuyển thanh long xuất khẩu bằng đường hàng không của Việt Nam hiện nay đang cao hơn phía TQ 2 USD/kg. Do đó, đây sẽ trở lực không nhỏ đối với các DN xuất khẩu của Việt Nam.
Bởi vì, phần lớn thanh long xuất khẩu sẽ được chuyển sang TQ bằng đường phi mậu dịch, đây sẽ là cơ hội cho các DN phía TQ thi nhau ép giá”, ông Hiệp nói.
Điều này cho thấy, mặc dù có thế mạnh là “độc quyền” trên thị trường, nhưng nếu không đúng thời điểm cũng khó tránh được rủi ro. Theo ông Hưng, phần lớn thanh long Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng trái tươi.
Mặc dù cũng có nhiều DN đang cố gắng tạo thêm các sản phẩm phụ như ép nước hoặc chế biến nhiều sản phẩm khác từ trái thanh long, nhưng tất cả đều chỉ mới trong giai đoạn thử nghiệm.
Do đó, đòi hỏi về mức độ an toàn, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ... sẽ ngày càng khắt khe hơn. Điều này dự báo, một viễn cảnh khó khăn cho trái thanh long Việt Nam nếu không kịp phát huy hết thế mạnh.