Giảm mạnh
Ngày 18/7/2022, giá vàng SJC mở cửa ở 67,45 triệu đồng/lượng, thấp hơn 200.000 đồng/lượng so với ngày trước đó. Đến cuối ngày, giá vàng SJC đóng cửa tại mốc 64 triệu đồng/lượng, tức giảm gần 3,5 triệu đồng/lượng, thậm chí trong ngày có lúc giá vàng còn 62,8 triệu đồng/lượng.
Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Bước sang ngày 19/7/2022, giá vàng SJC tiếp tục bốc hơi thêm 3 triệu đồng/lượng, khi có thời điểm rớt về gần 61 triệu đồng/lượng, khiến không ít nhà đầu tư phải lo ngại, bởi trong hai ngày, giá vàng SJC đã giảm gần 7 triệu đồng/lượng. Dù về cuối ngày, giá vàng tăng trở lại ở vùng 64 triệu đồng/lượng và tính đến ngày 22/7/2022 tiếp tục phục hồi lên mức 65 triệu đồng/lượng, nhưng sự biến động khó lường của giá vàng SJC chỉ trong thời gian ngắn cho thấy những rủi ro nhất định của kênh đầu tư được xem là an toàn này.
Nếu so với đỉnh cao 73,5 triệu đồng/lượng đạt được vào tháng 3, thị trường vàng SJC những ngày qua đã có lúc giảm đến 12 triệu đồng/lượng, tương đương 16%, trong đó mức sụt giảm mạnh chỉ tập trung vào những ngày vừa qua như đã nói, khi thị trường bị tác động bởi những luồng thông tin tiêu cực gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư. Theo đó, chênh lệch giữa giá mua và bán chỉ còn 2 triệu đồng, giảm rất mạnh so với thời điểm đỉnh cao lên tới 5-7 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giá mua bán giảm mạnh càng cho thấy mức độ rủi ro của thị trường vàng.
Trong khi đó, thị trường vàng thế giới cũng diễn biến không mấy tích cực. Ngày 20/7/2022, giá kim loại quý này mất mốc 1.700 USD/oz, rớt về tận 1.680 USD/oz, giảm hơn 100 USD/oz so với một tháng trước đó và giảm đến 390 USD/oz so với đỉnh cao 2.070 USD/oz, tương đương giảm 19%. Bất chấp xung đột quân sự tại Ukraine và những bất ổn của kinh tế toàn cầu, nhà đầu tư không còn quá mặn mà với vàng như những giai đoạn trước.
Triển vọng
Thay vào đó, nhà đầu tư có xu thế chạy vào các đồng tiền có tính an toàn như đô la Mỹ. Cụ thể, chỉ số USD-Index đã leo lên mức cao nhất 20 năm qua khi có lúc tiến gần vùng 110 điểm, tương đương tăng 15% so với đầu năm nay. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ với việc tăng nhanh lãi suất cơ bản USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thời gian qua cũng thúc đẩy sự tăng giá của đồng USD.
Cụ thể, tính từ tháng 3, FED đã có đến ba lần tăng lãi suất với tổng mức tăng 1,5%. Dự báo trong cuộc họp vào tháng 7 này, FED sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất cơ bản thêm 1% để ứng phó với lạm phát đã leo lên mức cao kỷ lục 40 năm qua trong tháng 6 vừa qua. Việc đồng USD mạnh lên đã đẩy các loại hàng hóa niêm yết theo USD giảm giá đáng kể, trong đó bao gồm cả thị trường vàng.
Nếu như những năm, chính sách nới lỏng tiền tệ đã bơm một lượng tiền rẻ vào các kênh đầu tư, đẩy giá tăng vọt, thì nay khi ngân hàng trung ương (NHTƯ) các nước thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại, nhiều loại tài sản chịu áp lực giảm giá là dễ hiểu. Không chỉ FED, NHTƯ Anh và mới đây là NHTƯ châu Âu (ECB) cũng đã bất ngờ tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm và cao hơn dự báo, với 0,5 điểm phần trăm. Với động thái này, lãi suất đồng euro trở lại ngưỡng 0, từ chỗ duy trì ở trạng thái âm trong thời gian kéo dài.
Nếu như những năm trước đây, giá vàng nội địa thường giảm chậm hơn giá thế giới nhưng khi tăng lại tăng nhanh hơn, thì những ngày qua việc giá vàng trong nước lao dốc mạnh hơn giá vàng quốc tế khiến không ít người ngạc nhiên. Lý giải về vấn đề này, giới phân tích cho rằng do thị trường xuất hiện những thông tin bên lề về thị trường vàng, trong đó có khả năng xóa độc quyền vàng miếng SJC khiến giá vàng miếng này trở lại với khung giá thế giới.
Chính sách quản lý vàng cũng đã được đặt ra tại kỳ họp Quốc hội gần đây. NHNN cho biết, Chính phủ sẽ đánh giá lại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng. Kể từ khi Nghị định 24 ra đời, thị trường vàng bị kiểm soát chặt hơn, các tổ chức kinh doanh vàng và tiệm vàng lớn ở TP.HCM liên tục thu hẹp hoạt động vì biên lợi nhuận ngày càng thấp.
Chính sách quản lý vàng cũng đã được đặt ra tại kỳ họp Quốc hội gần đây. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Chính phủ sẽ đánh giá lại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng. Kể từ khi Nghị định 24 ra đời, thị trường vàng bị kiểm soát chặt hơn, các tổ chức kinh doanh vàng và tiệm vàng lớn ở TP.HCM liên tục thu hẹp hoạt động vì biên lợi nhuận ngày càng thấp. Theo đó, thanh khoản vàng SJC hiện nay rất yếu. Từ chỗ chiếm 90% thị phần, nay chỉ còn 10%, giao dịch vài trăm lượng/ngày. Trong khi đó, việc nhập khẩu vàng lại bị kiểm soát chặt chẽ và chỉ có NHNN mới được quyền nhập khẩu vàng, do đó nguồn cung cũng có nhiều hạn chế.
Một yếu tố khác là trước việc giá vàng SJC duy trì mức chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới, có lúc lên tới 16 triệu đồng/lượng, nhiều người muốn tích lũy tài sản đã chuyển sang mua vàng nhẫn bốn số chín thay vì vàng miếng SJC, vì chất lượng như nhau nhưng chênh lệch giá giữa hai loại quá lớn.
Dù vậy, các tổ chức tài chính lớn trên thế giới dự báo, giá vàng có thể hưởng lợi trong bối cảnh lạm phát cao kết hợp kinh tế suy thoái đang có nguy cơ xảy toàn cầu. Khi đó, dòng tiền có thể lại hướng vào vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.