Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN 3:2009/BKHCN) có hiệu lực từ ngày 15/4/2010, nhưng đến thời điểm này, trên thị trường vẫn còn khá nhiều loại đồ chơi trẻ em chưa thực hiện quy định. Ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH-CN) một số nôi dung xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng |
Ông Vinh cho biết: Kể từ khi Quy chuẩn QCVN 3:2009/BKHCN có hiệu lực, các DN sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước đã nhận thức và thực hiện nghiêm túc theo các yêu cầu quy định. Tất cả các đồ chơi trẻ em được sản xuất trong nước cũng như đồ chơi nhập khẩu theo đường chính ngạch đều thực hiện đầy đủ các quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy. Tuy nhiên, đối với đồ chơi nhập lậu thì khác. Vẫn còn một số lượng đáng kể đồ chơi trẻ em được bày bán công khai trên thị trường, ở các cửa hàng nhỏ lẻ, bán rong chưa đạt tiêu chuẩn, chưa thực hiện các yêu cầu theo quy chuẩn, mang tính bạo lực hay vi phạm thuần phong mỹ tục.
- Theo ông, những lý do nào dẫn đến tình trạng nhiều DN, cửa hàng bán đồ chơi trẻ em chưa thực hiện quy chuẩn?
Đồ chơi không đạt tiêu chuẩn lọt vào thị trường nội địa chủ yếu qua đường nhập lậu hoặc nhập tiểu ngạch. Vào đến thị trường nội địa thì bung ra ở khắp mọi nơi, đặc biệt các đối tượng kinh doanh buôn bán mặt hàng này là những cửa hàng nhỏ lẻ hoặc hàng rong, bày bán trên vỉa hè. Họ buôn bán chỉ nhằm mục đích lợi nhuận mà không cần quan tâm có tác hại ra sao đến an toàn, văn hoá hay việc sử dụng những đồ chơi này có ảnh hưởng không tốt đối với việc hình thành ý thức, nhân cách của trẻ thơ.
Còn nhiều người tiêu dùng do nhận thức, không có thông tin hoặc coi thường hoặc do điều kiện kinh tế thì cũng sẵn sàng chấp nhận mua, sử dụng nó mà ít quan tâm đến hậu quả.
- Việc đồ chơi trẻ em không đạt tiêu chuẩn tràn ngập thị trường phải chăng do chế tài xử phạt vẫn chưa đủ mạnh, thưa ông?
Nói chung chế tài xử phạt còn nhẹ, không mang tính răn đe. Tuy nhiên, việc xử phạt đối với những người buôn bán nhỏ lẻ thì không nhẹ hoặc không hợp lý. Không ít người buốn bán đồ chơi không đạt tiêu chuẩn là những người bán hàng rong hay buôn bán nhỏ lẻ, bày bán trên vỉa hè kiếm ăn chật vật hàng ngày. Khi các lực lượng thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường đến thì họ cất giấu, trốn chạy, có thể bắt họ hôm nay, nhưng ngày mai họ vẫn tiếp tục phải bán để kiếm cái ăn.
- Vậy theo ông để hạn chế tình trạng này còn có những giải pháp nào?
Như đã nói ở trên, đồ chơi trẻ em không đạt tiêu chuẩn chủ yếu lọt vào thị trường VN từ con đường nhập lậu, nhập tiểu ngạch. Muốn chặn được nó, việc đầu tiên phải làm là kiểm soát tốt các cửa khẩu cũng như các con đường tiểu ngạch. Nhưng quan trọng hơn cả là tuyên truyền và nâng cao dân trí của người dân. Đây là một việc làm bền bỉ và lâu dài.
Đối với các DN phải vừa giám sát, vừa tuyên truyền. Tất cả phải cùng nhau xây dựng một văn hoá trong kinh doanh. Các DN cần phải hiểu buôn bán kinh doanh đồ chơi không đạt tiêu chuẩn là vi phạm pháp luật, sớm muộn sẽ có kết cục bất lợi. Kinh doanh đồ chơi không đạt tiêu chuẩn vừa không có lợi cho DN về lâu dài và gây hại cho xã hội, cho con em của chính họ.
Còn người tiêu dùng cũng phải xây dựng văn hoá tiêu dùng. Tại nhiều quốc gia tiên tiến, chỉ cần cơ quan chức năng ra khuyến cáo là lập tức mặt hàng đó sẽ bị thị trường tẩy chay.
Ở VN tâm lý dễ dãi trong tiêu dùng vẫn còn khá phổ biến. Nhiều người còn dễ dãi ngay cả đối với đồ ăn thức uống chứ chưa nói đến đồ chơi. Chỉ đến khi trong người có bệnh mới nghĩ đến chuyện truy nguyên nguồn gốc của các loại chất độc trong thức ăn.
Đồ chơi không đạt quy chuẩn hoặc không phù hợp về thuần phong mỹ tục sẽ gây thiệt hại âm ỉ và khó nhận ra. Nhiều bậc phụ huynh khó có thể tìm ra nguồn cơn khi con trẻ có những biểu hiện, đức tính không phù hợp với văn hoá, thuần phong mỹ tục. Giáo dục nhân cách của trẻ em cũng có một phần ảnh hưởng khá lớn từ đồ chơi. Đồ chơi trẻ em vấn đề tưởng nhỏ nhưng ảnh hưởng ý thực hệ thì vô cùng lớn. Do vậy, các bậc phụ huynh, người tiêu dùng cần quan tâm hơn nữa.
- Xin cảm ơn ông!