Tuy nhiên, cần phải nhìn thẳng vào một sự thật là Việt Nam vẫn đang đối diện với tình trạng tụt hậu ngày càng xa hơn về thu nhập bình quân đầu người tính bằng số tuyệt đối so với bình quân chung của thế giới và khu vực với tốc độ khá nhanh.
Nhờ có đường lối của Đảng về đổi mới, nền kinh tế đất nước mới có Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 và đặc biệt là Luật Doanh nghiệp năm 1999. Đây là những bộ luật thúc đẩy, khuyến khích sự ra đời và phát triển kinh tế tư nhân. Một trong những nội dung mang tính cách mạng của Luật Doanh nghiệp 1999 là người dân có thể làm bất kỳ việc gì mà pháp luật không cấm thay cho công thức người dân chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép - một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội nhiều chục năm trước đó.
Trên cơ sở sự thay đổi rất quan trọng ấy, ngay từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp. Nhiệm vụ hàng đầu của Tổ là đưa thật nhanh Luật Doanh nghiệp vào cuộc sống, trong thời gian ngắn phải xóa bỏ được khoảng một nửa giấy phép con. Đồng thời Thủ tướng Phan Văn Khải đề ra mục tiêu nước ta phải có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2010.
Ai cũng vui mừng và rất hy vọng vào hệ thống doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh để doanh nghiệp tư nhân phát triển không những không được cải thiện như mục tiêu ban đầu đã đề ra, mà trong một số mặt còn có biểu hiện ngược lại. Ví dụ, tình trạng “xin - cho” vẫn tiếp tục rất nghiêm trọng, “giấy phép con” tăng nhanh.
Tuy đã có nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng đến nay tình trạng “xin - cho” vẫn tiếp tục, thủ tục hành chánh có cắt giảm nhưng rất thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hệ quả tất yếu của môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản là doanh nghiệp tư nhân không phát triển như mong đợi, khả năng cạnh tranh vốn đã yếu càng yếu hơn, trong khi nên kinh tế hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng hơn.
Trong thời gian dài, trong khi doanh nghiệp nhà nước được coi là “con đẻ”, được ưu đãi về tiếp cận các nguồn lực, thì doanh nghiệp tư nhân bị coi là “con nuôi”. Do đó doanh nghiệp tư nhân phải vật lộn với cảnh “trên rải thảm, dưới rải đinh”, bị phân biệt đối xử.
Bởi vậy mà khu vực kinh tế tư nhân không lớn lên được, vẫn như “đoàn thuyền thúng ra khơi”. Cần lưu ý rằng, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 98% tổng số doanh nghiệp nước ta. Trong số doanh nghiệp vừa và nhỏ thì doanh nghiệp siêu nhỏ là chủ yếu, chiếm đến 74 - 75%. Hiện nay, trong khoảng 700.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, số doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa chỉ chiếm lần lượt 0,65% và 5,85%, còn lại 93,5% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, dù họ không xác định kinh tế tư nhân là “xương sống”, hay “nền tảng”, hay “động lực”, nhưng doanh nghiệp tư nhân luôn phát triển, đóng góp ít nhất 80 - 85% GDP cho đất nước. Những tập đoàn, công ty tư nhân hùng mạnh làm đầu tàu cho cả nền kinh tế luôn là niềm tự hào của quốc gia.
Qua các kỳ Đại hội Đảng, vị trí và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã được khẳng định và nhấn mạnh. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016 cũng chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (tháng 5/2017) đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP). Nghị quyết được đánh giá là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 10, Khoá XII mới đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân”.
Điều đáng ghi nhận là Chính phủ với tinh thần đổi mới, kiến tạo phát triển đã cam kết tiếp thu những giá trị mang tính phổ quát về phát triển kinh tế thị trường “hiện đại và hội nhập”, để đảm bảo tài sản, sở hữu cho giới đầu tư. Điều này phản ảnh nhận thức rõ ràng của các nhà lãnh đạo đất nước, rằng chỉ khi nào người dân bỏ tiền ra đầu tư, kinh doanh thì đất nước mới có nền kinh tế phát triển mạnh.