Việc đưa tình huống thực tế vào giảng dạy hiện rất phổ biến tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhất là ở các ngành kinh tế, quản trị. Tuy nhiên, đa phần giáo trình chỉ sử dụng tình huống thực tế của doanh nghiệp nước ngoài, trong khi thể chế, chính sách và văn hóa của Việt Nam rất khác biệt nên sinh viên khó hiểu và không thể áp dụng được.
Hiểu được điều này, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã và đang trao tặng Tủ sách Doanh nhân cho các trường đại học với mong muốn sinh viên được đọc những cuốn sách hữu ích về kinh doanh và soi rọi bản thân từ những tấm gương doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Đây là hoạt động được các trường đại học hoan nghênh, hưởng ứng, nhưng những cuốn sách này lại có phần hạn chế, khó đưa vào giảng dạy.
Từ thực tế này, tại buổi thảo luận, ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đề xuất việc phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM để nghiên cứu, thực hiện chuỗi hoạt động kết nối các doanh nghiệp tiêu biểu. Từ đó, xây dựng một giáo trình những tình huống thành công và thất bại của các doanh nghiệp Việt Nam để đưa vào giảng dạy cho sinh viên. Qua đó, giúp sinh viên Việt tự hào và yêu thích doanh nhân, doanh nghiệp Việt cũng như góp phần quảng bá hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới.
Ông Trần Hoàng đề xuất xây dựng giáo trình giảng dạy từ những tình huống thành công và thất bại của doanh nhân Việt Nam |
Ông Trần Hoàng nhấn mạnh: “Chúng ta không nghiên cứu tình huống trong doanh nghiệp cụ thể mà nghiên cứu tình huống trong từng lĩnh vực, ngành nghề có thế mạnh của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Tài liệu này sẽ phục vụ cho sinh viên, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực đó và cả cơ quan quản lý nhà nước”.
Nhìn nhận thực tế này, TS. Đỗ Thành Lưu - Trưởng Bộ môn Quản trị vận hành, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Văn Lang cho biết, thực tế các giảng viên dạy từ sách tiếng Anh nhưng không “Việt hóa” được các tình huống, do đó, phải tham khảo thêm từ báo, tạp chí kinh tế nhưng không có nhiều.
ThS. Nguyễn Thanh Phương - Trưởng Phòng Quan hệ Doanh nghiệp và Việc làm, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng thừa nhận trường đang sử dụng giáo trình của nước ngoài và việc truyền đạt cho sinh viên như thế nào phụ thuộc nhiều vào cái tâm và vốn sống của thầy cô. Do đó, việc “Việt hóa” các tình huống kinh doanh để giảng dạy cho sinh viên là điều rất cần thiết.
ThS. Nguyễn Thanh Phương cho rằng, còn nhiều hạn chế khi giảng dạy bằng giáo trình nước ngoài |
PGS-TS. Trần Lê Quan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) đánh giá đây là ý tưởng hay, giúp sinh viên hiểu được thành công và thất bại của doanh nghiệp và rút kinh nghiệm cho bản thân. Tuy nhiên, ông băn khoăn làm sao để doanh nghiệp cởi mở chia sẻ bài học thất bại của mình? TS. Trần Lê Quan cho biết thêm: “Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM chủ yếu đào tạo khoa học cơ bản, nhưng chúng tôi nhận thấy nếu chỉ giỏi khoa học công nghệ mà không tiếp cận kinh doanh, quản trị thì sau này sinh viên đi làm cũng khó đột phá trong sự nghiệp. Do đó, chúng tôi muốn tham gia cùng Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và các trường khác để tìm hiểu thêm về lĩnh vực này để đưa vào giáo trình giảng dạy cho sinh viên”.
Đồng tình với ý kiến này, ThS. Lê Thành Hưng - Phó trưởng Khoa Kinh tế Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM nhận định đây là chương trình rất bổ ích cho sinh viên, nhà trường và xã hội. Ông đề nghị: “Hiện các trường đại học đang lãng phí đồ án tốt nghiệp của sinh viên và các luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Mỗi năm, khoa kinh tế có hàng nghìn sinh viên ra trường, mỗi sinh viên phải mất rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu một tình huống cụ thể... Nếu chúng ta tận dụng được các công trình nghiên cứu này thì sẽ rất phong phú, hiệu quả”. ThS. Lê Thành Hưng còn cho biết thêm, các tình huống đó phải được thể hiện bằng nhiều hình thức như video, game để truyền cảm hứng cho sinh viên, qua đó, giúp các em phát triển kỹ năng ra quyết định, giải quyết vấn đề.
PGS-TS. Trần Lê Quan ủng hộ ý tưởng xây dựng giáo trình giảng dạy từ các tình huống của doanh nghiệp Việt Nam |
Còn Ths. Bùi Phan Khánh - Trưởng Bộ phận Phát triển Năng lực Nghề nghiệp - Trung tâm Dịch vụ Sinh viên, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM đề nghị tổ chức mô hình giảng viên doanh nhân cho các trường để sinh viên được học từ những tình huống thực tế sống động của doanh nghiệp Việt. Trả lời vấn đề này, ông Trần Hoàng cho biết Doanh Nhân Sài Gòn đã và đang triển khai việc này qua chương trình giao lưu doanh nhân - sinh viên "Hành trang lập nghiệp qua những trang sách". Chương trình đã đến nhiều trường đại học tại TP.HCM và sẽ tiếp tục diễn ra tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin sáng 21/4/2022.
Ông Trần Hoàng cho biết thêm, doanh nhân thường có kinh nghiệm kinh doanh nhưng không có kỹ năng sư phạm. Do đó, Doanh Nhân Sài Gòn đã kết nối Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM lên kế hoạch mở các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho doanh nhân để việc giảng dạy có hiệu quả hơn, đồng thời, lập đề án nghiên cứu danh nhân Lương Văn Can có phải là người thầy đầu tiên của giới doanh nhân hay không. Từ đó, có thể đề xuất danh nhân Lương Văn Can trở thành hình mẫu truyền cảm hứng cho doanh nhân Việt Nam.
Đại diện các trường chụp ảnh lưu niệm cùng tượng danh nhân Lương Văn Can, hình mẫu truyền cảm hứng cho doanh nhân Việt Nam |
Đánh giá tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp hiện nay, ông Trần Hoàng bày tỏ mong muốn xây dựng được đội ngũ doanh nhân trong tương lai biết kinh doanh chân chính, vừa làm giàu cho bản thân, vừa góp phần xây dựng nền kinh tế quốc gia vững mạnh. Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can của Doanh Nhân Sài Gòn cũng không nằm ngoài mục tiêu này.
Đại diện các trường đại học tham gia buổi thảo luận đều ủng hộ việc nghiên cứu, xây dựng “giáo trình sống” từ tình huống của các doanh nghiệp Việt Nam và cho biết sẽ phối hợp và hỗ trợ để chương trình sớm thực hiện, từ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy và học tập tại các trường đại học cũng như góp phần xây dựng nên đội ngũ doanh nhân trong tương lai đủ khả năng ngang tầm khu vực và thế giới.