Sức hấp dẫn của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm được thể hiện rõ nét qua diễn biến cuộc IPO (bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) thời gian qua.
Đọc E-paper
Ngay khi cổ phiếu của Vissan lần đầu ra công chúng (vào đầu tháng 3/2016), số lượng đăng ký mua gấp 5,6 lần so với số lượng công bố bán và giá đấu thành công cũng tăng đến đến 4,7 lần giá khởi điểm. Không những thế, cuộc đua của các "đại gia thực phẩm" để sở hữu cổ phần Vissan cũng nóng "hầm hập" trên thị trường đầu năm 2016 khi 2 công ty con của Masan là Công ty CP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) và Công ty CP Việt Pháp (Proconco) cùng với CJ CheilJedang - thành viên của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đều muốn trở thành cổ đông chiến lược của Vissan. Cuối cùng, Anco với chiến lược giá mua cao đã chiến thắng cuộc đua này.
Việc Anco chi ra đến 2.130 tỷ đồng để nắm giữ 24,9% cổ phần Vissan được chuyên gia trong ngành đánh giá là "khá mạo hiểm". Chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên của công ty hồi năm ngoái, đại diện Masan (công ty mẹ của Anco) cũng thừa nhận, mức giá bỏ ra để mua cổ phần Vissan là khá cao nếu xét trên góc độ giao dịch chứng khoán thông thường. Nhưng Masan mua cổ phần Vissan là để rút ngắn quá trình phát triển chuỗi giá trị 3F (Feed - Farm - Food). Bởi thị trường thịt của Việt Nam trị giá khoảng 18 tỷ USD và còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Vì sao Vissan tạo được sức hút lớn như thế? Theo các chuyên gia, lợi thế lớn nhất của Vissan nằm ở hệ thống phân phối và là đơn vị đầu ngành kinh doanh thực phẩm với nhiều mặt hàng đang chiếm lĩnh thị phần. Cụ thể, Vissan hiện đang giữ đến 65% thị phần xúc xích, 75% thị phần lạp xưởng, 40% thị phần hàng đông lạnh, 30% thị phần giò chả, 20% thị phần đồ hộp... Công ty cũng sở hữu hệ thống phân phối với hơn 130.000 điểm bán và đặt mục tiêu đạt 150.000 điểm bán trên toàn quốc vào cuối năm nay.
Về kinh doanh, hằng năm, Vissan đạt doanh thu trên 3.500 tỷ đồng (năm 2016 đạt 3.684 tỷ đồng) với 3 nhóm sản phẩm chính là thực phẩm tươi sống (thịt heo, bò, gà), thực phẩm chế biến (xúc xích, lạp xưởng, thịt hộp), thực phẩm chế biến mát - đông lạnh (chả giò, nem nướng, jambon, thịt xông khói, giò...). Trong đó 2 sản phẩm chính đóng góp phần lớn doanh thu là thịt heo và xúc xích. Mảng thực phẩm tươi sống của Vissan hiện đang chiếm khoảng 8 - 10% quy mô thị trường.
Tại TP.HCM, Vissan là nhà cung cấp lớn nhất trong lĩnh vực này, gồm thịt heo, bò, gà. Mỗi ngày, Công ty cung cấp 100 tấn thịt heo cho TP.HCM thông qua các siêu thị SatraMart, Co.opmart, Vinmart... Nhu cầu thịt heo sống hằng ngày tại TP.HCM là khoảng 10.000 con trong khi công suất của Vissan là 1.500 con. Công ty có nguồn nguyên liệu riêng của mình, được chọn từ chính trại chăn nuôi của Vissan ở Bình Dương, có chứng nhận VietGap và an toàn dịch bệnh.
>>Thực phẩm tiện lợi: Ăn nhanh, đánh gọn
Nhưng Vissan không dừng ở số lượng cung cấp trên. Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017, các cổ đông của Vissan đã thống nhất thông qua kế hoạch tăng sản lượng nhóm thực phẩm tươi sống lên 35%, đạt 30.670 tấn (trong đó có 28.500 tấn thịt heo và 2.170 tấn thịt bò), thực phẩm chế biến tăng 14,5% lên 19.760 tấn.
Công ty cũng đặt mục tiêu tăng 23% tổng doanh thu lên mức 4.545 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 156 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016. Vào quý III năm nay, Vissan sẽ tung ra thị trường sản phẩm thịt heo không kháng sinh và có truy xuất nguồn gốc với số lượng 10.000 đang nuôi ở trang trại Đồng Nai và Bình Thuận. Toàn bộ số thịt heo này sẽ được bán ở thị trường miền Nam.
Ông Văn Đức Mười - nguyên Tổng giám đốc Vissan - từng cho rằng với sự có mặt của Anco (công ty này đang đầu tư một trang trại lớn về chăn nuôi heo và có lợi thế là sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ tạo điều kiện tốt hơn nữa cho Vissan xây dựng và hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bền vững Feed - Farm - Food "từ trang trại tới bàn ăn", truy xuất nguồn gốc để cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.
Và hiện tại, Vissan đang đẩy mạnh triển khai đầu tư theo mô hình chuỗi sản xuất khép kín 3F, nhiều giải pháp giúp nhóm thực phẩm chế biến phát triển. Theo kế hoạch đến năm 2018, dự án cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan có quy mô 22,4 hecta dự kiến hoàn thành sẽ phục vụ việc chế biến các sản phẩm thực phẩm cao cấp có giá trị cao.
Trước đó, vào giữa năm 2015, Vissan đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng mở rộng giai đoạn 2 nhà máy chế biến thực phẩm tại Bắc Ninh với năng lực sản xuất 20.000 tấn sản phẩm chế biến/năm, gấp 6 lần công suất trước đó. Tại đại hội, các cổ đông cũng đã thống nhất tiếp tục đầu tư dự án cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan (vốn đầu tư 1.307 tỷ đồng) và kho trung chuyển tại KCN Tân Tạo với vốn đầu tư gần 280 tỷ đồng.
Về tỷ lệ sở hữu, hiện nay, Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) đang giữ 67,76% vốn, Anco sở hữu 24,9% vốn và Tập đoàn CJ CheilJedang giữ 3,8% vốn của Vissan.
Chia sẻ bên lề đại hội cổ đông năm 2017, ông Văn Đức Mười cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đang có tham vọng tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Công ty. Cụ thể, Satra đang có lộ trình giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Vissan và sẽ tiến hành thoái vốn sớm. Trong khi đó, CJ CheilJedang đang có ý định tăng tỷ lệ sở hữu vốn tại Vissan.