Những ngày qua, tình trạng một số điểm bán xăng dầu đóng cửa, hạn chế bán hàng không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận chuyển. Họ không chỉ bị thua lỗ khi giá xăng tăng cao mà còn đứng trước nguy cơ phá sản vì khó tiếp cận nguồn cung xăng dầu. Cùng lúc, sự chậm trễ vì không có phương tiện di chuyển của người lao động cũng làm hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp khác bị đình trệ.
Bị ảnh hưởng trực tiếp và khổ nhất có lẽ là các doanh nghiệp vận tải, họ đang phải loay hoay tìm giải pháp. Ông Võ Duy Thanh – Giám đốc Công ty Vận tải Phước Hưng lo lắng: "Mức giá xăng hiện tại đã giảm so với thời điểm đầu tháng 7, nhưng giá này vẫn chưa ổn định. Đặc biệt tình trạng khan hiếm xăng trong vài ngày qua ảnh hưởng đến kế hoạch vận hành, khai thác của công ty. Việc chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là làm sao để cân bằng chi phí, nhằm mục đích duy trì hoạt động, chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm cuối năm...".
Ông Thanh cũng bày tỏ: "Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, bằng những phương án khác nhau từ các cơ quan chức năng giá xăng, dầu sẽ giảm và nguồn cung ổn định hơn, nhất là đừng rơi vào tình trạng “kẹt xăng” như những ngày gần đây".
Công ty may mặc cũng gặp khó khi người lao động chậm giờ làm vì chờ đợi mua xăng |
Bên cạnh Phước Hưng, Công ty Thuyền buồm Đông Dương cũng đứng trước nhiều thách thức. "Mấy ngày qua là chuỗi ngày dài khi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tàu du lịch của chúng tôi rất khó mua đủ nhiên liệu hoạt động. Trước đây, chúng tôi mua dầu trực tiếp từ Petrolimex, mỗi lần khoảng 3.000 lít cho khoảng 14 ngày hoạt động. Tập đoàn xăng dầu này sẽ dùng xe chuyên dụng đến cảng để bơm trực tiếp xuống tàu. Mấy hôm nay, lượng dầu doanh nghiệp mua được chỉ khoảng 200 – 500 lít nhưng cũng nhỏ giọt. Để mua đủ nhiên liệu, chúng tôi phải đi lùng ở nhiều cửa hàng. Mua được vài trăm lít nhiên liệu thì phải chịu thêm cước phí vận chuyển về bến cảng, thêm nhân sự để lắp đặt hệ thống bơm vào tàu", ông An Sơn Lâm - nhà sáng lập Thuyền buồm Đông Dương than phiền.
Theo ông Lâm, hoạt động kinh doanh tàu du lịch nói riêng hay hoạt động đường thủy nói chung, nếu sử dụng tiếp nhiên liệu thì khó và phức tạp hơn hoạt động vận chuyển trên cạn. Vì việc tiếp nhiên liệu lên tàu vừa tốn thêm chi phí, nhân công, vừa hao hụt nhiên liệu trong quá trình chiết rót. Mức chi phí của doanh nghiệp vì vậy đã tăng khoảng 20% so với trước.
Nếu tình trạng khan hiếm xăng dầu kéo dài, Thuyền buồm Đông Dương không chỉ gặp khó vì không đủ nhiên liệu để hoạt động mà còn phải chịu tổn thất về tài chính khi chi phí tăng. Để giải quyết tình trạng này, ông Lâm nêu ý kiến: "Tôi cho rằng, Chính phủ nên sớm can thiệp, chỉ đạo sát sao các đơn vị liên quan bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu theo nhu cầu; xuất quỹ bình ổn xăng dầu để ổn định giá thị trường; có chính sách phù hợp cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu, bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp, tránh tình trạng càng bán càng lỗ như các doanh nghiệp xăng dầu phản ánh hiện nay".
Với Công ty chuyển nhà quốc tế Evolve Mobility, góc nhìn về tình trạng khan hiếm xăng dầu vừa qua có khác. Ông Vũ Văn Tuấn - Giám đốc điều hành Evolve Mobility phân tích: "Có thể chúng tôi may mắn khi đa số các phương tiện của công ty đều đủ nhiên liệu để hoạt động nên không gặp phải cảnh “xếp hàng chờ tới lượt”. Mặt khác, với dịch vụ chuyển nhà trong nội thành thì chi phí vận tải không ảnh hưởng quá lớn, vì chi phí vận tải chỉ chiếm một phần nhỏ trong dịch vụ của Công ty, nhưng nếu phải chuyển nhà ở các tỉnh thành khác hoặc quốc tế thì sẽ có ảnh hưởng không hề nhỏ. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu tình hình này không được kiểm soát hoặc giá xăng, dầu biến động liên tục chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chi phí nguyên vật liệu đóng gói, chi phí vận hành, liên quan đến việc di chuyển của nhân viên. Vì thế, chúng tôi mong Nhà nước cần sớm bình ổn thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp “ghim hàng” (nếu có) và phải bảo đảm lợi ích cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu".
Còn các công ty sản xuất, tuy không trực tiếp gặp vấn đề về nguồn nhiên liệu thì lại gặp khó vì người lao động trễ giờ làm việc. Ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc Công ty CP Mubada chuyên sản xuất trang phục thể thao cho biết: "Trong những ngày qua, tình trạng “khan” xăng, xăng điều chỉnh tăng giá cũng ảnh hưởng đến hoạt động của công ty chúng tôi và tôi nghĩ hầu hết các công ty cũng hứng chịu mức độ ảnh hưởng khác nhau. Dễ thấy nhất là việc nhân viên đi làm trễ do đứng chờ đổ xăng quá lâu và công việc giao nhận hàng hóa không thể đúng giờ như trước".
Ông Kiên mong Nhà nước sẽ có những điều chỉnh kịp thời về chính sách, có giải pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp xăng dầu sớm trở lại hoạt động bình thường, giúp các doanh nghiệp khác trong đó có Mubada ổn định sản xuất. Ông hy vọng: "Thực tế những ngày qua cho thấy vấn đề xăng dầu là rất nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống xã hội. Tôi hy vọng Nhà nước sẽ có những giải pháp phù hợp để chúng ta không bị rơi vào cảnh mất an ninh năng lượng”.