Vụ rò rỉ đường ống phơi bày điểm yếu của châu Âu

Vũ Hoàng| 28/09/2022 04:00

Ba sự cố rò rỉ liên tiếp tại hai đường ống khí đốt Nord Stream từ Nga sang Đức cho thấy hạ tầng năng lượng châu Âu dễ bị tổn thương thế nào.

Nord Stream AG, đơn vị vận hành đường ống khí đốt Nord Stream 2, hôm 26/9 phát hiện sự cố sụt áp đột ngột, có thể là do một lỗ rò rỉ, trên hệ thống dẫn khí từ Nga tới Đức đi qua biển Baltic. Cơ quan Năng lượng Đan Mạch sau đó cho biết một trong hai đường ống Nord Stream 2 trong vùng biển nước này đã bị rò rỉ.

Vài giờ sau đó, Nord Stream AG thông báo tiếp tục ghi nhận hiện tượng giảm áp suất trên Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt khác từ Nga đến Đức chạy song song với Nord Stream 2. Cơ quan Hàng hải Thụy Điển cho hay đã phát hiện hai vị trí rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 ở vùng biển Thụy Điển và Đan Mạch.

Các bong bóng khí rò rỉ từ đường ống Nord Stream 2 nổi lên bề mặt biển Baltic, gần đảo Bornholm của Đan Mạch, hôm 27/9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch.

Các bong bóng khí rò rỉ từ đường ống Nord Stream 2 nổi lên bề mặt biển Baltic, gần đảo Bornholm của Đan Mạch, hôm 27/9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch.

Hình ảnh do quân đội Đan Mạch chụp cho thấy những đám bọt khí có đường kính 200-1.000 m nổi lên mặt nước từ ba vị trí rò rỉ thuộc hệ thống Nord Stream nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này và Thụy Điển.

Mạng lưới Địa chấn Quốc gia Thụy Điển đã ghi nhận hai vụ "giải phóng năng lượng lớn" ngay gần vị trí rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 ở ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch. Peter Schmidt, nhà địa chấn học của Đại học Uppsala, nhận định đây là kết quả của các vụ nổ dưới lòng biển.

Thông tin này làm dấy lên những đồn đoán về việc hai đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu đã "bị tấn công" bằng thuốc nổ và đây có thể là một âm mưu phá hoại. Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Đan Mạch Kristoffer Bottzauw đánh giá các lỗ rò rỉ là rất lớn và có thể mất một tuần để khí đốt ngừng thoát ra khỏi đường ống Nord Stream 2.

Simone Tagliapietra, chuyên gia cấp cao tại tổ chức tư vấn Bruegel tại Brussels, Bỉ, nhận định hoạt động tấn công đường ống Nord Stream có thể là đòn giáng vào hệ thống an ninh năng lượng vốn đang rất mong manh của châu Âu. Loạt sự cố rò rỉ sẽ "gây thêm căng thẳng cho thị trường khí đốt EU, ngay cả khi dòng chảy qua Nord Stream đã bị cắt", ông nói. "Đây cũng là một tín hiệu cho thấy Nga sẽ chia cắt mãi mãi về năng lượng với Tây Âu và Đức".

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với các lãnh đạo doanh nghiệp nước này rằng những vụ rò rỉ là do các cuộc tấn công có chủ đích và Berlin biết chắc chắn rằng "chúng không phải do sự cố hay do các hiện tượng tự nhiên gây ra".

Thủ tướng Thụy Điển và Đan Mạch nói vụ rò rỉ rõ ràng là do các hành động cố ý, với các thông tin đến nay đều nghiêng về giả thuyết các đường ống bị phá hoại. Thủ tướng Ba Lan cũng có nhận định tương tự, song không nêu bằng chứng cụ thể. "Chúng ta đang nói về ba điểm rò rỉ với khoảng cách không quá xa nhau. Rất khó tin đó chỉ là trùng hợp", Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói.

Công nhân lắp đặt đường ống Nord Stream 2 năm 2018. Ảnh: DPA.

Công nhân lắp đặt đường ống Nord Stream 2 năm 2018. Ảnh: DPA.

Nga cũng nói rằng khả năng các đường ống bị phá hoại là có thể xảy ra và những vụ rò rỉ này đang làm suy yếu an ninh năng lượng của châu Âu. Sự cố xảy ra khi một đường ống dẫn khí đốt mới giữa Na Uy và Ba Lan được khánh thành hôm 27/9. Một vụ phá hoại nhằm vào đường ống Nord Stream trong thời điểm này sẽ có tác dụng truyền đi thông điệp răn đe, theo Tagliapietra.

"Trong mọi trường hợp, đây sẽ là lời nhắc nhở rõ ràng về mức độ rủi ro đối với các cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu", chuyên gia này bình luận. Một quan chức cấp cao của Ukraine cáo buộc Nga gây ra các cuộc tấn công hệ thống đường ống Nord Stream nhằm kích động bất ổn ở châu Âu, song không cung cấp bằng chứng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tối 27/9 viết trên Twitter rằng bà đã nói chuyện với Thủ tướng Đan Mạch về "hành động phá hoại" nhằm vào các đường ống Nord Stream, đồng thời kêu gọi mở một cuộc điều tra về vấn đề này.

"Bất kỳ hành vi cố ý nào nhằm làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng đang hoạt động của châu Âu đều không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến phản ứng đáp trả mạnh mẽ nhất có thể", bà tuyên bố.

Một phần đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức hôm 30/8. Ảnh: Reuters.

Một phần đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức hôm 30/8. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng quá trình điều tra sẽ mất rất nhiều thời gian vì phải điều động tàu ngầm thăm dò đáy biển nơi đặt các đường ống khí đốt. Cả hai đường ống bị rò rỉ hiện đều không bơm khí đốt đến châu Âu, bởi Nord Stream 2 chưa đi vào hoạt động, còn Nord Stream 1 đã bị Nga đóng từ hồi tháng 8 với lý do trục trặc kỹ thuật tại trạm nén khí. Tuy nhiên, loạt sự cố sẽ hủy hoại mọi kỳ vọng còn sót lại rằng châu Âu có thể nhận được khí đốt Nga qua đường ống Nord Stream 1 trước mùa đông, giới quan sát đánh giá.

Julian Pawlak, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Đức, nhận định vụ rò rỉ Nord Stream là bằng chứng thuyết phục cho thấy các cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu phải đối mặt với rủi ro lớn như thế nào từ những cuộc tấn công từ bên ngoài. Đây cũng là lời nhắc nhở châu Âu rằng cơ sở hạ tầng năng lượng của họ rất dễ bị tổn thương, ngay cả khi họ đang dần thoát khỏi phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ Nga.

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hồi tháng 6 đã cảnh báo một số quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, rằng đường ống Nord Stream có thể bị tấn công phá hoại, theo một số quan chức cấp cao Mỹ am hiểu vấn đề. Họ từ chối cho biết liệu cảnh báo đó có xác định Nga là bên tấn công tiềm tàng hay không và giới chức Mỹ cũng chưa thể kết luận ai chịu trách nhiệm cho các vụ rò rỉ hiện nay.

"Thông điệp rõ ràng nhất ở đây là những gì xảy ra với một đường ống đang bị đóng cũng có thể diễn ra với các đường ống đang hoạt động hay tuyến cáp dưới biển hoặc bất kỳ cơ sở hạ tầng nào khác", chuyên gia Pawlak nói.

(Theo VnExpress)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vụ rò rỉ đường ống phơi bày điểm yếu của châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO