![]() |
Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân Covid-19 khỏi xe cấp cứu ở lối vào bệnh viện tại Jerusalem ngày 18/10. Ảnh: Reuters. |
Cụ thể, hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận 40.278.207 ca bệnh, 1.118.321 người chết, số hồi phục là 30.112.204, theo dữ liệu từ WorldoMeter. Đồng thời, cuối tuần trước, tổng số ca bệnh ghi nhận trong 24 giờ lần đầu tiên tăng hơn 400.000 vào ngày 16/10/2020 - mức kỷ lục kể từ đầu dịch.
Trong đó, nếu xét theo khu vực, châu Âu đang ghi nhận nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới hằng ngày hơn so với cả Ấn Độ, Brazil và Mỹ cộng lại. Hiện, một số quốc gia châu Âu đã phải buộc đóng cửa trường học và huy động thêm sinh viên ngành y để ứng phó với đợt bùng phát mới của đại dịch.
Tại Pháp, tổng số ca nhiễm đã lên tới 897.034 ca, với 33.477 người chết. Ước tính, các bệnh nhân sẽ sớm lấp đầy toàn bộ giường chăm sóc tích cực tại hệ thống bệnh viện ở Paris.
Trước diễn biến này, Tổng thống Emmanuel Macron đã ban bố lệnh giới nghiêm từ 21g00 đến 6g00 sáng hôm sau ở Paris và 8 thành phố lớn khác trong 6 tuần, kể từ ngày 17/10/2020. Đi lại vì mục đích thiết yếu vào khung giờ này vẫn được cho phép. Người vi phạm sẽ bị phạt 135 EUR.
Link bài viết
Riêng tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel trong cùng ngày đã thúc giục người dân hạn chế tiếp xúc và giới hạn tối đa việc đi lại, sau khi chính quyền liên bang và địa phương vẫn chưa nhất trí các biện pháp ngăn chặn làn sóng dịch thứ hai.
Khi Covid-19 lần đầu tấn công châu Âu, Đức được ghi nhận là đã thực hiện các biện pháp sớm và ngăn chặn virus tốt hơn nhiều nước khác, song đến lần này, các vết nứt trong thể chế liên bang đã bắt đầu lộ ra.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cách đây 5 ngày cho biết, dù quyết định phong tỏa toàn quốc thêm một lần nữa chắc chắn sẽ là "thảm họa", song cũng không thể loại bỏ phương án này khi diễn biến dịch bệnh đang hết sức phức tạp. Tại Anh, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cập nhật đến sáng nay là 722.409 và 43.646.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng bày tỏ sự lo lắng khi số ca Covid-19 mới ở châu Âu tăng 44% trong 1 tuần. Theo Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge, đã đến lúc châu Âu "tăng cường các biện pháp" vì số ca nhiễm đang tăng ở lục địa già là "mối lo ngại lớn".
Tuy nhiên, vị giám đốc cho rằng, tình hình hiện tại không tồi tệ như hồi đỉnh dịch vào tháng 3 và tháng 4/2020, cũng như khuyên giới chức nên tránh phong tỏa hoàn toàn đất nước vì thiệt hại kinh tế đối với người dân là quá lớn.
Dù vậy, châu Âu không thể chủ quan trước dịch bệnh, khi nhiệt độ giảm xuống vào mùa đông trong thời gian tới có thể là điều kiện "hoàn hảo" để SARS-CoV-2 hoạt động mạnh mẽ hơn. Theo một nghiên cứu đến từ nhóm chuyên gia thuộc Viện Khoa học Quốc gia Australia (CSIRO), SARS-CoV-2 tồn tại lâu hơn trong điều kiện nhiệt độ thấp hơn.
"Ở nhiệt độ 20 độ C, tương đương với nhiệt độ phòng, chúng tôi nhận thấy SARS-CoV-2 hoạt động cực kỳ mạnh mẽ và có thể sống sót đến 28 ngày trên các bề mặt trơn láng như mặt kính màn hình điện thoại và tiền polymer", Tiến sĩ Debbie Eagles - Phó giám đốc Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh Australia nói.
"Để so sánh, virus cúm A chỉ có thể tồn tại trên bề mặt 17 ngày trong điều kiện thí nghiệm tương tự, qua đó cho thấy mức độ chống chịu của SARS-CoV-2 là lớn như thế nào".