Năm 2021: Tài sản các tỷ phú tăng kỷ lục

Nguyễn Hưng| 02/02/2022 06:00

Theo Forbes, bất chấp những tiêu cực do Covid-19 gây ra, trong số 2.660 tỷ phú hiện nay trên thế giới, có 1.800 người có khối tài sản "tăng chóng mặt" trong năm 2021.

tỷ phú trong top 10 người kiếm tiền nhiều nhất thế giới thuộc về Mỹ, tất cả đều ở lĩnh vực công nghệ. Các tỷ phú người Mỹ này đã làm giàu thêm 304 tỷ USD với mức tăng trung bình 51%. Năm 2021, các tỷ phú tại Ấn Độ, Pháp, Trung Quốc, Hồng Kông cũng tăng nhanh chóng khối tài sản ròng. Dưới đây là những tỷ phú kiếm tiền nhiều nhất thế giới năm qua.

Elon Musk (Mỹ): giá trị tài sản ròng 265,4 tỷ USD, tăng 109,8 tỷ USD

90-1-6903-1643615416.jpg

Có thể nói 2021 là "năm của Elon Musk". CEO của Tesla và SpaceX này đã bán các biệt thự ở California và chuyển đến một ngôi nhà thuê, trở thành tỷ phú không nhà đầu tiên trên thế giới. Ông cũng chia tay với bạn gái là ngôi sao nhạc pop, thường xuyên lên Twitter "cà khịa" các chính trị gia. Elon Musk làm tăng khối tài sản ròng nhờ giá cổ phiếu Tesla vọt lên 39%, cộng với mức định giá tăng chóng mặt của hãng xe này. 

Forbes dự đoán, Elon Musk sẽ giữ vững vị trí người giàu nhất thế giới trong một thời gian dài vì đang bỏ xa người giàu thứ hai là tỷ phú Jeff Bezos - ông chủ sàn thương mại điện tử Amazon. Tài sản ròng của ông Bezos hiện là 199 tỷ USD. 

Elon Musk sinh ngày 28/6/1971 tại Pretoria, Nam Phi. Mẹ ông là người Canada, bố là người Nam Phi. Bố mẹ ông ly dị khá sớm. Năm 1988, ông chuyển đến Canada và sau đó đến Mỹ học tập. Ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế và vật lý rồi theo học tiến sĩ ngành khoa học vật liệu và vật lý ứng dụng tại Đại học Stanford, nhưng bỏ ngang để cùng với em trai là Kimbal Musk phát triển Zip2 - một ứng dụng cho phép xuất bản nội dung trực tuyến dành cho các hãng thông tấn.

Năm 1999, ông kiếm được 22 triệu USD từ việc bán Zip2. Liên tục những năm sau đó, Elon Musk thành lập ba công ty đại diện cho "ba mơ ước" là PayPal - lĩnh vực Internet, Tesla Motors - lĩnh vực năng lượng sạch, SpaceX - lĩnh vực không gian vũ trụ. Ông đang là giám đốc điều hành của Tesla và công ty tàu vũ trụ SpaceX. Năm 2008, SpaceX phóng vệ tinh đầu tiên lên không gian. Năm 2010, Tesla lần đầu lên sàn chứng khoán NASDAQ. Năm 2002, ông kiếm được 165 triệu USD nhờ bán PayPal cho công ty thương mại điện tử eBay. Lần đầu tiên Elon Musk lọt vào danh sách các tỷ phú của Tạp chí Forbes là năm 2012, khi đó tổng tài sản ròng là 2 tỷ USD. Vào đầu năm 2020, tài sản của ông khoảng 27 tỷ USD.

Trang Bloomberg đánh giá việc Elon Musk chuyển đến Texas sinh sống cũng dễ hiểu. Texas là thị trường tiêu thụ xe điện lớn thứ ba của Tesla tại Mỹ, chỉ sau bang California và Florida. Bên cạnh đó, bang này không có thuế thu nhập cá nhân, trong khi California lại đánh thuế thu nhập cá nhân đối với những người giàu thuộc diện cao nhất ở Mỹ.

Gautam Adani và gia đình (Ấn Độ): giá trị tài sản ròng 81,1 tỷ USD, tăng 52,5 tỷ USD 

90-2-6732-1643615416.jpg

Tập đoàn Adani của Gautam Adani - bao gồm cơ sở hạ tầng, hàng hóa, sản xuất điện và bất động sản, đã thu lợi nhuận từ hàng loạt vụ đặt cược táo bạo. Cổ phiếu của Adani Gas tăng 400% trong năm 2021, trong khi công ty điện lực Adani Transmission tăng 330% và giá cổ phiếu của Tập đoàn Adani Enterprises tăng 250%.

Với khối tài sản trên, gia tộc Adani giàu thứ hai ở Ấn Độ và Gautam Adani vượt qua nhà sản xuất nước đóng chai Zhong Shanshan của Trung Quốc để vươn lên vị trí người giàu thứ hai châu Á. Đây là lần đầu tiên cả Gautam Adani và người anh trai Vinod Shantilal Adani lọt vào danh sách 10 người giàu nhất Ấn Độ năm 2021, trong đó Gautam Adani leo hai bậc, lên vị trí thứ hai, trong khi Vinod Adani và gia đình tăng 12 bậc, xếp thứ 8. Tài sản của gia đình Vinod Adani hiện ở mức 1.316 tỷ rupee, tăng 21,2%. Trong khi đó, gia đình giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani kiếm được 1,7 tỷ rupee/ngày trong năm qua. 

Gautam Adani sinh năm 1962 trong một gia đình có đông con tại bang Gujarat. Khi đang học năm thứ hai đại học, ông đã bỏ ngang để tập tành kinh doanh. Sau nhiều năm lăn lộn ở Mumbai, Gautam trở về quê nhà để điều hành mảng phân phối và nhập khẩu nhựa PVC với anh trai. Năm 1988, Gautam thành lập công ty xuất khẩu Adani Limited - tiền thân của Adani Group ngày nay, chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp đến, Adani đầu tư xây dựng cảng biển Mundra.

Adani sở hữu nhà máy điện có công suất 4.000MW, trở thành nhà cung cấp nhiệt điện tư nhân lớn nhất Ấn Độ. Tập đoàn này hợp tác với Tập đoàn Sun Edison xây dựng nhà máy sản xuất điện từ pin mặt trời với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD tại Gujarat. Trong năm 2014, Gautam đã mua lại cảng Dhamra ở miền Đông Ấn Độ từ Tập đoàn Tata với tổng trị giá 900 triệu USD và thỏa thuận mua lại một nhà máy điện ở khu vực miền Nam Ấn Độ.

Năm 2018, Adani Group trở thành nhà bán lẻ nhiên liệu, năng lượng lớn nhất Ấn Độ. Năm 2019, tập đoàn này tập trung khai thác sân bay, đồng thời mở thêm nhiều lĩnh vực mới như dịch vụ tài chính và lưu trữ dữ liệu.

Trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ phú Gautam Adani cùng gia đình vẫn kiếm được 10 tỷ rupee (134 triệu USD)/ngày, làm cho khối tài sản tăng gần 4 lần.

Larry Page (Mỹ): giá trị tài sản ròng 126,3 tỷ USD, tăng 49,1 tỷ USD

90-3-7404-1643615416.jpg

Larry Page có tên họ đầy đủ là Lawrence Edward Page, sinh ngày 26/3/1973 tại Michigan. Ông là một doanh nhân, kỹ sư phần mềm nổi tiếng, là người đồng sáng lập và tạo nên công cụ tìm kiếm Google.

Hiện tại, ông là CEO của Alphabet Inc. - công ty mẹ của Google. Tính đến tháng 3/2020, Larry Page sở hữu khối tài sản giá trị lên đến 63,7 tỷ USD. Ông có nhiều đóng góp trong việc phát minh thuật toán PageRank. Thuật toán này đã góp phần quan trọng vào sự thành công của Google, giúp ông nhận được giải thưởng danh giá Marconi vào năm 2004. Cũng trong năm này, Google IPO thành công nhưng Larry Page không thể giữ vị trí CEO.

Dưới áp lực của các nhà đầu tư lớn, Google đã thuê Schmidt làm CEO thay Larry Page và ông chỉ làm giám đốc sản phẩm. Những năm tiếp theo, Google phát triển với tốc độ chóng mặt, trong đó Larry Page đã góp phần to lớn vào thành công ấy. Ông quay lại vị trí CEO của Google vào năm 2011. Năm 2015, Tập đoàn Alphabet Inc. thành lập và Larry được bổ nhiệm vào vị trí CEO. Tháng 9/2013, ông được Forbes xếp hạng thứ 13 trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ. 

Larry Ellison (Mỹ): giá trị tài sản ròng 135,7 tỷ USD, tăng 47,5 tỷ USD

90-4-8579-1643615416.jpg

Cổ phiếu của Oracle - gã khổng lồ phần mềm do Larry Ellison đồng sáng lập và là chủ tịch kiêm giám đốc công nghệ, đã tăng 61%. Ông cũng là cổ đông cá nhân lớn thứ hai của Tesla - nơi ông là thành viên HĐQT kể từ năm 2018 sau khi mua 3 triệu cổ phiếu. Hiện Larry Ellison sở hữu 1,5% cổ phần Tesla, chỉ sau Elon Musk, trị giá hơn 15 tỷ USD tính đến ngày 10/12/2021.

Sergey Brin (Mỹ): Giá trị tài sản ròng 125 tỷ USD, tăng 45 tỷ USD

90-5-8473-1643615417.jpg

Tỷ phú Sergey Brin sinh ngày 21/8/1973 tại Moskva, Nga trong một gia đình có nguồn gốc Do Thái. Ông được sinh ra và lớn lên trong một gia đình mang truyền thống giáo dục khi mẹ là một người nghiên cứu khoa học tại NASA, còn cha là một nhà toán học. Khi ông 6 tuổi, cả gia đình đã di chuyển sang Mỹ định cư cho đến nay. Sergey Brin từng tham gia học tại ngôi trường Montessori và thi đỗ Trường Đại học MaryLand chuyên ngành khoa học máy tính vào năm 1990. Với sự thông minh, nhanh nhẹn có sẵn, ông đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu khi mới 19 tuổi. Năm 1995, ông nhận được bằng thạc sĩ tại Trường Đại học Standford.

Ông là một trong những doanh nhân nổi tiếng, người được mệnh danh là một nhà thiên tài máy tính. Tên tuổi của ông còn được gắn liền với người đồng sáng lập ra Google - Larry Page, là những người làm nên lịch sử của nhân loại khi đã phát triển và sáng tạo Google. Năm 1999, Sergey Brin và Larry Page muốn bán lại Google cho Excite với giá trị 1 triệu USD nhưng thất bại. Tuy nhiên, những năm tiếp theo đó, Google đã có sự phát triển chóng mặt nên nhanh chóng thu hút được nhiều nguồn đầu tư. Đó cũng chính là lúc mà Google bắt đầu bước vào thời gian thịnh vượng trong kinh doanh của mình.

Năm 2004, Google chính thức thực hiện IPO lần đầu và đạt được những thành công ngoài mong đợi. Mức vốn hóa về thị trường của cổ phiếu Google đã lên đến con số 23 tỷ USD. Tại thời điểm đó, Sergey Brin đã cam kết làm việc tại Google ít nhất cho đến năm 2024.

Bernard Arnault và gia đình (Pháp): Giá trị tài sản ròng 176 tỷ USD, tăng 61 tỷ USD

90-6-6702-1643615417.jpg

Ông Bernard Arnault - CEO LVMH, tập đoàn sở hữu các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Christian Dior và Givenchy... Hiện tại, vị tỷ phú 72 tuổi đang giữ danh hiệu người giàu nhất châu Âu. Ông trùm hàng hiệu Pháp tháng 8 năm ngoái "soán ngôi" giàu nhất thế giới của Jeff Bezos - nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất hành tinh Amazon. 

Ông nắm trong tay 70 thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới, khoảng 4.000 nhà bán lẻ. Ngay từ khi còn trẻ, Arnault đã tỏ rõ khả năng kinh doanh táo bạo trời phú. Vốn theo học bằng kỹ sư tại ngôi trường danh tiếng Ecole Polytechnique (Pháp), sau đó ông về làm việc tại công ty xây dựng của gia đình ở tuổi 25. Đến năm 1979, khi tròn 30 tuổi, ông trở thành chủ tịch công ty của gia đình. Tuy nhiên, thời điểm đó có một số thay đổi trong chính trường Pháp khiến gia đình Arnault quyết định di cư đến nước Mỹ.

Năm 1983, Arnault và gia đình trở về Pháp. Ông nhận thấy cơ hội mua lại công ty dệt Boussac Saint-Freres, vốn sở hữu cổ phần tại nhà mốt cao cấp Christian Dior. Arnault quyết định đầu tư 15 triệu USD và kêu gọi thêm 80 triệu USD bên ngoài để mua lại Boussac Saint-Freres. Thương vụ hoàn tất, các nhà máy dệt và tài sản khác được tiếp tục rao bán và ông chỉ giữ lại Christian Dior và Le Bon Marche. Arnault trở thành CEO của Dior năm 1985.

Lúc này, Arnault có dư khoảng 400 triệu USD. Năm 1987, ông được Chủ tịch Henri Racamier của LVMH mời đầu tư vào LVMH Group mới được thành lập từ Louis Vuitton và Moet Hennessy. Từ năm 1989-1990, ông cho thấy quyết tâm không khoan nhượng sau hàng loạt thương vụ nội bộ, cho đến những tranh chấp tại tòa án. Cuối cùng vào năm 1990, Arnault sở hữu 43,5% tài sản LVMH, 35% quyền biểu quyết và chính thức trở thành Chủ tịch kiêm CEO của LVMH. Quá trình thống nhất LVMH của ông được xem là một trong những vụ thâu tóm cam go và quyết liệt nhất trong lịch sử doanh nghiệp tại Pháp, khiến cho tên tuổi Arnault được nhắc nhiều như "nỗi sợ hãi của các đối thủ kinh doanh"; và sau đó là "sự nể phục dành cho tính quyết đoán của ông".

Tham vọng của Arnault là đưa LVMH trở thành một trong những tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, ngang tầm với hai tên tuổi trong lĩnh vực là Richemont (Thụy Sĩ) và Kering (Pháp). Chỉ trong 11 năm, trị giá thị trường của LVMH đã tăng lên ít nhất 15 lần, cả doanh thu và lợi nhuận tăng lên 500%. Nguyên lý của ông là các thương hiệu thuộc tập đoàn khi được mua về sẽ vẫn hoạt động như những công ty độc lập, theo văn hóa và bản sắc lịch sử riêng. Vai trò của tập đoàn là hỗ trợ những lợi ích chung cho các thương hiệu. Cách làm này giúp cho sức sống của các thương hiệu thuộc LVMH phát triển bền vững và giữ được truyền thống trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.

LVMH tiếp tục thâu tóm thêm Celine (năm 1988), Berluti và Kenzo (năm 1993), Guerlain (năm 1994), Marc Jacobs và Sephora (năm 1997), Emilio Pucci (năm 2000), Fendi, DKNY (năm 2001), 17% của Hermes (năm 2010) và gần đây nhất là toàn bộ nhà mốt Christian Dior (tháng 4/2017). Những năm gần đây, LVMH vẫn tiếp tục thâu tóm thêm các thương hiệu khác, trong cả lĩnh vực đồng hồ xa xỉ như Zenith, Tag Heuer và Hublot. Arnault được biết đến là một CEO khốc liệt, sẵn sàng sa thải các nhân sự cao cấp.

Các tỷ phú kiếm nhiều tiền nhiều nhất tiếp theo là Steve Ballmer (Mỹ), Zhang Yiming (Trung Quốc), Robin Zeng (Trung Quốc) và Bill Gates (Mỹ). 

Khoảng 2.750 tỷ phú đang kiểm soát 3,5% tổng tài sản của thế giới, cao hơn nhiều so với mức 2% khi đại dịch bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020 và 1% của năm 1995. Trong khi đó, một nửa dân số nghèo nhất hành tinh chỉ sở hữu khoảng 2% tài sản của thế giới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2021: Tài sản các tỷ phú tăng kỷ lục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO