![]() |
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân ở Chicago, Illinois, hôm 8/6. Ảnh: AFP. |
Cơ quan y tế, bệnh viện và chính quyền liên bang Mỹ đang gấp rút "chạy đua" để tìm ra phương án sử dụng hết hàng triệu liều vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson (J&J) sẽ hết hạn vào tháng Sáu này. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một phần do Chính phủ Mỹ hồi tháng 4 đã quyết định tạm ngừng tiêm vaccine Covid-19 của J&J, để đánh giá nguy cơ gây tình trạng đông máu hiếm gặp ở loại vaccine này.
Theo đó, các nhà sản xuất lẫn chính quyền nhiều bang đã hủy bỏ việc tiêm chủng bằng vaccine J&J. Tờ Wall Street Journal cho biết, bang Philadelphia hiện có 42.000 liều vaccine J&J sắp hết hạn, trong khi các bang West Virgina, Oklahoma, Ohio và Arkansas cũng đang trữ hàng nghìn liều tương tự.
Theo số liệu của Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, nước này mới sử dụng hết hơn một nửa tổng số 21,4 triệu liều vaccine J&J được phép lưu hành, nhưng đã dùng hết 83% số vaccine Pfizer và Moderna được sản xuất. Bên cạnh đó, kịch bản Mỹ phải tiêu hủy một lượng lớn vaccine, trong khi các quốc gia đang phát triển lại không có để tiêm chủng đang khiến chính quyền của Tổng thống Joe Biden gánh thêm nhiều sức ép về việc phải chia sẻ ngay số vaccine này càng sớm càng tốt.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 7/6/2021 cho biết Mỹ sẽ hoàn tất chia sẻ 80 triệu liều vaccine Covid-19 dư thừa cho thế giới vào cuối tháng sau. Ông Blinken khẳng định, Mỹ muốn đảm bảo mọi liều vaccine Covid-19 nước này chia sẻ cho các quốc gia phải "an toàn và hiệu quả".
Link bài viết
Một số bang đã đề nghị chính quyền liên bang nên sớm chuyển số vaccine sắp hết hạn cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), không dễ để Mỹ làm như vậy, bởi các nước khác cũng không muốn dùng vaccine sắp hết hạn, và họ cũng khó có khả năng tiến hành tiêm chủng nhanh cho cộng đồng.
Trả lời câu hỏi về hướng giải quyết hàng triệu liều vaccine sắp hết hạn, Cố vấn Nhà Trắng về Covid-19 Andy Slavitt vẫn khẳng định, chỉ khoảng một phần nhỏ số vaccine đã được cấp phép lưu hành ở Mỹ có thể bị bỏ phí. Và, nếu ai đó yêu cầu không để tình trạng này xảy ra, thì đó là điều phi thực tế trong các đợt tiêm chủng lớn như thế này.
Vị cố vấn cho rằng, với việc các bang đã tự đề xuất số lượng vaccine mình cần, thì đáng lẽ phải tiêm hết số lượng đó. Theo ông Slavitt, thống đốc các bang nên hợp tác với CDC để tìm cách kéo dài thời hạn sử dụng cho vaccine J&J. Hiện, Sở Y tế Pennsylvania - nơi đang thừa vaccine J&J với số lượng lớn, cho biết đã làm việc với CDC để chuyển giao khoảng 50.000 liều vaccine sắp hết hạn cho bang Oregon, nhưng không thành công, do tình hình dịch ở đây đã đỡ và bang này không cần nhận thêm vaccine nữa.
Trên cả nước, nhiều chương trình đặc biệt đã được khởi động nhằm khuyến khích tiêm vaccine trước khi hết hạn. Một số cơ quan y tế đã phân phối lại các liều vaccine J&J ra ngoài và gửi chúng đến nhà thuốc, phòng khám tư hoặc các bang khác. Dù vậy, nỗ lực giải phóng kho vaccine sắp hết hạn dường như khó thành công, bởi tốc độ tiêm chủng ở Mỹ đang chậm lại, và hầu hết các bang cũng đang dư thừa nhiều lô vaccine Covid-19 sắp hết hạn của các hãng dược khác.
Hơn nữa, quyết định ngừng tiêm vaccine J&J vào tháng 4 vừa qua cũng khiến người dân ở nhiều khu vực hoài nghi về hiệu quả của loại vaccine này. Các khảo sát cho thấy, khoảng 1/3 người Mỹ đang chần chừ tiêm chủng vì muốn quan sát thêm hiệu quả của vaccine, trong khi một số người không tiêm vì cho rằng đại dịch đang dần biến mất.
Vaccine J&J được trữ lạnh trước khi được bàn giao cho chính phủ. Kể từ khi rã đông, vaccine có thể được bảo quản lạnh trong 3 tháng và các nhà sản xuất đang nghiên cứu khả năng kéo dài tuổi thọ của vaccine. Đa phần thuốc và vaccine vẫn có thể phát huy hiệu quả sau khi hết hạn, tuy nhiên công dụng sẽ giảm. |