Làn sóng 'tự tử vì tuyệt vọng' tại Mỹ gia tăng hậu Covid-19

Khởi Vũ| 17/05/2020 06:00

Tâm trạng chán nản vì bị phong tỏa, cùng áp lực kinh tế do đại dịch Covid-19 đang tạo ra một cuộc khủng hoảng tinh thần tại Mỹ, và dự báo sẽ làm trầm trọng thêm tỷ lệ tự tử tại quốc gia này.

Làn sóng 'tự tử vì tuyệt vọng' tại Mỹ gia tăng hậu Covid-19

Tỷ lệ người trưởng thành ở Mỹ hài lòng với cuộc sống hiện tại và lạc quan về triển vọng tương lai của họ đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 11/2008 - thời điểm của cuộc Đại Suy thoái.

Trích dẫn một nghiên cứu vừa được công bố bởi quỹ Well Being Trust, hãng tin Bloomberg cho biết, sẽ có khoảng thêm 75.000 người chết vì tuyệt vọng do đại dịch Covid-19. Được biết, mục tiêu của nghiên cứu vừa nêu là để định lượng số người chết trong giai đoạn sắp tới vì "tuyệt vọng" (khái niệm bao gồm hành động tự tử và lạm dụng chất kích thích dẫn đến tử vong), do hậu quả của cuộc khủng hoảng gây ra bởi đại dịch Covid-19.

Ông John Westfall - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách về Y học Gia đình và Chăm sóc sức khỏe ban đầu Robert Graham, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Tôi hy vọng, trong 10 năm nữa, người ta sẽ nhìn lại các con số được chúng tôi dự báo, và thốt lên rằng 'ồ, họ đã đánh giá quá mức rồi'". 

Theo Bloomberg, ngay cả khi nền kinh tế Mỹ đã hồi phục sau cuộc suy thoái gần nhất, các vụ tự tử và lạm dụng chất kích thích dẫn đến tử vong vẫn khiến tuổi thọ bình quân của người Mỹ giảm sút. Trong khi đó, nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần lo lắng rằng, chính sự bất ổn về mặt kinh tế và biện pháp cách ly xã hội để ứng phó đại dịch sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, giữa lúc hệ thống chăm sóc sức khỏe đã bắt đầu quá tải.

Theo một bài viết của Tiến sĩ (TS.) Mark Reger trên tạp chí y khoa JAMA Psychiatry vào tháng 4/2020, tỷ lệ tự tử ở Mỹ đã tăng lên trong hai thập niên qua và đạt mức cao nhất kể từ năm 1941 vào năm 2018. Đồng thời, vị TS. cho rằng lệnh giãn cách xã hội có thể sẽ cản trở các biện pháp ngăn chặn tình trạng tự tử, và đảm bảo người dân không tự sát nên là "việc ưu tiên của ngành y tế cộng đồng cả nước".

Trong khi đó, Jeffrey Reynold - Chủ tịch Hiệp hội Gia đình và Trẻ em, một cơ quan dịch vụ xã hội phi lợi nhuận có trụ sở tại Long Island cho biết, có một nghịch lý đang tồn tại thời gian qua. "Cách ly xã hội bảo vệ chúng ta khỏi một loại virus chết người, nhưng lại đồng thời khiến mọi người có nguy cơ vướng phải các 'tác nhân gây chết người nhiều nhất' tại Mỹ là tự tử, sử dụng chất kích thích quá liều, và các bệnh liên quan đến lạm dụng rượu", ông nói.

Cách ly xã hội bảo vệ chúng ta khỏi một loại virus chết người, nhưng lại đồng thời khiến mọi người có nguy cơ vướng phải các 'tác nhân gây chết người nhiều nhất' tại Mỹ là tự tử, sử dụng chất kích thích quá liều, và các bệnh liên quan đến lạm dụng rượu

Cách ly xã hội bảo vệ chúng ta khỏi một loại virus chết người, nhưng lại đồng thời khiến mọi người có nguy cơ vướng phải các 'tác nhân gây chết người nhiều nhất' tại Mỹ là tự tử, sử dụng chất kích thích quá liều, và các bệnh liên quan đến lạm dụng rượu.

Thất nghiệp và tuyệt vọng

Kể từ giữa tháng 3/2020, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã lên tới khoảng 33 triệu. Theo một cuộc khảo sát của Gallup, mức độ hài lòng về cuộc sống ​​của người dân Mỹ cũng suy giảm nhanh chóng trong cùng thời điểm. Bên cạnh đó, theo phân tích từ hơn 4.000 cuộc khảo sát, tỷ lệ người trưởng thành ở Mỹ hài lòng với cuộc sống hiện tại và lạc quan về triển vọng tương lai của họ đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 11/2008 - thời điểm của cuộc Đại Suy thoái.

"Một trong những bài học có thể rút ra từ nghiên cứu này là việc làm đóng vai trò hết sức quan trọng", Giám đốc chiến lược tại Well Being Trust, nhà tâm lý học lâm sàng Cameron Miller cho hay. "Đây là vấn đề quan trọng đối với việc mưu sinh cũng như sức khỏe tinh thần và tình cảm của chúng ta", ông Miller bổ sung.

Link bài viết

Bất ổn về tài chính gây ra bởi đại dịch Covid-19 cùng cảm giác cô đơn do các biện pháp cách ly tại nhà đã khiến cho giai đoạn này trở nên khác biệt so với bất cứ thời điểm suy thoái kinh tế nào trước đây. Do đó, rất khó để có thể mô hình hóa nó dựa trên các sự kiện trong quá khứ.

Theo Giám đốc Y tế tại Liên đoàn Quốc gia về Bệnh tâm thần Ken Duckworth, việc đưa ra các cảnh báo như trên là rất cần thiết để giúp mọi người tỉnh táo. "Tình trạng thất nghiệp sẽ gây ra tác động rất lớn đến những trường hợp tử vong vì tuyệt vọng", ông Duckworth nói.

Đồng thời, nghiên cứu của Miller cũng đề xuất các giải pháp dài hạn như giúp người thất nghiệp tìm được công việc có ý nghĩa, hoặc đào tạo lực lượng hỗ trợ sát sao trong cộng đồng để xác định người có nguy cơ bị khủng hoảng tinh thần. Bên cạnh đó, việc xây dựng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa trên cộng đồng cũng là một phương án nên được cân nhắc.

Khó khăn cho người có thu nhập thấp

Theo Bloomberg, trước diễn biến hiện tại của dịch bệnh, những người dân Mỹ có thu nhập thấp đang chịu căng thẳng nhiều hơn so với những người có thu nhập cao. Cụ thể, theo một nghiên cứu từ Kaiser Family Foundation, 26% số người kiếm được dưới 40.000 USD/năm cho biết SARS-CoV-2 gây tác động tiêu cực đối với tinh thần của họ; trong khi chỉ 14% số người kiếm được 90.000 USD trở lên mỗi năm gặp phải điều này.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu từ Trường Y tế công Johns Hopkins Bloomberg, vào đầu tháng 3/2020, các điểm nóng dịch bệnh như California, Washington, New York và Massachusetts đều ghi nhận tình trạng suy sụp tinh thần tăng đột biến ở người dân, bất kể độ tuổi và có mức thu nhập.

Đáng chú ý, người sử dụng rượu hoặc cần sa thường xuyên, hoặc người có xu hướng sử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhiều sẽ cảm thấy sa sút hơn. Đáng ngạc nhiên là mức độ suy sụp ở người trẻ tuổi lại cao hơn, trong khi Covid-19 chủ yếu gây tử vong ở người lớn tuổi.

người có xu hướng sử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhiều sẽ cảm thấy sa sút hơn

Người có xu hướng sử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhiều sẽ cảm thấy sa sút tinh thần hơn trong thời gian dịch bệnh.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết, tiểu bang của ông đang chứng kiến ​​sự gia tăng về tệ nạn ma túy, rượu bia và bạo lực gia đình. Cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần, ông Cuomo đã khuyến khích người dân New York tận dụng đường dây nóng dành cho người gặp bức bách về tâm lý. Còn ở cấp quốc gia, Cơ quan Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng Ma tuý báo cáo mức tăng lên tới 891% từ các cuộc gọi đến đường dây nóng hỗ trợ tâm lý trong thảm hoạ vào tháng 3/2020 so với cùng kỳ năm trước.

Đề xuất chính quyền các bang đưa ra chính sách hỗ trợ người thất nghiệp nhiều hơn, bà Julia Raifman - Giáo sư dự bị luật y tế tại Đại học Y tế công Boston, cho biết từ trước đến nay, chính sách luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành kinh nghiệm ứng phó và duy trì sức khỏe tinh thần của mọi người.

Chẳng hạn, tại New York, chính quyền đã yêu cầu các chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần tình nguyện tham gia chăm sóc sức khỏe tâm thần miễn phí - hoạt động theo bà Raifman là một bước đi tích cực. "Tôi hy vọng chúng ta sẽ thấy các bang khác bắt đầu làm điều tương tự. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều cơ hội cho sự đổi mới ở đây".

Bài nghiên cứu của Miller trong tuần này đề xuất các giải pháp dài hạn như giúp những người thất nghiệp tìm được công việc có ý nghĩa hoặc đào tạo lực lượng hỗ trợ sát sao trong cộng đồng để xác định những người có nguy cơ bị khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Ông thấy việc xây dựng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng là một cách để phục vụ nhiều người có nhu cầu hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làn sóng 'tự tử vì tuyệt vọng' tại Mỹ gia tăng hậu Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO