Đủ cách 'dụ' người dân tiêm vaccine tại các nước

Khởi Vũ| 13/07/2021 05:34

Tại Anh, người tiêm vaccine Covid-19 có cơ hội được mời xem chung kết Euro; tại Hồng Kông, họ có thể trúng căn hộ, trong khi ở Washington, họ sẽ được tặng... một điếu cần sa.

Trong bối cảnh Covid-19 nói chung và biến chủng Delta nói riêng tiếp tục hoành hành và "xoá sổ" thành tích chống dịch đã đạt được, hàng loạt quốc gia trên thế giới đang triển khai nhiều sáng kiến độc đáo nhằm khuyến khích người dân tiêm chủng.

Từ donut, xe hơi, tiền mặt cho đến bia, hàng loạt sáng kiến đang được triển khai để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng

Từ donut, xe hơi, tiền mặt cho đến bia, hàng loạt sáng kiến đang được triển khai để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng

Từ tặng tiền, bò, cho đến bánh rán vòng (donut) và thuốc, vô số phần thưởng đa dạng đang được nhà chức trách cùng doanh nghiệp (DN) các nước đưa ra nhằm đánh tan sự do dự trước việc tiêm chủng.

Ngược lại, một số quốc gia quyết định thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn, thậm chí phạt tiền và một số hình phạt khác đối với những cá nhân "trốn" tiêm vaccine, để mau chóng đạt được miễn dịch cộng đồng. Vậy, giữa "cây gậy" và "củ cà rốt", đâu là lựa chọn hiệu quả?

Đa dạng "chiêu trò" khuyến khích

Ở Mỹ, một số bang tổ chức xổ số cho người dân đã tiêm vaccine với các giải thưởng lớn bằng tiền mặt. Sáng kiến này cũng được áp dụng tương tự tại Campuchia.

Tại California, chính quyền bang đã triển khai một kế hoạch tặng quà và tiền mặt trị giá 116,5 triệu USD để khuyến khích nhiều người tham gia tiêm vaccine hơn trước ngày 15/6/2021 - thời điểm nhiều quy định giãn cách phòng dịch được dỡ bỏ. Theo đó, 30 người đã giành được 50.000 USD giải thưởng, và 10 công dân California khác cũng đang chờ để nhận 1,5 triệu USD. Ngoài ra, bang này cũng phát đi 2 triệu thẻ quà tặng trị giá 50 USD/thẻ.

Trong khi đó, thủ đô Washington lại có cách làm khá đặc biệt, khi Uỷ ban Rượu và Cần sa (LCB) tạm thời cho phép các nhà bán lẻ cần sa (marijuana) hợp pháp tặng một điếu cần cho các khách hàng khi họ tiêm mũi thứ nhất hoặc thứ hai vaccine Covid-19. Chương trình này được gọi là Joints for Jabs (tạm dịch: Cần sa cho người Cần tiêm).

Link bài viết

Cầm điều cần trong tay, Josh Miller - một công dân Washington đến trung tâm hội nghị bang để tiêm vaccine, nói: "Tôi tới đây vì nhiều lý do. Một, tôi tới tiêm vaccine. Hai, tôi thích hút cần. Tôi bị đau lưng kinh niên, nên việc này khá là có ích".

Ở bên kia Trái Đất, người dân Moscow tiêm vaccine mũi thứ nhất trước ngày 11/7/2021 sẽ được tham gia bốc thăm với giải thưởng là 5 chiếc ô tô trị giá 1 triệu Rúp (khoảng 13.900 USD) trao tặng mỗi tuần.

Theo thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin, bất cứ công dân nào trên 18 tuổi tại thành phố này đã tiêm mũi vaccine đầu tiên từ ngày 14/6 đến 11/7 đều sẽ tự động có tên trong chương trình rút thăm trúng thưởng - giải pháp triển khai nhằm giải quyết vấn đề rất ít người dân chịu tiêm vaccine.

Trong khuôn khổ sự kiện bóng đá lớn nhất châu Âu đang diễn ra, người dân London tiêm vaccine sẽ có cơ hội nhận vé tham dự trận chung kết Euro 2020. Thông báo trên Twitter, kèm hashtag #GrabAJab, thị trưởng London Sadiq Khan nói: "Như một phần trong nỗ lực để có càng nhiều người tiêm chủng càng tốt, tôi xin vui mừng thông báo rằng, công dân London đặt lịch hoặc đã tiêm mũi đầu tiên từ thứ Ba ngày 6 đến thứ Năm ngày 8/7 sẽ có cơ hội được mời xem chung kết # EURO2020 tại sân vận động Wembley".

Tại Romania, công dân tiêm một liều vaccine sẽ được tặng một chiếc bánh mì kẹp xúc xích nướng. Còn tại một thị trấn ở Philippines, giải thưởng xổ số cho người tiêm vaccine là một con bò; trong khi ở một số cộng đồng khác, giải thưởng là các túi gạo khổng lồ, sau khi chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dân đi tiêm. 

Thị trưởng London Sadiq Khan cùng dòng tweet tuyên bố tặng vé xem chung kết Euro 2020 cho người tiêm vaccine Covid-19

Thị trưởng London Sadiq Khan cùng dòng tweet tuyên bố tặng vé xem chung kết Euro 2020 cho người tiêm vaccine Covid-19. Ảnh chụp màn hình

Không chỉ chính phủ, DN địa phương thuộc nhiều quốc gia cũng nỗ lực triển khai nhiều sáng kiến để đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, từ phát bia miễn phí ở Israel cho đến tặng tráng miệng miễn phí tại Malaysia. Ở Hồng Kông, một nhà phát triển bất động sản còn trao giải rút thăm một căn hộ trị giá 1,4 triệu USD cho người đã tham gia tiêm chủng. 

Theo nhiều DN, họ mong muốn cùng chính quyền đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vì lo lắng cho cộng đồng. Đồng thời, nhiều DN cũng xem các ưu đãi và quà tặng miễn phí như một loại đòn bẩy, giúp tiếp cận khách hàng và khiến họ mua sản phẩm nhiều hơn. 

Link bài viết

Nên thưởng hay nên phạt?

Tâm lý học phổ thông cho rằng, phần thưởng sẽ phát huy hiệu quả hơn hình phạt trong việc khuyến khích hành vi "nên làm". Theo các nghiên cứu của giới khoa học thần kinh, khi muốn thúc đẩy ai đó thực hiện hành động (như muốn nhân viên làm thêm giờ hoặc đạt kết quả cao), phần thưởng sẽ có hiệu quả hơn hình phạt.

Điều ngược lại cũng đúng, khi muốn ngăn ai đó thực hiện hành động (như cấm chia sẻ thông tin mật hoặc sử dụng tài liệu của tổ chức cho mục đích cá nhân), hình phạt sẽ có hiệu quả hơn. Và, lý do đằng sau hiện tượng này có liên quan trực tiếp đến đặc trưng của xã hội chúng ta đang sống.

Để có thể gặt hái kết quả, chúng ta thường có khuynh hướng phải hành động, phải tiếp cận hoặc phải làm một việc gì đó. Do vậy, theo thời gian, não người đã thích nghi với môi trường xung quanh và tự hiểu rằng, cách tốt nhất để chiếm được phần thưởng là phải hành động. Thế nên, sau này, khi chúng ta trông mong một điều gì đó tốt đẹp, não sẽ âm thầm phát đi tín hiệu "phải hành động".

Trái lại, khi muốn tránh điều xấu, não sẽ phát tín hiệu cho chúng ta ở yên hoặc không làm gì cả. Từ đó, bộ não đã thích nghi và tự hiểu rằng, cách tốt nhất để không bị tổn thương là tránh hành động. Do vậy, theo thời gian, khi chúng ta cảm thấy một điều xấu có thể xảy ra, não sẽ phát đi tín hiệu "không được hành động".

Để chiến dịch tiêm vaccine trên diện rộng thành công, các nhà chức trách có thể kết hợp khéo léo giữa cả củ cà rốt và cây gậy.

Nếu dựa trên tâm lý học phổ thông, thì để chiến dịch tiêm vaccine trên diện rộng thành công, các nhà chức trách nên sử dụng củ cà rốt, tức phần thưởng khuyến khích người dân, thay vì hình phạt

Tuy nhiên, để cởi bỏ sự chần chừ trước vaccine, các nghiên cứu cho rằng, cả hai hình thức thưởng - phạt đều mang đến hiệu quả trong các tình huống nhất định. Một báo cáo đánh giá dựa trên nhiều nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2014 cho thấy, quy định bắt buộc tiêm vaccine và áp hình phạt đối với người không tiêm đã giúp tăng tỷ lệ người tham gia một cách hiệu quả, trong khi thưởng tiền mặt lại không phải sáng kiến hữu hiệu bằng.

Dù vậy, các nghiên cứu gần đây lại cho thấy điều ngược lại, giúp củng cố việc triển khai nhiều chương trình trao thưởng. Cụ thể, theo một khảo sát của Đại học California, khoảng 1/3 người Mỹ chưa tiêm vaccine cho biết họ sẽ sẵn sàng tiêm chủng hơn để đổi lấy 100 USD.

Bà Nancy Kass - Phó giám đốc phụ trách sức khỏe cộng đồng tại Viện Đạo đức Sinh học Berman thuộc Đại học John Hopkins, cho biết các sáng kiến nhằm khuyến khích người dân tiêm vaccine là một giải pháp hợp lý, và các biện pháp răn đe lẫn trừng phạt cần được thận trọng cân nhắc.

"Về mặt đạo đức, tốt hơn hết, chính quyền ít nhất nên bắt đầu bằng cách cung cấp thông tin, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận tiện cho người dân làm theo trước khi chuyển sang hình thức bắt buộc", bà nói. Bên cạnh đó, vị phó giám đốc cũng cho rằng, không quá nhiều người có "tư tưởng phản kháng sâu sắc" với việc tiêm vaccine, nên các chương trình hay sáng kiến khuyến khích là đủ để đạt được số lượng cần thiết cho miễn dịch cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đủ cách 'dụ' người dân tiêm vaccine tại các nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO