Với người gửi tiền, lãi suất không là tất cả?

HỒ LÊ| 08/12/2016 08:30

Nguồn vốn hiện tại của các ngân hàng kỳ hạn ngắn vẫn đang chiếm đa số, và dòng vốn ngắn hạn chuyển dịch sang dài hạn là khá ít. Phải chăng lãi suất không phải là tất cả đối với người gửi tiền?

Với người gửi tiền, lãi suất không là tất cả?

Thời gian qua, một số ngân hàng đã tăng lãi suất kỳ hạn dài và giảm ở kỳ hạn ngắn, giúp mở rộng chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, nguồn vốn hiện tại của các ngân hàng kỳ hạn ngắn vẫn đang chiếm đa số, và dòng vốn ngắn hạn chuyển dịch sang dài hạn là khá ít. Phải chăng lãi suất không phải là tất cả đối với người gửi tiền? 

Đọc E-paper

Theo báo cáo cập nhật hoạt động ngân hàng tuần cuối tháng 11/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tuần có một vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn trên 12 tháng và một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn ngắn.

Hiện tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,5 - 5,4%/ năm, tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,4 - 6,5%/ năm và tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/ năm. Như vậy chênh lệch giữa tiền gửi ngắn hạn và tiền gửi trung, dài hạn quanh mức 2%.

Có thể nói, sau một thời kỳ đường cong lãi suất huy động của các ngân hàng gần như đi ngang một cách bất hợp lý, theo đó lãi suất của các kỳ hạn tiền gửi gần như bằng nhau, thì trong vài ba năm trở lại đây, đường cong lãi suất đã có xu hướng ngày càng hợp lý hơn.

Điều này thể hiện thanh khoản của hệ thống trong những năm qua đã ổn định hơn, khi mà tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Nguồn vốn từ dân cư cũng có xu hướng dịch chuyển sang các kỳ hạn dài hơn để hưởng lãi suất cao hơn, nhất là khi lạm phát trong 3 năm qua khá ổn định ở mức hợp lý.

Kỳ hạn ngắn vẫn chiếm đa số

Dù vậy, trong cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng thì nguồn vốn ngắn hạn vẫn còn chiếm tỷ trọng cao hơn, trong đó kỳ hạn 1 tháng chiếm đa số. Với mức lạm phát kỳ vọng từ 4 - 5% mỗi năm thì việc gửi kỳ hạn dài mới có thể giúp người gửi tiền được hưởng lãi suất thực dương, tuy nhiên nhiều khách hàng vẫn ưu tiên lựa chọn các kỳ hạn ngắn để chủ động được nguồn vốn rút ra.

Điều này thể hiện niềm tin vào hệ thống và sự ổn định của nền kinh tế vẫn còn nhiều nghi ngại, nhất là trong bối cảnh Chính phủ quyết liệt tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là hệ thống ngân hàng.

Việc phải sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn luôn tạo ra rủi ro kỳ hạn cũng như phần nào rủi ro thanh khoản cho ngân hàng. Với sự thay đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN, theo đó tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn buộc phải giảm từ 60% như hiện tại về còn 50% từ 1/1/2017, tiếp đó giảm về 40% từ 1/1/2018 càng khiến nhu cầu vốn trung, dài hạn của các ngân hàng càng tăng cao.

Chính vì vậy thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng, trong khi có thể giảm lãi suất ngắn hạn nhằm thu hút khách hàng chuyển dịch tiền gửi từ ngắn hạn sang dài hạn. Đợt điều chỉnh mạnh lãi suất huy động vào cuối tháng 9 vừa qua của nhóm 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng cho thấy điều này, khi mức giảm ở các kỳ hạn ngắn lên đến 0,3 - 0,5%, trong khi gần như giữ nguyên ở các kỳ hạn dài.

Nguồn vốn mặc dù có thể chuyển dịch sang kỳ hạn dài hơn nhưng khối lượng là rất khiêm tốn. Ngược lại, một lượng vốn không nhỏ đã chảy sang những ngân hàng đang niêm yết lãi suất cao hơn nhiều dù ở kỳ hạn ngắn. Hiện tại chênh lệch lãi suất ở kỳ hạn 1 tháng của các ngân hàng đang nới rộng lên đến 0,5 - 1%.

Do đó, khách hàng có thể chọn những ngân hàng nhỏ hơn với lãi suất tương đối ở các kỳ hạn ngắn, mà không chọn gửi ở các kỳ hạn dài tại các ngân hàng lớn, mặc dù lãi suất cao hơn nhiều.

Niềm tin

Với thực trạng VND luôn bị mất giá qua các năm, các tin đồn tiêu cực trên thị trường tiền tệ và ngân hàng, những bất ổn kinh tế đã gây ra hậu quả nặng nề trong các năm trước đây, thì niềm tin của người gửi tiền phần nào bị giảm sút. Do đó, họ vẫn lựa chọn gửi dòng tiền nhàn rỗi ở các kỳ hạn ngắn, dù phải chịu mức lãi suất thấp hơn.

Hệ quả là nguồn vốn tại các ngân hàng không đủ bền vững và dài hơi để hỗ trợ cho nền kinh tế thông qua việc tài trợ các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh dài hạn. Đến lượt mình, để bù lại phần chênh lệch kỳ hạn phải gánh chịu, ngân hàng buộc phải áp mức lãi suất cao đối với các khoản vay trung, dài hạn và do đó không thể hỗ trợ tốt nhất cho DN, khiến DN phần nào mất lợi thế cạnh tranh do phải chịu chi phí tài chính cao hơn.

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng hơn, trong khi những bất ổn của nền kinh tế thế giới chưa dừng lại, thì việc quản lý, điều hành nền kinh tế chưa bao giờ là chuyện đơn giản và không phải bất biến. Trong khi đó, dù có thể đã duy trì ổn định một thời gian dài nhưng chỉ cần một sai lầm nhỏ thì niềm tin lại bị hao hụt.

>Nỗi lo tỷ giá

>Thị trường tài chính thế giới: Nỗi lo từ nước Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Với người gửi tiền, lãi suất không là tất cả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO