VND trong mối quan hệ với USD và các đồng tiền trong khu vực

TS. PHAN MINH NGỌC - Chuyên gia Ngân hàng Sumitomo Chi nhánh Singapore| 26/03/2015 00:44

Trong bối cảnh giao thương toàn cầu, tỷ giá bản tệ của các nước trong khu vực sẽ ảnh hưởng trực tiếp và không nhỏ đến xuất khẩu cũng như sản xuất nội địa của Việt Nam.

VND trong mối quan hệ với USD và các đồng tiền trong khu vực

Tại cuộc họp báo ngày 25/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định không điều chỉnh tỷ giá VND/USD trong đợt “sốt” tỷ giá lần này.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phân tích: Nguyên nhân tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong thời gian qua là do yếu tố tâm lý trước xu hướng tăng giá mạnh của đồng đô la Mỹ (USD) trên thị trường thế giới. Qua theo dõi của NHNN, các yếu tố cung cầu ngoại tệ về cơ bản không có biến động lớn và đáng quan ngại. Do vậy thời điểm này NHNN sẽ giữ ổn định tỷ giá.

“Đặc biệt, với cung cầu ngoại tệ cũng như nguồn dự trữ ngoại hối hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có đủ điều kiện để bình ổn tỷ giá”, Phó thống đốc khẳng định.

Ngoài ra, theo bà Hồng, đồng USD hiện chỉ tăng mạnh so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới như đồng tiền chung Liên minh Châu Âu (EUR), Anh (bảng), Canada (CAD)… Còn tỷ giá Nhân dân tệ của Trung Quốc, đô la Hongkong, đô la Đài Loan và đồng tiền các nước ASEAN không thay đổi nhiều, tức cũng không thay đổi nhiều so với VND.

Tuy nhiên, theo người viết xác minh lại diễn biến tỷ giá của một số đồng tiền trong khu vực trong nửa năm qua trên trang mạng xe.com thì thấy như sau:

NgàyVND
(Việt Nam)
CNY
(Trung Quốc)
TWD (Đài Loan)KRW (Hàn Quốc)IDR (Indonesia)SGD (Singapore)MYR (Malaysia)THB (Thái Lan)PHP (Philippines)HKD (Hồng Kông)
29/10/2014
2/3/2015
21.245
21.243
6,111
6,2837
30,3735
31,4076
1,05659
1,10074
12,102
12,95948
1,27768
1,36418
3,271
3,630
32,52375
32,39156
44,700
44,090
7,75473
7,75522
Điều chỉnh %-0,01+2,83+3,04+ 4,18+ 7,09+ 6,77+10,98- 0,41- 1,36+ 0,01

Theo đó, đồng tiền Trung Quốc đã tăng từ mức thấp nhất là 6,111 CNY/USD vào ngày 29/10/2014 lên đến đỉnh 6,28377 vào ngày 2/3/2015, tức CNY đã bị phá giá 2,83%.

Có thể thấy, trong số các đồng tiền trong khu vực, chỉ có đồng tiền Việt Nam, Thái Lan và Philippines là lên giá so với USD (tức tỷ giá giảm đi). Các đồng bản tệ khác đều mất giá so với USD (tỷ giá tăng lên). Riêng HKD là trường hợp đặc biệt, vì chính sách tiền tệ của lãnh thổ này là neo chặt HKD với USD.

Mức giảm giá mạnh nhất là tiền Malaysia (mất gần 11%), tiền Indonesia (mất hơn 7%) và tiền Singapore (mất 6,8%).

Tính trung bình cộng thì các đồng bản tệ này đã mất tới 5,9% so với USD, trong khi VND hầu như không biến động, thể hiện mức neo chắc với USD. Điều này cũng có nghĩa là VND đã lên giá đáng kể so với hầu hết các đồng tiền trong khu vực.

Các đồng bản tệ còn lại như tiền Thái, tiền Philippines tuy có lên giá so với VND, nhưng mức lên giá là tương đối nhỏ, và cả 2 đồng tiền này sau đó đã bắt đầu mất giá mạnh trở lại cho đến tận hôm 16/3 là hôm FED họp và quyết định hoãn tăng lãi suất USD.

Trong bối cảnh giao thương toàn cầu, tỷ giá bản tệ của các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước có tỷ trọng thương mại lớn với Việt Nam, sẽ ảnh hưởng trực tiếp và không nhỏ đến xuất khẩu cũng như sản xuất nội địa của Việt Nam. Bởi, mỗi một điểm phần trăm phá giá của các bản tệ cũng có nghĩa là các nước này tăng thuế nhập khẩu thêm 1% lên hàng xuất khẩu của Việt Nam, hay trợ cấp 1% dưới dạng hoàn thuế xuất khẩu để giúp cho hàng hóa của họ thêm đà lấn lướt khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
VND trong mối quan hệ với USD và các đồng tiền trong khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO