Với tổng vốn đầu tư 8 triệu USD cho máy móc, thiết bị, nhà máy Levi Strauss tại Ninh Bình là một trung tâm hoàn thiện sản phẩm.
Ông John Anderson, Chủ tịch Levi Strauss |
Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, ông John Anderson, Chủ tịch Levi Strauss, hãng sản xuất quần jeans lớn nhất thế giới khẳng định, Việt Nam sẽ là trung tâm sản xuất của Levi Strauss để xuất khẩu các sản phẩm sang các thị trường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thưa ông, Trung Quốc được biết đến như là một trung tâm may mặc của toàn thế giới và các công ty dệt may quốc tế cũng đã xây dựng các cơ sở sản xuất quy mô lớn tại đó. Vậy tại sao Levi Strauss lại chọn Việt Nam?
Chúng tôi cũng đã xem xét những quốc gia khác, nhưng cuối cùng, quyết định chọn Việt Nam vì ở đây có lực lượng lao động trẻ dồi dào, có trình độ học vấn cao, khéo tay và còn vì Việt Nam khá gần với các thị trường châu Á-Thái Bình Dương.
Hơn nữa, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực. Thêm vào đó, tại đây chúng tôi có thể dễ dàng tìm được các nhà thầu sản xuất chuyên nghiệp và nguồn cung cấp nguyên liệu sẵn có.
Đối với Levi Strauss, Việt Nam là thị trường rất quan trọng, bởi đây là một trong những nước thực hiện nhiều hợp đồng gia công quan trọng nhất cho chúng tôi và cũng là một thị trường đang phát triển dành cho hoạt động bán lẻ các sản phẩm của Công ty (thông qua nhà phân phối độc quyền là Công ty Thanh Bắc).
Được biết, nhà máy hoàn thiện sản phẩm của Levi Strauss đã được xây dựng tại Ninh Bình và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm ngoái. Ông có thể giới thiệu đôi nét về nhà máy này?
Với tổng vốn đầu tư 8 triệu USD cho máy móc, thiết bị, nhà máy Levi Strauss tại Ninh Bình là một trung tâm hoàn thiện sản phẩm, nơi chúng tôi hoàn thiện các “chi tiết trang trí” để tạo nên kiểu dáng cho sản phẩm quần jeans mang thương hiệu Levi’s. Các quy trình hoàn thiện liên quan đến các bước thao tác làm thay đổi màu sắc, hình dáng, đường nét… để làm tăng giá trị, tạo nên một phong cách riêng biệt cho sản phẩm quần jeans của Levi Strauss.
Hiện chúng tôi đang sử dụng 700 lao động có khả năng hoàn thiện 6.000 sản phẩm/ngày và toàn bộ sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường châu Á. Sắp tới, chúng tôi dự định tăng công suất lên 10.000 sản phẩm/ngày để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ ngay tại Việt Nam.
Hiện có một số công ty may mặc tại Việt Nam đang lo ngại về số lượng và chất lượng lao động Việt Nam. Nhà máy của Levi Strauss tại Ninh Bình có gặp khó khăn này không?
Hoàn toàn không. Chúng tôi đã tuyển dụng được số lao động cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đào tạo lao động ngay tại chỗ để đảm bảo sản xuất của chúng tôi luôn thông suốt, kể cả khi chúng tôi quyết định tăng công suất trong thời gian tới.
Levi Strauss đã có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như thế nào. Chẳng hạn, Công ty có tiếp tục xây dựng thêm nhà máy hoàn thiện sản phẩm tại khu vực phía Nam, thưa ông?
Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho thương hiệu Levi’s tại Việt Nam, đặc biệt là phát triển các thương hiệu mới. Chúng tôi muốn thương hiệu của Levi Strauss sẽ hiện diện tại mỗi tỉnh, thành phố lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có ý định cụ thể cho việc xây dựng thêm nhà máy tại các tỉnh miền Nam.
Ông có nói rằng toàn bộ sản phẩm của Levi Strauss sản xuất tại Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang thị trường châu Á. Liệu có thể hiểu rằng, châu Á là thị trường quan trọng nhất của Levi Strauss?
Châu Á là một thị trường quan trọng của chúng tôi. Năm 2010, doanh thu tại châu Á - Thái Bình Dương chiếm 20% tổng doanh thu của Công ty .
Levi’s là thương hiệu dẫn đầu trong phân khúc các sản phẩm may mặc bằng chất liệu vải jean cao cấp tại hầu hết các quốc gia châu Á. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào khu vực này, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao, được gia công khéo léo và những trải nghiệm thương hiệu thú vị.