Việt Nam lọt top 4 đối tác xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào Singapore
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, trong quý I/2025, Việt Nam lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 4 trong danh sách các quốc gia cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Singapore. Với kim ngạch xuất khẩu đạt 14 triệu SGD, Việt Nam chiếm 27,8% thị phần trong phân khúc phi-lê cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông, nhóm sản phẩm có giá trị nhập khẩu cao nhất của Singapore từ Việt Nam.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, ngoài nhóm sản phẩm chủ lực là phi-lê cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông, Việt Nam còn xuất khẩu hai nhóm thủy sản có giá trị đáng kể vào Singapore, bao gồm: động vật giáp xác đã/chưa qua chế biến với kim ngạch 5,6 triệu SGD (chiếm 8,3% thị phần) và động vật thân mềm đã/chưa qua chế biến với kim ngạch 4,9 triệu SGD (chiếm 16,5% thị phần). Cả hai nhóm này đều ghi nhận tăng trưởng tích cực và còn nhiều dư địa để phát triển.
Bức tranh tổng thể cho thấy, nhu cầu nhập khẩu thủy sản tại Singapore khá đồng đều ở bốn nhóm chính gồm: cá tươi/ướp lạnh (trừ phi-lê), cá cấp đông (trừ phi-lê), phi-lê cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông, và động vật giáp xác đã/chưa qua chế biến.
Mỗi nhóm đạt kim ngạch trên 50 triệu SGD trong quý I/2025, tương đương khoảng 17 triệu SGD mỗi tháng. Trong đó, động vật giáp xác dẫn đầu về giá trị nhập khẩu, đạt 67,2 triệu SGD, chiếm gần 25% tổng kim ngạch thủy sản nhập khẩu.

Ngoài 4 nhóm sản phẩm chủ lực, Singapore cũng ghi nhận nhu cầu đáng kể đối với các nhóm như cá sống, cá chế biến, động vật thân mềm, và các loại thủy sinh vật không xương sống khác. Trong số này, động vật thân mềm (đã/chưa qua chế biến) đạt giá trị nhập khẩu cao nhất, với hơn 29,8 triệu SGD trong 3 tháng đầu năm.
Về mặt cạnh tranh, Malaysia và Indonesia hiện là 2 đối tác cung cấp thủy sản lớn nhất cho Singapore, lần lượt đạt 37,4 triệu SGD (13,2% thị phần) và 32,2 triệu SGD (11,4%). Các sản phẩm chủ lực từ hai quốc gia này bao gồm động vật giáp xác và cá tươi/ướp lạnh (không bao gồm phi-lê).
Na Uy đứng thứ 3 với kim ngạch 30,4 triệu SGD, chiếm 10,7% thị phần. Khác biệt đáng chú ý là thủy sản Na Uy chủ yếu tập trung vào nhóm cá tươi/ướp lạnh không phi-lê, nơi quốc gia này hiện đang giữ vị trí thống lĩnh.
Trước bối cảnh thị trường Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi các rào cản thuế quan, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) để triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tại Singapore.
Hai bên đã thống nhất tiếp tục tăng cường cung cấp thông tin thị trường, kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và tham gia các hội chợ triển lãm ngành thủy sản tại Singapore.
Trong thời gian tới, quy mô nhập khẩu thủy sản của Singapore được dự báo sẽ duy trì ổn định, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục giữ vững thị phần trong nhóm sản phẩm phi-lê cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông.
Tuy nhiên, ở các nhóm khác, đặc biệt là động vật giáp xác và động vật thân mềm, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh không chỉ với Malaysia và Indonesia mà còn với các quốc gia có ngành thủy sản phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng hiện diện tại thị trường Singapore, Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến nghị các doanh nghiệp cần: Duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; Thường xuyên cập nhật và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhập khẩu của Singapore; Đổi mới mẫu mã bao bì, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và Tăng cường đầu tư công nghệ chế biến nhằm tối ưu hóa năng suất và chất lượng.