Bộ TT&TT cho biết, các doanh nghiệp di động căn cứ định hướng xây dựng lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G, cụ thể phải triển khai các giải pháp chuyển đổi thuê bao sang sử dụng smartphone 4G, 5G, phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G. Đồng thời, kế hoạch dừng công nghệ 2G của doanh nghiệp phải bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn; bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ này và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Bộ TT&TT cũng đã định hướng để người sử dụng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone, các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh... nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ đã đặt ra, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Trên thế giới, mỗi quốc gia khi tắt sóng công nghệ 2G, 3G đều có những phương pháp, mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, nếu một nhà mạng muốn triển khai công nghệ di động mới 5G, thì việc duy trì vận hành quá nhiều công nghệ song song như 2G, 3G, 4G đồng thời, sẽ tốn chi phí rất lớn và khai thác không hiệu quả. Vì vậy, cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Trên thế giới, có nước tắt sóng mạng 2G nhưng có nước lại tắt sóng mạng 3G trước.
Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt - đó là phổ cập mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam. Cuộc cách mạng này sẽ thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.