Chuyện làm ăn

Việt Nam đặt mục tiêu thành trung tâm sản xuất dược phẩm trị giá 1 tỷ USD

Thanh An 19/10/2023 - 12:42

Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực ASEAN, phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD.

duoc-pham.jpg

Được biết, đây là chiến lược quốc gia về lĩnh vực y tế giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt trong Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023.

Mục tiêu chung của chiến lược nhằm phát triển ngành công nghiệp dược, dược liệu sản xuất Việt Nam được ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý; nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công, chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Việt Nam đang được nhiều tập đoàn dược phẩm đa quốc gia trên thế giới xem là điểm đến hấp dẫn để thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, trong đó bao gồm cả việc thành lập các cơ sở sản xuất thuốc để từ đó xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Do đó, nếu định hướng phát triển lâu dài, Việt Nam hoàn toàn có khả năng khai thác các tiềm năng thương mại trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm. Đồng thời, nâng cao vai trò của ngành dược, không chỉ dừng lại ở vai trò hậu cần đảm bảo cung cấp sản phẩm dược, mà còn tham gia vào cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cả cộng đồng và các cơ sở y tế, thông qua đẩy mạnh phát triển dược lâm sàng, tăng cường giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả thấp nhất trong khu vực. Tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng trong các năm gần đây duy trì ở mức thấp, dưới 2% trên tổng số mẫu lấy trên thị trường. Trong khi những năm 1990, tỷ lệ thuốc giả trên thị trường chiếm hơn 10%. Đây là một trong những lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế đến Việt Nam thành lập các cơ sở nghiên cứu và sản xuất dược phẩm.

Với những lợi thế trên, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Trong đó, giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD. Đồng thời, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Ở thời điểm hiện tại, về sản xuất, Việt Nam đã phát triển mạnh về số lượng doanh nghiệp dược, tuy nhiên thuốc sản xuất trong nước chưa có tính cạnh tranh cao. Hơn 200 doanh nghiệp chủ yếu sản xuất thuốc generic (thuốc thế hệ hai). Thị trường trong nước có hơn 800 dược chất lưu hành, song số lượng dược chất doanh nghiệp trong nước sản xuất chưa quá 50%. Vì thế, một trong những mục tiêu phát triển ngành dược trong thời gian tới là chuyển một phần từ sản xuất thuốc generic sang thuốc phát minh.

Do đó, Việt Nam hiện tại đã xây dựng thành công được 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên và 2-5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn. Phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10-15 loài cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn. 100% nguyên liệu dược liệu được tiêu chuẩn hóa (cao chiết, tinh dầu, bột dược liệu) phục vụ sản xuất thuốc trong nước đạt chứng nhận mức độ 3 trở lên của Tổ chức Y tế Thế giới về năng lực của cơ quan quản lý nhà nước đối với thuốc hóa dược.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thực hiện chiến lược phấn đấu hoàn thành số hóa 100% thông tin, dữ liệu thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, cập nhật vào ngân hàng dữ liệu ngành dược; 100% cơ sở sản xuất, bán buôn, xuất nhập khẩu và bán lẻ thuốc trên toàn quốc được kết nối liên thông…

Theo đó, định hướng đến năm 2045, sản xuất dược phẩm Việt Nam sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong nước và nâng cao giá trị xuất khẩu, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động sản xuất được các thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc; có thuốc biệt dược gốc từ nguồn dược liệu trong nước được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam đặt mục tiêu thành trung tâm sản xuất dược phẩm trị giá 1 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO